Tác giả bức phù điêu Hồ Chí Minh ở Mátxcơva

Ngày 19/5, nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân toàn thế giới đều nhớ về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh.

Ngày 19/5, nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân toàn thế giới đều nhớ về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh.

Và cũng vào ngày này năm 1990 - Năm Quốc tế Hồ Chí Minh, bức phù điêu Hồ Chí Minh trên quảng trường mang tên Người tại Mátxcơva – Liên bang Nga cũng đã được khánh thành. Bức phù điêu này là một trong số 6 tượng đài Hồ Chí Minh được đặt ở nước ngoài bên cạnh các nước Cuba, Hunggary, Pháp, Ấn Độ, Madagascar.

Nghệ sĩ điêu khắc Nhân dân Liên Xô và Liên bang Nga Vladimir Efimovich Tsigal - tác giả bức phù điêu Hồ Chí Minh ở Mátxcơva, năm nay đã 92 tuổi. Tuổi cao, sức yếu khiến ông năm nay không thể thu xếp một cuộc gặp gỡ với các nhà báo Việt Nam nhân ngày sinh nhật Bác.

Tuy nhiên, V.E. Tsigal luôn tự hào rằng Quảng trường Hồ Chí Minh cùng bức chân dung Người bằng đồng đã trở thành địa chỉ gần gũi không những đối với người Việt đang học tập, làm ăn, sinh sống tại Liên bang Nga, mà còn đối với nhiều người dân Mátxcơva.

Không chỉ vào dịp sinh nhật Người, mà vào ngày lễ tết, nhiều người Việt Nam luôn tới đây đặt hoa tưởng nhớ vị lãnh tụ vĩ đại đã mang lại độc lập, tự do cho dân tộc. Cô dâu chú rể người Việt trong ngày hạnh phúc cũng không quên đến bên Người, coi đây là địa điểm dừng chân mang ý nghĩa lớn trong khoảnh khắc đặc biệt của cuộc đời. Hình tượng của Người đã làm ấm lòng bao người con xa xứ.

Các đoàn đại biểu Việt Nam sang thăm và làm việc tại Liên bang Nga cũng coi việc tới đặt vòng hoa tại Quảng trường Hồ Chí Minh là một phần không thể thiếu trong chương trình nghị sự.

Nhớ lại cách đây 4 năm, chúng tôi đã có dịp được nhà điêu khắc V.E. Tsigal đón tiếp tại nhà riêng ở Mátxcơva. Khi đó, mặc dù đã 88 tuổi, nhưng V.E. Tsigal vẫn nhanh nhẹn và đặc biệt ông có trí nhớ thật tuyệt vời.

Trong căn phòng bài trí nên thơ với những bức tranh vẽ phong cảnh nước Nga và tĩnh vật mang phong cách cổ điển, V.E. Tsigal ngồi trầm ngâm và lục tìm trong trí nhớ những ký ức về hai chuyến thăm Việt Nam, về quá trình sáng tạo nên bức phù điêu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và về quãng thời gian ông miệt mài với từng đường nét trên bức chân dung và toàn bộ bố cục của tượng đài.

Có lẽ thời gian ông dành cho bức tượng đài rất dài, nên ông không thể nhớ cụ thể đã mất bao nhiêu năm để hoàn thành tác phẩm. Nghệ sĩ Tsigal cho biết, để có tư liệu phục vụ cho dự án bức phù điêu Hồ Chí Minh, nhà điêu khắc đã ghi nhớ và xâu chuỗi từng chi tiết nhỏ khi tới thăm nhà sàn, ao cá Bác Hồ, khi xem những bức ảnh chụp về cuộc đời hoạt động của Bác và khi nghe ông Vũ Kỳ - nguyên Giám đốc Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, kể về Người.

Ngoài ra, V. Tsigal còn đọc những tác phẩm viết về Bác, nghiên cứu di chúc của Bác viết trước lúc đi xa. Ông đã cố gắng hết sức mình không chỉ để tìm hiểu con người, tính cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn tìm hiểu cuộc sống của đất nước, con người Việt Nam. “Người Việt Nam sống ra sao, họ nghĩ gì và quan tâm đến điều gì? Tất cả những kiến thức đó rất cần cho tôi”, V. Tsigal khẳng định.

Nếu có dịp được chiêm ngưỡng bức phù điêu Hồ Chí Minh ở Mátxcơva, chắc hẳn ai cũng có thể nhận thấy phong cách thể hiện ý tưởng và cấu trúc của tác phẩm là độc nhất vô nhị, không giống với những bức tượng đài khác. Đó cũng chính là mục đích hướng tới của nhà điêu khắc tài năng V. Tsigal: “Tôi muốn bức phù điêu Hồ Chí Minh thu hút sự chú ý và sẽ để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai từng một lần đứng trước tác phẩm này”.

Để sáng tạo bức phù điêu Hồ Chí Minh, tác giả V. Tsigal đã gửi gắm vào tác phẩm tình cảm và suy tư của ông về lịch sử đất nước, con người Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ khi khánh thành đến nay, Quảng trường Hồ Chí Minh với bức chân dung Người được khắc nổi trên tấm đồng tròn khổng lồ cùng câu nói nổi tiếng của Người được dịch sang tiếng Nga “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, với hình tượng chàng trai Việt Nam ở thế chuẩn bị bật dậy, hình tượng cây tre, đã trở thành điểm du lịch tôn thêm vẻ đẹp của thành phố vốn nổi tiếng với nhiều bức tượng mang tính nghệ thuật cao là Mátxcơva.

“Vòng tròn là hình tượng mặt trời của Việt Nam, tiềm ẩn mơ ước về một Việt Nam với tương lai tươi sáng - V. Tsigal miêu tả ý tưởng sáng tạo bức tượng đài. Ở mặt sau của hình tròn là hai cây tre – loài cây luôn sẵn sàng gồng mình chống chọi với bão tố. Tôi xây dựng hình tượng cây tre cũng là xuất phát từ sự hiểu biết về loài cây đặc trưng của Việt Nam: Cây có thể bị uốn cong, nhưng khó bị bẻ gẫy, giống như ý chí và sức mạnh Việt Nam vậy”.

Và như cảm tưởng của nhiều vị khách từng đến với Quảng trường Hồ Chí Minh, đây là địa điểm mang đậm phong cách và tinh thần Việt Nam. Phong cách và tinh thần Việt Nam ấy đã được nghệ sĩ điêu khắc tài năng V.E. Tsigal chuyển tải một cách tài tình và đầy sức thuyết phục.

Phát biểu cảm tưởng của mình về Chủ tịch Hồ Chí Minh, V.E. Tsigal đã nói: “Đó là vị chủ tịch giản dị nhất trong số các vị chủ tịch và tổng thống mà tôi từng được biết. Đó là con người thật thông minh, phúc hậu”.

V.Tsigal không nhớ chính xác mình là tác giả của bao nhiêu tượng đài, nhưng chỉ biết rằng những tác phẩm của ông không chỉ có mặt ở nhiều thành phố lớn của nước Nga như Mátxcơva, Novorosisk, Saint Peterburg…, mà còn có mặt ở Đức, Áo, Nhật Bản, Belarus, Azerbaijan và các nước khác thuộc Liên Xô cũ.

Là nghệ sĩ điêu khắc, từng phục vụ ở chiến trường của cuộc chiến bảo vệ tổ quốc chống phát xít Đức, tên tuổi của ông còn gắn liền với nhiều tác phẩm điêu khắc phản ánh thời kỳ chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô. Những tác phẩm của ông chính là niềm tự hào của nghệ thuật điêu khắc – tạc tượng của Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay.

Với những thành tích của mình, nghệ sĩ Vladimir Efimovich Tsigal, viện sĩ Viện hàn lâm mỹ thuật Liên Xô, đã vinh dự nhận Giải thưởng Lênin và nhiều giải thưởng quốc gia Liên Xô – Liên bang Nga./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục