Tác động của 'Hiệp ước Abraham' đối với quan hệ Trung Quốc-Israel

Theo trang mạng thediplomat.com, quan hệ Trung Quốc-Israel đã được dựa trên lập trường thực dụng và phi chính trị, vì cả hai nước đều có những yếu tố khác cần xem xét.
Tác động của 'Hiệp ước Abraham' đối với quan hệ Trung Quốc-Israel ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Depositphotos)

Theo trang mạng thediplomat.com, ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc ở khu vực Á-Âu đã mở rộng đáng kể trong 10 năm qua thông qua hai phương pháp, đó là các sáng kiến đa phương do Bắc Kinh dẫn dắt và các thỏa thuận song phương phù hợp với các nước đối tác.

Có thể nói, ngoài Trung Đông, không có khu vực nào đủ khả năng đặt ra một thách thức khó khăn hơn cho Trung Quốc, vì Bắc Kinh vừa phải cân bằng giữa các nước vốn là đối thủ của nhau - chẳng hạn như tam giác Iran-Saudi Arabia-Israel, vừa phải thực hiện chiến lược ngoại giao để làm hài lòng mỗi quốc gia mà không làm phật ý các nước khác.

Đặc biệt, quan hệ Trung Quốc-Israel đã được dựa trên lập trường thực dụng và phi chính trị, vì cả hai nước đều có những yếu tố khác cần xem xét.

Trung Quốc đã phải xoay xở và hy vọng tránh khỏi vũng lầy xung đột ở Trung Đông. Trong khi đó, chính sách an ninh và đối ngoại của Israel phải luôn phù hợp với tầm nhìn của cường quốc bảo trợ là Mỹ. Giới chức chính phủ ở Jerusalem không còn lạ gì với trạng thái cân bằng mong manh này.

Không kể đến lịch sử phức tạp trong quan hệ Trung Quốc-Israel và “lằn ranh đỏ” của Washington, giai đoạn 10 năm qua dưới thời chính quyền Netanyahu đã chứng kiến sự phát triển chưa từng có trong quan hệ đối tác Trung Quốc-Israel, mối quan hệ luôn được mô tả là thực dụng và cùng có lợi, không chống lại bất kỳ thế lực nào.

Tuy nhiên, những điều tưởng chừng như hoàn hảo trên giấy tờ và trong các bài phát biểu không phải lúc nào cũng suôn sẻ như tưởng tượng của hai bên, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng trở nên gay gắt hơn và tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực công nghệ.

Về phía Trung Quốc, quan hệ đối tác với Israel luôn được coi là một trường hợp đặc biệt. Những năm qua, trong thời kỳ đỉnh cao của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) mở rộng, khi Bắc Kinh nâng cấp quan hệ với hàng chục nước tham gia dưới vỏ bọc là quan hệ đối tác toàn diện, họ đã ký một “hiệp ước đối tác đổi mới toàn diện” với Israel.

Cách dùng từ trên, với trọng tâm là "đổi mới", nhằm báo hiệu cho thế giới biết rằng thỏa thuận này không liên quan đến bất kỳ sự liên kết chính trị nào mà chỉ đơn thuần về kinh tế.

Tuy nhiên, khi các thỏa thuận này dần lấn sân sang hai lĩnh vực quan trọng nhất của cuộc cạnh tranh quyền lực toàn cầu hiện nay - gồm cơ sở hạ tầng thiết yếu và công nghệ tiên tiến - thì mối quan hệ đang phát triển này ngày càng vấp phải nhiều chỉ trích, cả ở trong và ngoài nước.

[Hợp tác chiến lược Trung Quốc-Iran: Biểu tượng hay thực chất?]

Song, những chỉ trích ở trong nước đã không thể vượt qua tầm nhìn của chính quyền dân sự về việc mở rộng nhóm các nhà đầu tư tại nước này. Israel là một trường hợp thú vị, vì nước này có thể thu hút lượng vốn đáng kể cho các dự án kinh doanh tư nhân, nhưng lại rất khó khăn trong việc tìm ra bất kỳ dự án lớn nào của cộng đồng (chẳng hạn như đường sắt, cảng và đường ống) mà không yêu cầu lợi nhuận kinh tế trực tiếp, tức thời hoặc phục vụ cho quân sự.

Các khoản đầu tư của Trung Quốc, được dẫn dắt bởi tầm nhìn của BRI về việc mở rộng kết nối Á-Âu, chính xác là những gì Israel cần cho chiến lược định vị nước này như một nút thắt nối ba lục địa xung quanh, cũng như phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp.

Căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm khi Israel bán cảng Haifa cho một nhà đầu tư được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn - Tập đoàn Cảng Quốc tế Thượng Hải - vào năm 2015, làm gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Washington.

Thương vụ này đe dọa mở rộng sự giám sát của Trung Quốc ở miền Đông Địa Trung Hải đối với Hải quân Mỹ và các đồng minh, trong một môi trường vốn đã có nhiều tranh chấp giữa Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mỹ và Iran.

Một vấn đề quan trọng là Hạm đội 6 của Mỹ sẽ phải chấm dứt việc thường xuyên neo đậu ở Haifa, nếu Israel không thay đổi cách tiếp cận cẩu thả và thiếu sự giám sát an ninh trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.

Washington phải nhận ra rằng họ không thể ngăn đối tác Trung Đông thu hút vốn nước ngoài, từ đó gây tổn hại đến lợi ích của chính họ ở quốc gia Do Thái này.

Nghịch lý thay, cuộc khủng hoảng chính trị trong nước của Israel từ năm 2019-2021 và đại dịch COVID-19 đã cho Washington thời gian để phát triển một chiến lược thay thế cho việc gây sức ép, trong khi Israel tập trung vào vấn đề nội bộ. Mỹ đã phải đưa ra các khả năng khác, một chiến lược mà nước này cũng đang áp dụng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để đẩy các nước ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc.

Chìa khóa để giải quyết vấn đề hóc búa này nằm ở sáng kiến của chính quyền Trump trong giai đoạn 2019-2020, từ lâu đã được hứa hẹn là "Thỏa thuận thế kỷ" có tên "Hòa bình để thịnh vượng."

Theo khuôn khổ này, chính quyền ông Trump giám sát quá trình bình thường hóa và các thỏa thuận hòa bình được gọi là Hiệp ước Abraham. Một giải pháp quan trọng cho các vấn đề kinh tế ở Trung Đông sẽ là liên kết giữa nguồn vốn của vùng Vịnh, công nghệ của Israel, thị trường toàn cầu và người lao động Arab.

Ba khía cạnh đầu tiên phần lớn đã đạt được nhờ Hiệp ước, song trụ cột thứ tư vẫn chưa được giải quyết vì các mục tiêu về kinh tế không thể tác động đến các giải pháp chính trị đối với hoàn cảnh hiện nay của người Palestine.

Trong số các quốc gia đã ký hiệp ước, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đang có vị trí thuận lợi nhất để cung cấp số vốn cần thiết cho Israel, chừng nào Saudi Arabia vẫn chỉ là một đối tác bí mật của quốc gia Do Thái này.

Sau khi các dịp lễ kết thúc vào tháng 9/2020, các thỏa thuận kinh tế giữa Israel và UAE bắt đầu được triển khai với tốc độ nhanh chóng, được coi là “hòa khí” đầu tiên giữa Israel và một nước Arab. Hợp tác kinh tế được mở rộng sang tất cả các lĩnh vực trước đây từng thu hút vốn của Trung Quốc, trong đó có các công ty công nghệ cao, các dự án chung và cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Cơ sở hạ tầng là vấn đề quan trọng nhất, vì chỉ cách đây vài năm, khó có thể tưởng tượng rằng Israel sẽ để các cường quốc khác, chứ chưa nói đến các nước Ảrập, tiếp quản các dự án cảng và đường ống. Điều này cho thấy Trung Đông đã thay đổi ra sao trước sự can dự của Trung Quốc, cũng như sự suy giảm về tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Dự án đáng chú ý nhất sử dụng vốn của UAE nhằm đáp ứng nhu cầu của Israel là phát triển cảng Haifa, nằm đối diện với khu vực thuộc sở hữu của Trung Quốc tại vịnh này như vừa đề cập. Trong dự án trên, công ty DP World có trụ sở tại Dubai đã hợp tác với Công ty công nghiệp đóng tàu Israel (một thành phần quan trọng của tổ hợp công nghiệp-quân sự Israel) để tạo ra một bến cảng thân thiện với Mỹ tại trung tâm giao thông quan trọng trong tương lai này.

Hơn nữa, hai bên đang hợp tác trong dự án đường ống Med-Red, nối cảng Eilat ở khu vực Bắc Biển Đỏ với cảng Ashkelon trên bờ Địa Trung Hải, cho phép dầu mỏ của vùng Vịnh được vận chuyển qua kênh đào Suez.

Sự hợp tác này đương nhiên phải đối mặt với một số trở ngại, chẳng hạn như việc Mỹ rút các khoản tài trợ cho một số thỏa thuận, cùng những lo ngại về môi trường của Israel liên quan đến đường ống nói trên. Tuy nhiên, những vấn đề này là tự nhiên và không làm mất đi ý nghĩa của sự thay đổi chiến lược trong quan hệ quyền lực và mạng lưới hợp tác ở Trung Đông.

UAE cho rằng các nút thắt chính trị đã được nới lỏng và nước này đã sẵn sàng đầu tư vào một trong những trung tâm công nghệ hiệu quả nhất thế giới tại một vị trí chiến lược. Trong khi đó, Israel mong muốn được bán các tài sản và tận dụng vị trí địa lý của họ mà không khiến Mỹ tức giận.

Điều này có tác động thế nào đối với quan hệ kinh tế Trung Quốc-Israel vốn từng rất phát triển? Điều quan trọng là chúng ta chỉ có thể bàn về bước đột phá trong việc mở rộng quan hệ mà không phải về sự trở lại của tầm ảnh hưởng từ Trung Quốc (ít nhất tại thời điểm viết bài này).

Các tài sản mà Israel đã bán sẽ vẫn thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc, nhưng các hoạt động mua sắm tiếp theo sẽ bị giới hạn bởi quá trình sàng lọc đầu tư, hoặc thậm chí sẽ không được đưa vào giai đoạn đàm phán, vì UAE đang đẩy mạnh can dự và nắm bắt tất cả các cơ hội tiềm năng.

Có thể nói, mối quan hệ này sẽ không đi đến đổ vỡ, nhưng hai bên sẽ không còn quan tâm đến việc mở rộng quan hệ nhanh chóng như giai đoạn trước năm 2019. Trong khi những tháng vừa qua, Israel và UAE liên tục tổ chức các chuyến thăm với mục đích chính trị và thương mại, ở cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, thì các hoạt động tương tự với Trung Quốc hầu như không có.

Ở cấp độ chính phủ, nội các mới của Bennett-Lapid ở Israel đã đưa ra một chiến lược chính sách đối ngoại đa phương, tương tác với các đối tác cũ và mới, nhưng không có Trung Quốc.

Trung Quốc còn nhiều lựa chọn khác ở Trung Đông để mở rộng ảnh hưởng và không cần lãng phí năng lượng của nước này vào việc mặc cả với các nhà hoạch định chính sách của Israel, chỉ để đạt được những lợi ích hạn chế dưới sự giám sát liên tục. Do đó, Bắc Kinh cũng đang quay trở lại với quan điểm ngoại giao thân Palestine trước đây, cũng như với các đối tác truyền thống hơn như Iran và Syria.

Tốc độ phát triển quan hệ Trung Quốc-Israel trước đây khiến các đối tác ở trong và ngoài Israel cảm thấy khó chịu, đặc biệt là Mỹ. Giờ đây, Israel đã trở nên phù hợp với mô hình mở rộng của cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung trên trường quốc tế, vốn đang có tác động sâu rộng hơn đối với Trung Đông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục