Tác động của lạm phát đến chi tiêu quốc phòng toàn cầu

Chuyên gia Fenella McGerty thuộc Viện IISS nhận định, nếu lạm phát vẫn tiếp tục xu hướng tăng cao trong thời gian tới, điều đó sẽ tạo áp lực cho cả ngân sách quốc phòng và chi tiêu quốc phòng.
Tác động của lạm phát đến chi tiêu quốc phòng toàn cầu ảnh 1Một loại tên lửa siêu vượt âm của Mỹ. (Nguồn: Không quân Mỹ)

Năm 2021 chi tiêu quốc phòng toàn cầu giảm về mặt thực tế so với năm 2020, do tỷ lệ lạm phát tăng đột biến trên toàn thế giới.

Chuyên gia Fenella McGerty thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề chiến lược quốc tế (IISS) nhận định, nếu lạm phát vẫn tiếp tục xu hướng tăng cao trong thời gian tới, điều đó sẽ tạo áp lực cho cả ngân sách quốc phòng và chi tiêu quốc phòng.

Tăng trưởng chi tiêu quốc phòng toàn cầu chậm lại vào năm 2021, châu Âu và châu Á là những khu vực duy nhất tiếp tục thể hiện mức tăng trưởng trên thực tế. Trong khi tăng trưởng danh nghĩa được duy trì vào năm 2021, tỷ lệ lạm phát gia tăng ở tất cả các khu vực trên thế giới, dẫn đến xu hướng sụt giảm toàn cầu về mặt thực tế.

Chi tiêu quốc phòng toàn cầu đạt 1.920 tỷ USD vào năm 2021, cao hơn 3,4% so với năm 2020. Tuy nhiên, con số này giảm 1,8% theo giá trị thực, nếu điều chỉnh theo lạm phát, trong khi năm 2020 ghi nhận mức tăng 2,3% thực tế.

Tỷ lệ lạm phát gia tăng trên toàn thế giới vào năm 2021 do chi phí năng lượng cao hơn, nhu cầu phục hồi và sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang diễn ra do đại dịch COVID-19 kéo dài.

Điều này có nghĩa là, mặc dù các quốc gia đang tiếp tục cam kết tăng số lượng cho quốc phòng, nhưng sự gia tăng giá cả trong nền kinh tế rộng lớn hơn đang vượt xa tốc độ tăng ngân sách quốc phòng.

Chi tiêu quốc phòng tại các khu vực

Mỹ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu quốc phòng toàn cầu vào năm 2020, khi nước này tăng cường hoạt động và bảo trì (O&M) và tài trợ xây dựng quân sự cho Bộ Quốc phòng Mỹ.

Tuy nhiên, sự gia tăng này không lặp lại vào năm 2021, do Cơ quan quản lý ngân sách quốc phòng của Mỹ cắt giảm ngân sách đáng kể, từ 775 tỷ USD năm 2020 xuống còn 754 tỷ USD vào năm 2021. Kết hợp với lạm phát tăng vọt từ 3,1% lên 6,4%, ngân sách quốc phòng của Mỹ giảm 6% theo giá trị thực vào năm 2021.

[Mỹ thông qua luật chi tiêu quốc phòng, tăng mua máy bay và tàu chiến]

Tỷ lệ lạm phát cao cũng dẫn đến việc giảm chi tiêu thực ở Mỹ Latinh, châu Phi và cận Sahara, Nga và Á-Âu, mặc dù mức tăng danh nghĩa khá rõ ràng ở hầu hết các khu vực. Tình hình tương tự cũng thể hiện rõ ở Trung Đông và Bắc Phi, nơi tổng chi tiêu quốc phòng khu vực về danh nghĩa tương đối ổn định, dao động quanh mức 171 tỷ USD (bao gồm cả Tài trợ quân sự nước ngoài) kể từ năm 2017.

Tuy nhiên, với tỷ lệ lạm phát trung bình là 6,9% hàng năm (và ở một số quốc gia vượt quá 30%, ví dụ như Iran, Lebanon), mức cắt giảm theo kỳ hạn thực là khá lớn, với mức cắt giảm trung bình 3,6% hàng năm trong 4 năm trong giai đoạn 2017-2021.

Dự báo giá dầu cao hơn vào năm 2022 có thể làm tốc độ giảm chậm lại, đặc biệt nếu giá cả hàng hóa ổn định ở mức đủ để cân đối ngân sách của nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, lạm phát sẽ tiếp tục là một yếu tố.

Trong khi đó, Nga đã cam kết tăng chi hơn cho quốc phòng kể từ năm 2017 nhưng tính theo đồng USD và điều kiện thực tế, chi tiêu đã bị hạn chế nghiêm trọng.

Vào năm 2020, Bộ Quốc phòng Nga chỉ ra rằng, mục tiêu chính của Chương trình vũ trang nhà nước giai đoạn 2011-2020 đã đạt được (lượng vũ khí tồn kho đến cuối giai đoạn này phải bao gồm 70% vũ khí "hiện đại" và các thiết bị quân sự khác).

Tốc độ tăng chi tiêu quân sự sau đó đã được điều chỉnh và xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra đến năm 2024. Trái ngược với hoạt động quân sự gia tăng gần Ukraine, dự thảo luật ngân sách liên bang cho giai đoạn 2022-2024 chỉ ghi nhận mức tăng danh nghĩa nhẹ cho lĩnh vực quốc phòng. Nếu tính theo tỷ trọng GDP, tổng chi tiêu quân sự dự kiến sẽ giảm từ 3,8% vào năm 2021 xuống dưới 3,5% vào năm 2024.

Khả năng phục hồi tại các nước châu Á

Mức tăng chi tiêu quốc phòng ở châu Á và châu Âu đi ngược lại với sự giảm sút ở các nơi khác. Bất chấp bối cảnh tài khóa hạn chế, ngân sách quốc phòng châu Á đã chứng tỏ khả năng phục hồi, với rất ít bằng chứng cho thấy đại dịch đã làm chệch hướng các khoản đầu tư quốc phòng theo kế hoạch.

Tăng trưởng chi tiêu quốc phòng khu vực châu Á đã chậm lại vào năm 2020, giảm từ 5,3% năm 2019 xuống 3,4% theo giá thực tế, nhưng quan trọng là chỉ một số quốc gia thực hiện cắt giảm, trong khi những quốc gia khác chọn cách kiềm chế kế hoạch chi tiêu.

Ngân sách quốc phòng tiếp tục tăng vào năm 2021, với mức tăng trưởng thực tế đạt 2,8% (4,2% bao gồm khoản tăng 6 tỷ USD vào tháng 12/2021 trong ngân sách quốc phòng của Nhật Bản). Sự tăng trưởng liên tục này cho thấy chi tiêu quốc phòng của khu vực vẫn có khả năng phục hồi khi đối mặt với áp lực kinh tế lớn hơn.

Chi tiêu quốc phòng châu Âu tăng nhưng triển vọng kém thuận lợi

Các quốc gia châu Âu quan trọng trong năm 2020 đã cam kết tiếp tục tăng chi tiêu quốc phòng bất chấp những khó khăn kinh tế, và tăng trưởng vẫn đủ mạnh để vượt qua tỷ lệ lạm phát gia tăng vào cuối năm.

Năm 2021 đã chứng kiến năm thứ bảy liên tiếp chi tiêu quốc phòng châu Âu tăng trưởng thực tế, với chi tiêu trong khu vực tăng 4,8% tính theo giá trị thực, một tỷ lệ cao hơn bất kỳ khu vực nào khác - ngay cả sau khi tính đến mức tăng tháng 12/2021 của ngân sách quốc phòng Nhật Bản.

Sự gia tăng ngân sách của châu Âu trong năm 2021 chủ yếu do Anh thúc đẩy, nhưng cũng có sự gia tăng ngân sách đáng chú ý trên toàn khu vực ở Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Italy và Hà Lan.

Tính theo tỷ trọng GDP, chi tiêu quốc phòng của châu Âu đạt 1,5% vào năm 2021, bằng mức năm 2020, bất chấp sự phục hồi kinh tế nhanh chóng về mức GDP thực trước đại dịch.

Tất cả các khu vực khác đều chứng kiến chi tiêu giảm do tỷ trọng GDP trở lại mức của năm 2019 - tức là trước tác động suy giảm kinh tế đáng kể vào năm 2020.

Ngân sách quốc phòng châu Âu đã tăng đều đặn theo tỷ trọng GDP trong sáu năm qua, từ 1,20 % GDP năm 2015 lên 1,40% năm 2019, tăng lên 1,47% GDP năm 2020 và 2021.

Tốc độ tăng trưởng này được dự đoán sẽ không tiếp tục vào năm 2022. Ngân sách quốc phòng châu Âu đã được công bố cho đến nay đã tăng thêm một cách nhanh chóng, mặc dù chúng có thể được điều chỉnh tăng lên nếu lo ngại về an ninh gia tăng, chẳng hạn như liên quan đến các hành động quân sự của Nga đối với Ukraine.

Triển vọng dài hạn cho chi tiêu quốc phòng sẽ phụ thuộc vào chi phí kinh tế cuối cùng của đại dịch và quy mô của các biện pháp tài khóa mà các chính phủ sẽ cần ban hành để đưa thâm hụt trở lại mức bền vững hơn.

Nếu lạm phát tiếp tục tăng, điều này sẽ gây áp lực lên ngân sách quốc phòng trên toàn cầu khi chi phí đầu vào của các yếu tố tăng lên và nếu các quân nhân yêu cầu mức lương cao hơn để bắt kịp với mức tăng chi phí sinh hoạt.

Hơn nữa, khi các chính phủ chuyển sang tăng lãi suất để xoa dịu lạm phát, điều này sẽ làm tăng chi phí đi vay vào thời điểm thâm hụt tài khóa ở mức kỷ lục trên toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục