Tác động của việc khoảng cách GDP Mỹ-Trung Quốc tiếp tục thu hẹp

Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khoảng cách quy mô GDP giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục thu hẹp do hiệu quả phòng chống dịch của Trung Quốc được cho là tốt hơn Mỹ.
Tác động của việc khoảng cách GDP Mỹ-Trung Quốc tiếp tục thu hẹp ảnh 1(Nguồn: Getty Images)

Năm 2020 vừa khép lại. Những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc đạt mức tăng trưởng dương.

Tuy nhiên, giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vượt ngưỡng 100.000 tỷ nhân dân tệ lại là cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Dù vậy, Trung Quốc vẫn phải lưu ý những thách thức hoặc sức ép mới đến từ điều này.

Năm 2019, giá trị GDP của Trung Quốc đã đạt 99.086,5 triệu nhân dân tệ, tính theo tỷ giá vào thời điểm đó tương đương với 14.000 tỷ USD, trong khi đó GDP của Mỹ là 21.700 tỷ USD, đồng nghĩa với việc quy mô GDP của Trung Quốc đã bằng 66,36% của Mỹ, giữ vững vị trí nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu.

Khoảng cách GDP tiếp tục thu hẹp

Đến năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khoảng cách quy mô GDP giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục thu hẹp do hiệu quả phòng chống dịch của Trung Quốc được cho là tốt hơn Mỹ.

Thậm chí, đến nửa cuối năm, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã cơ bản phục hồi về quỹ đạo bình thường. Do đó, GDP trong năm 2020 của Trung Quốc vẫn đạt tăng trưởng dương, trong khi Mỹ lại ghi nhận tăng trưởng âm.

Các chuyên gia cho rằng chỉ cần tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2020 lớn hơn 1%, thì giá trị tuyệt đối của nền kinh tế này sẽ vượt ngưỡng 100.000 tỷ NDT và tất nhiên giá trị tính theo USD cũng tăng tương ứng.

[Thương chiến với Trung Quốc ảnh hưởng đến thị trường việc làm Mỹ]

Nếu dựa vào số liệu dự báo cuối năm 2020 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là GDP của Trung Quốc sẽ tăng 1,85% trong năm nay, thì giá trị tuyệt đối sẽ tương đương với 15.220 tỷ USD.

Trong khi GDP của Mỹ tăng trưởng âm 4,27%, giá trị tuyệt đối thu hẹp còn 20.810 tỷ USD. Nếu lấy đó là tiêu chuẩn, thì quy mô GDP năm 2020 của Trung Quốc đã mở rộng lên đến 73% GDP của Mỹ, tăng mạnh 6,78 điểm phần trăm so với năm 2019, nhanh chóng áp sát quy mô GDP của Mỹ, và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử số liệu GDP của một quốc gia áp sát gần Mỹ như vậy.

Hiện nay, nước Mỹ đang ở trước thềm “chuyển giao quyền lực,” nên thông tin “GDP Trung Quốc nhanh chóng đuổi kịp Mỹ” nhất định sẽ ảnh hưởng đến khuynh hướng chính sách kinh tế và thương mại của Chính quyền ông Biden đối với Trung Quốc.

Ban đầu, thế giới dự đoán rằng sau khi ông Biden lên nắm quyền, mặc dù vẫn nghĩ cách ngăn cản Trung Quốc cạnh tranh kinh tế và thương mại với Mỹ, nhưng kỳ vọng ông sẽ có những điều chỉnh lớn đối với các biện pháp chiến tranh thương mại và công nghệ mà ông Trump nhằm trực diện vào Trung Quốc, không tiếp tục ép buộc Trung Quốc tuân theo sự chi phối.

Tuy nhiên, sau khi thông tin trên được đưa ra, Chính quyền ông Biden chắc chắn sẽ nâng cao cảnh giác đối với Trung Quốc, đồng thời cũng có thể tiếp tục sử dụng những biện pháp chiến tranh thương mại khốc liệt đối với Trung Quốc của ông Trump (chẳng hạn như trực tiếp gây sức ép lên các doanh nghiệp đặc biệt của Trung Quốc) để kéo dài bước đi đuổi kịp và vượt Mỹ về quy mô kinh tế của Bắc Kinh. Đây là biến số quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế và thương mại của Trung Quốc.

Ngoài ra, có hai động thái cần được coi trọng. Một là, “Hiệp định đầu tư Trung Quốc-Liên minh châu Âu” (CAI) vừa hoàn tất đàm phán vào thời điểm cuối năm 2020. Có thông tin tiết lộ rằng một số nước trong Liên minh châu Âu (EU) không hài lòng với sự chủ trì cứng rắn của Đức trong quá trình đàm phán hiệp định này, không đưa quan điểm về Trung Quốc của những nước này vào trong văn bản hiệp định, do đó tuyên bố sẽ ngăn chặn khi Quốc hội các nước này và Nghị viện châu Âu xem xét phê chuẩn. Điều này khiến cho CAI có đạt được hiệu lực cuối cùng hay không vẫn chưa thể xác định được.

Thứ hai, là vấn đề liên quan đến việc Trung Quốc tuyên bố muốn tham gia “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” (CPTPP).

Gần đây, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide công khai nói rằng CPTPP yêu cầu các nước thành viên phải có thỏa thuận mở cửa thị trường trình độ cao, nhưng đối với thể chế chính trị và kinh tế hiện nay của Trung Quốc thì e rằng rất khó tham gia.

Hiện nay, cộng đồng quốc tế có “chứng bệnh sợ hãi” đối với nền kinh tế Trung Quốc vì quy mô quá lớn (GDP Trung Quốc gấp 3 lần Nhật Bản), rất dễ tác động đến hệ sinh thái sản xuất kinh doanh của bất kỳ nước nào.

Tình hình này sẽ nổi cộm hơn sau khi giá trị GDP của Trung Quốc vượt mốc 100.000 tỷ Nhân dân tệ.

Cơ hội để Trung Quốc gánh vác vai trò lớn hơn

Tuy nhiên, xét từ một góc độ khác, sau khi nền kinh tế Trung Quốc mở rộng quy mô lớn như vậy, nước này có thể gánh vác vai trò mang tính xây dựng trong cộng đồng quốc tế, tạo ra môi trường bên ngoài hài hòa và ổn định cho sự phát triển bền vững của Trung Quốc. 

Đối với vấn đề này, Bắc Kinh cần tăng tốc đột phá công nghệ sản xuất, dựa vào đó để mở rộng chuyển giao công nghệ ra bên ngoài, đồng thời phải nỗ lực mở rộng nhập khẩu, nhanh chóng ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Nếu được như vậy, kinh tế Trung Quốc sẽ dễ dàng lớn mạnh hơn và đáng tin cậy hơn. 

Ngoài ra, không được bỏ qua hệ sinh thái kinh tế bên trong của nền kinh tế, yếu tố cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ việc quy mô kinh tế Trung Quốc mở rộng đáng kể.

Nghĩa là, sau khi giá trị GDP của Trung Quốc vượt qua mốc 100.000 tỷ nhân dân tệ, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của nước này đương nhiên sẽ tương đối "phẳng", bởi vì “phân số” đã là rất lớn, nếu có thể có con số 5% thì sẽ rất hiếm hoi, và không dễ lặp lại quá khứ tăng trưởng hai con số.

Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý kinh tế của xã hội Trung Quốc, chuyển từ tập trung “làm chiếc bánh lớn” thành “chia chiếc bánh lớn”. Tức là nhiều người sẽ chú ý hơn đến của cải xã hội có được phân phối công bằng, hợp lý hay không, từ đó mang lại áp lực cải cách đối với những người có trách nhiệm đứng đầu.

Làm thế nào để tối ưu hóa mối quan hệ giữa đầu vào của các nhân tố sản xuất và thù lao tương ứng trong cơ chế thị trường, đồng thời áp dụng các chính sách và biện pháp thích hợp để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ Trung Quốc trong thời gian tới.

Có lẽ chính sách “trước tiên để cho một số người giàu lên” trước đây đã đến hồi kết thúc. Đây cũng là tác động đến sau khi GDP của Trung Quốc vượt mốc 100.000 tỷ nhân dân tệ./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục