Tác động của chiến lược “tuần hoàn kép” của Trung Quốc đối với ASEAN

ASEAN cũng đang trở thành một nhân tố lớn hơn trong mảng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Trung Quốc. Trong nửa đầu năm 2020, đầu tư từ ASEAN sang Trung Quốc đã gia tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tác động của chiến lược “tuần hoàn kép” của Trung Quốc đối với ASEAN ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Free Malaysia Today)

Trong bài viết có tiêu đề “Chính sách tuần hoàn kép của Trung Quốc có ý nghĩa gì đối với ASEAN?,” tờ ASEAN Today đã phân tích tác động của việc Bắc Kinh điều chỉnh chính sách phát triển kinh tế hướng nội đến dòng chảy thương mại tại Đông Nam Á.

Theo bài báo, trong tháng Mười này, Ban Chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) sẽ được triệu tập để vạch ra kế hoạch phát triển 5 năm tiếp theo. Các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà quan sát khác sẽ theo dõi sát sao các chỉ thị của Bắc Kinh liên quan đến chiến lược mới mang tên “tuần hoàn kép” trong đó đề cập đến việc duy trì tăng trưởng kinh tế trong nước (“tuần hoàn bên trong”), đồng thời cho phép thị trường nội địa và thị trường bên ngoài thúc đẩy lẫn nhau (“tuần hoàn bên ngoài”).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên công bố ý tưởng tuần hoàn kép hồi tháng 5/2020 vừa qua tại một cuộc họp của Bộ Chính trị CCP. Đề cập đến sự phát triển lâu dài của Trung Quốc, ông Tập cho biết ông hình dung ra một Trung Quốc ít phụ thuộc hơn vào hội nhập toàn cầu và thay vào đó được hỗ trợ bởi tiêu dùng trong nước.

Lý do Trung Quốc theo đuổi chính sách tuần hoàn kép

Điều quan trọng cần lưu ý là sự thay đổi hướng tới tăng trưởng nội địa này không phải là "cú bẻ lái" đột ngột của Chính phủ Trung Quốc. Trong khi tăng trưởng dựa vào xuất khẩu giữ vai trò then chốt đối với Trung Quốc kể từ những năm 1970, mô hình phát triển này hiện không còn bền vững.

Kể từ cuối những năm 2000, tỷ lệ đóng góp của xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã giảm dần, từ mức đỉnh 36% vào năm 2006 xuống còn 18% vào năm 2019.

[AMM 53: Hợp tác ASEAN-Trung Quốc hướng tới tầm cao mới]

Trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bảo hộ kinh tế đang gia tăng trên toàn cầu, cũng như cuộc chiến thương mại với Mỹ, việc Trung Quốc đa dạng hóa và đề phòng bất trắc đối với các thị trường xuất khẩu là điều dễ hiểu.

Bên cạnh đó, mức sống của người dân Trung Quốc đã tăng nhanh trong bối cảnh quốc gia này thúc đẩy đô thị hóa. Tầng lớp trung lưu Trung Quốc cũng tăng cùng với sự gia tăng của dân số thành thị - từ mức 19% dân số vào năm 1980 lên 60% vào năm 2019.

Khi người tiêu dùng chuyển sang tầng lớp trung lưu và mức sống của họ tăng lên, họ góp phần làm tăng nhu cầu trong nước. Sự bùng nổ tiêu dùng nội địa này cũng được thúc đẩy bởi tốc độ phát triển nhanh chóng và sâu rộng của ngành thương mại điện tử Trung Quốc.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, giao dịch thương mại điện tử của nước này đã đạt 34.810 tỷ NDT (5.200 tỷ USD) vào năm 2019, tăng 10% so với một năm trước đó.

Khi Trung Quốc còn là tâm chấn của làn sóng COVID-19 đầu tiên, quốc gia này đã ứng phó mạnh mẽ trước đại dịch và nổi lên như một trong những điểm sáng kinh tế ở châu Á.

Trong khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của châu Á xuống mức -0,7%, Trung Quốc là một trong số ít quốc gia được dự báo sẽ đạt tăng trưởng dương ở mức 1,8% trong năm nay. Với việc đại dịch được kiểm soát, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đường ổn định và phục hồi.

Tiêu dùng nội địa đã đóng vai trò là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc, trong khi các thị trường xuất khẩu lại bị ảnh hưởng nặng nề giữa lúc căng thẳng thương mại leo thang và các đối tác thương mại lớn đang phải vật lộn để quản lý hậu quả của đại dịch.

Tác động của chính sách “tuần hoàn kép” đối với ASEAN

“Tuần hoàn kép” không dẫn tới việc Trung Quốc thoái lui khỏi toàn cầu hóa kinh tế. Tuy nhiên, điều này có thể báo hiệu về một mô hình toàn cầu hóa mới của Trung Quốc nghiêng về hội nhập khu vực nhằm tái cân bằng trước các tác động của tình trạng căng thẳng thương mại với Mỹ.

ASEAN sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng với tư cách là đối tác kinh doanh chiến lược của Trung Quốc. Trong quý 1/2020, ASEAN đã vượt qua EU để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Thương mại ASEAN-Trung Quốc chiếm tới 15% tổng giá trị trao đổi thương mại của Trung Quốc.

Các công ty đa quốc gia đang thích ứng để ứng phó với sự gián đoạn chuỗi cung ứng do COVID-19, biến ASEAN trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho các công ty đang cân nhắc chiến lược “Trung Quốc +1.”

ASEAN cũng đang trở thành một nhân tố lớn hơn trong mảng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Trung Quốc. Trong nửa đầu năm 2020, đầu tư từ ASEAN sang Trung Quốc đã gia tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hồi tháng Sáu, Trung Quốc đã công bố kế hoạch tổng thể nhằm biến toàn bộ đảo Hải Nam thành cảng thương mại tự do vào năm 2035 và trở thành đặc khu kinh tế lớn nhất của Trung Quốc. Điều này liên quan rất lớn đến ASEAN do Hải Nam nằm gần Đông Nam Á.

Một số quốc gia thành viên ASEAN đang phản ứng tích cực trước các cơ hội tại Trung Quốc. Theo thông báo của Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat tại Diễn đàn toàn cầu “Tương lai Trung Quốc” được tổ chức vào trung tuần tháng Chín vừa qua, Singapore đang hợp tác với Trung Quốc trong dự án Hành lang thương mại quốc tế mới trên đất liền và trên biển thuộc Sáng kiến kết nối Trùng Khánh.

Hành lang này kết nối thành phố Trùng Khánh và miền Tây của Trung Quốc với các hải cảng ở Quảng Tây và các nơi khác, và là một điểm nút chiến lược trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) được Bắc Kinh hậu thuẫn nhằm tăng cường kết nối toàn cầu của quốc gia này. Trong nửa đầu năm 2020, trao đổi thương mại qua hành lang này đã tăng 20%.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - dự kiến được ký kết trước cuối năm 2020 - là một minh chứng khác về cam kết của khu vực đối với chủ nghĩa đa phương và thương mại.

Hiệp định thương mại tự do (FTA) này giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand) sẽ là FTA lớn nhất thế giới về quy mô dân số khi chiếm tới 45% dân số thế giới và 40% tổng giá trị trao đổi thương mại toàn cầu.

Ngoài các sáng kiến của chính phủ, các công ty tư nhân cũng đang tích cực môi giới các mối quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và ASEAN. Cainiao - chi nhánh hậu cần của Tập đoàn Alibaba - đang hợp tác cùng công ty BEST Inc. của Trung Quốc nhằm khởi động một dịch vụ hậu cần thương mại điện tử tích hợp xuyên biên giới giữa Trung Quốc và Malaysia.

Thông qua chính sách “tuần hoàn kép,” Trung Quốc đề xuất một kế hoạch sửa đổi để các chính phủ và các doanh nghiệp tham gia vào thương mại và đầu tư. ASEAN và Trung Quốc cần tiếp tục cam kết hội nhập khu vực thông qua thương mại tự do và mạng lưới kết nối được cải thiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục