Trách cả nhân lẫn kỷ

Tắc đường: Trách nhân thì cũng cần nhìn lại kỷ

Quý cô cưỡi “Mẹc” bóng nhoáng, hạ kính và… bụp, đôi tay nuột nà lẳng ngay một túi lổn nhổn rác xuống đường rồi thản nhiên đi tiếp...
Thuật ngữ văn hóa giao thông chính là nâng cao ý thức và thái độ về an toàn đối với mỗi người tham gia giao thông. Mà thực tế ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của nhiều người dân chưa cao.

Mạnh ai nấy lấn, mạnh ai nấy còi

Đường phố quá tải bởi những xe, những người, những hàng quán lấn chiếm vỉa hè… Còn con người quá tải bởi sự căng thẳng khi tham gia lưu thông, nào là khói bụi, là tiếng ồn, là giành giật từng xăng-ti-mét đường, rồi không tránh khỏi va quệt… Chính vì căng thẳng mới dẫn đến thái độ hành xử khiếm nhã của nhiều người trên phố.

Lẽ ra mỗi ngày nên bắt đầu bằng niềm vui dù là nhỏ thôi, thì anh Lê Quốc Đạt ở 30 phố Vạn Bảo thường phải đón nhận một nỗi ấm ức, bởi nhiều hôm đường tắc dài cả con phố, bốn bề ngồn ngộn xe với người, ai cũng muốn lên trước nên bóp còi inh ỏi, lấn làn đường của nhau.

Còi cứ bóp và đường vẵn tắc, chỉ có con người là đầu óc quay cuồng trong vũ điệu âm thanh chát chúa ấy.

Anh nhìn mấy cậu thanh niên với bản tính hiếu thắng, bốc đồng… thường không đủ kiên nhẫn cứ thế hùng hục phi xe lên vỉa hè mà không khỏi ngạc nhiên.

Vì vỉa hè nào có thông thoáng gì hơn, cũng phải uốn éo tay ga mê mải, phải chai mặt với những cái nhìn thiếu thiện cảm thậm chí là chửi thề của người đi bộ trên vỉa hè cho hành vi thiếu ý thức đó.

Và bực bội khiến va chạm nhỏ cũng dẫn đến cãi nhau to, thậm chí động tay, động chân, và hệ lụy là đường thêm tắc, cảnh sát giao thông thêm việc và người trong cuộc thêm nhiều rắc rối…

Những cái bẫy vô hình


Tỏ thái độ bực bội rõ nét với cách tiếp thị của một số công ty, trung tâm dịch vụ ở các điểm nút đèn tín hiệu giao thông, anh Tuấn Minh ở khu chung cư Văn Quán, Hà Đông nói: “ Các tiếp cận này quả thực  là quá “lố” và gây ách tắc giao thông, chưa kể dẫn đến những tai nạn đáng tiếc và là  hình thức xả rác công khai ra đường.

Những tiếp thị viên cứ đứng ở ven đường, thậm chí cả dưới lòng đường, chỉ đợi đèn đỏ là ào xuống, thả tờ rơi vào giỏ xe, thậm chí dúi vào túi, vào tay ga, giắt vào đai ghế sau".

Cao cấp hơn là những màn hình quảng cáo ngoài trời thường đặt ở vị trí “đắc địa” các ngã tư, ngã năm phố lớn. Ưu điểm của hình thức này là “đánh” thẳng vào thị giác người đi đường một cách sinh động.

Như anh Huy nhà ở Trung Kính chia sẻ: “Đang lái xe mà bắt gặp đoạn quảng cáo bắt mắt, hài hước thì khó cưỡng lắm. Lần nào tôi cũng phải giảm ga và ngước lên xem, có khi quên cả nhìn đường. Như cái “tivi khổng lồ” đặt ở ngã tư Cầu Giấy ấy, có lần vì mải ngước lên theo dõi chương trình giới thiệu về tour du lịch Bà Nà mà tôi suýt chút nữa đâm vào giải phân cách, được phen hú vía”.

Đường ta, ta đi và ta xả rác

Văn hóa giao thông không chỉ là thái độ về an toàn của mỗi cá nhân khi tham gia giao thông mà còn thể hiện ở ý thức giữ gìn trật tự, vệ sinh chung.

Quý cô cưỡi “mẹc” bóng nhoáng, diện bộ đồ sang trọng, tay lấp lánh nữ trang đắt giá. Trông cô sẽ thật quý phái, đài các làm sao nếu như… Cửa kính hạ xuống và… bụp, đôi tay nuột nà kia lẳng ngay một túi lổn nhổn rác xuống giữa con phố thuộc hàng thanh lịch nhất Hà thành rồi thản nhiên quay vô-lăng đi tiếp.

Việc lái xe quay kính và “thảy” ra đường giấy, bã kẹo cao su cũng là chuyện thường ngày. Cũng như các trường hợp “hồn nhiên” khạc nhổ như ở chốn không người. Anh Đạt,  ở Vạn Bảo còn kể, có bác nọ đang đi bộ sang đường bị ngay một cậu chạy xe vượt đèn đỏ kỷ niệm nguyên một “đám bầy nhầy” lên áo mà không kịp phản ứng.

Văn hóa giao thông đường bộ đã vậy, văn hóa giao thông “đường nước” ở Thủ đô cũng không khá hơn là bao. Hồ Tây, hồ Ngọc Khánh là ví dụ điển hình, vào những ngày nghỉ hay dịp lễ tết, rất đông các bạn trẻ đến đây đạp vịt. Nhưng họ đạp thì ít mà xả túi nilon, hộp nước, vỏ bánh kẹo… xuống thì nhiều. Nhìn mặt nước dập dềnh những rác như thế liệu họ có mảy may suy nghĩ?

Đó là chớp hình rất nhanh trong “bộ phim” dài tập chưa thể tìm nổi một kết thúc có hậu mang tên “văn hóa giao thông” Việt.

Ở thời điểm này, để giao thông thực sự có văn hóa là điều khó đạt được ngay. Nó cần đến nỗ lực xây dựng ý thức của cả cộng đồng trong một thời gian dài nữa mà trước mắt là của từng cá nhân khi tham gia vào giao thông./.

Mai Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục