Tác giả ca khúc “19 tháng Tám” đã lìa xa cõi đời

Rạng sáng 27/3, trong giấc ngủ thanh thản, nhạc sĩ tài danh Xuân Oanh, tác giả ca khúc "19 tháng Tám” lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng.
Rạng sáng ngày 27/3, trong giấc ngủ thanh thản, nhạc sĩ tài danh Xuân Oanh, tác giả ca khúc nổi tiếng "19 tháng Tám” lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng.

Trời cuối xuân có chút sương bảng lảng chớm mai, có chút nắng vàng nhạt, có chút gió lung lay những chiếc búp non trên cây bàng trước con ngõ nhỏ lối vào căn nhà nhỏ bé, cũ kỹ trên phố Quán Sứ, nơi chỉ cách đây ít lâu còn thấp thoáng ông già mặc quần jean, áo phông, tay đút túi quần đi lại thoăn thoắt.

Ca khúc “19 tháng Tám” đang chuẩn bị kỷ niệm 65 tuổi, những nốt nhạc mà không một người Việt nào là không biết, không quen thuộc “Mười chín tháng Tám chớ quên là ngày khởi nghĩa, cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng…”

Ca khúc vẻn vẹn 102 từ, với nét nhạc hào hùng được chàng trai trẻ Xuân Oanh 22 tuổi sáng tác khi cùng đoàn người đổ về Nhà hát Lớn dự míttinh do Mặt trận Việt Minh tổ chức.

Bài hát được viết lên vỏ bao thuốc, mẩu giấy… truyền tay nhau, sáng tác ra câu nào, phổ biến ngay câu đó. Đoàn biểu tình đến Nhà hát Lớn cũng là lúc hoàn thành “Toàn dân Việt Nam, đứng đều lên đắp xây một ngày”…

Và từ mùa thu lịch sử năm 1945 đó, nét nhạc lôi cuốn sục sôi mà tha thiết đã là nguồn động viên của bao thế hệ trong cuộc chiến tranh hào hùng của dân tộc chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập đất nước.

Nhạc sĩ Hồng Đăng từng viết: “Văn Cao với 'Tiến quân ca,' Nguyễn Đình Thi với 'Diệt phát xít,' Xuân Oanh với '19 tháng 8.' Cùng với các bạn bè văn học nghệ thuật khác, Xuân Oanh đã góp vào đấy một tên tuổi tài hoa của một thời.”

Tuy nhiên, nói đến Xuân Oanh còn phải nói đến “Quê hương anh bộ đội” ra đời năm 1949. Một bức tranh đồng quê với giai điệu trữ tình mượt mà, đầy chất thơ: “Nơi ấy có con đường tắm nắng vàng tươi, bờ tre nhà tranh vách mới..Nơi ấy có con đường mênh mông ngát hương, mùa lúa chín tiếng hát vang khắp đường...” Ca khúc được đánh giá đã đưa tên tuổi ông vào vị trí xứng đáng của hàng ngũ những nhạc sĩ thời kỳ đầu tân nhạc.

Với tôi, có thật nhiều kỷ niệm với người nhạc sĩ tài hoa này. Khi tôi được là “đồng nghiệp” của ông vào quãng thời gian những năm 1990. Khi đó, tôi công tác tại báo Vietnam Courier (ấn phẩm tiếng Anh ra hàng tuần của TTXVN) và ông là một cộng tác viên chuyển ngữ của báo.

Có những bài viết, qua chuyển dịch ngôn ngữ của ông bỗng trở nên “thơ” hơn, hiện thực và “sâu” hơn rất nhiều.

Hàng tuần, hai lần chúng tôi đưa bài đến cho ông và đến lấy về vào ba ngày sau đó. Căn nhà nhỏ trong ngõ trên phố Quán Sứ chỉ nhiều sách là sách và những bức tranh, những bản nhạc, đĩa nhạc… và rượu.

Nhạc sĩ uống không nhiều, nhưng cực kỳ sành rượu và chỉ uống rượu ngon, vì thế chúng tôi thường đùa gọi là “cụ XO”.

Đôi khi, vào buổi chiều, chúng tôi đến gặp lúc ông đàn. Lúc đó hồn nhạc, hồn thơ của người nghệ sĩ bay bổng ở một cung bậc khác, và chúng tôi cứ lặng lẽ đứng ở cửa, để được theo ông, theo những nốt nhạc thoát khỏi cuộc sống thường nhật bộn bề.

Năm 1998, tôi ra tập thơ “Khúc hoang tưởng chiều mưa,” ông đã dịch một số bài trong đó và phổ nhạc bài “Anh có còn yêu em như ngày xưa,” đã phát nhiều lần trên sóng đài phát thanh.

Tôi nhớ, con trai ông khi đó là sếp trực tiếp của tôi, có bảo: “Con người em ngoài đời và con người thơ trong em chả có gì tương đồng, cứ như là hai người.”

Nhưng ông, với tâm hồn nghệ sĩ và sự tinh tường của một người đa tài, hiểu đời đã cười bảo tôi “kệ nó, nó chẳng hiểu gì đâu cháu ạ, thơ là hồn, người ta không sống với tâm hồn lừa dối.”

Ông bảo, chỉ có người phụ nữ đa cảm và cháy bỏng trong tình yêu mới có thể hoài nghi, dự cảm và mong manh mà thốt lên: “Tất cả rồi sẽ qua, như thời gian, như năm tháng, bốn mùa. Cho em một giây phút nghi ngờ, anh có còn yêu em như ngày xưa…”

Ông có nhiều duyên nợ với mùa thu, có một tác phẩm của ông phổ thơ của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng mang tên “Gọi thu”: “Làm sao tìm lại mùa thu dịu dàng/ Ngày em còn nhỏ gót trần lang thang… Làm sao tìm lại mùa thu dịu dàng/ Em như cô Tấm trong tình anh mang/Biết anh còn nhớ mùa thu đầu ấy/ Anh đưa em qua suối nguồn xiết chảy/ Em như viên cuội rơi rồi dưới đáy/ Anh về bến cũ vớt mùa thu lên...."

Giai điệu lâng lâng mượt mà khiến “Gọi thu” khác hẳn với những bài ca về mùa thu khác mà nhạc sĩ Hồng Đăng cho là “đó là một trong những bài tình ca hay nhất cuối thế kỷ.”

Vậy là mùa thu tới này, trong “cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng…” vắng đi người nghệ sĩ với mái tóc bạc cắt ngắn, dáng dong dỏng gầy, ánh mắt và nụ cười hóm hỉnh trên đường phố Hà Nội. Bến cũ cũng không còn người trai đa tình đợi “vớt mùa thu lên” và trả lời cho câu hỏi ngây ngô muôn đời của các cô gái “đòi yêu suốt đời”.

Nhạc sĩ Xuân Oanh đã ra đi khi chưa kịp thực hiện lời hứa với các bác sĩ là sẽ sáng tác về bệnh viện Hữu Nghị đồng thời để lại khoảng trống mênh mông trong lòng bạn hữu và những người yêu nhạc của mình.

Vĩnh biệt ông, vĩnh biệt một tấm lòng quảng giao nhân ái, một hồn nghệ sĩ trọn vẹn. Mùa xuân xanh trong đang vào những thời khắc cuối hắt lên không gian một tiếng thở dài tiễn đưa ông vào cõi vĩnh hằng.
Nhạc sĩ Xuân Oanh sinh ngày 4 tháng Giêng năm 1923 (tuổi Nhâm Tuất).

Đa tài với thơ, ca, nhạc, họa ông còn có một khả năng thiên bẩm về ngoại ngữ. Tự học, nhưng Xuân Oanh đã thông thạo đến 7 ngoại ngữ. Ông từng là phát thanh viên tiếng Anh thế hệ đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam, làm phiên dịch cho các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Không chỉ là tác giả của nhiều bài hát như "Ca mừng chế độ ta tươi đẹp," "Hồ Chí Minh người là muôn ánh sao," "Ngôi sao thế kỷ," "Hà Nội ở Lâm Đồng"… hợp xướng 4 chương “Quê hương hai tiếng ấy” của ông được nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo dàn dựng tại Paris với dàn đồng ca của 70 kiều bào.

Năm 1989 tại Hiroshima, phong trào Đợt sóng Hòa bình lấy 1 tỷ chữ ký trên thế giới chống bom nguyên tử, ông có ca khúc "Hãy ký tên".

Giao hưởng phỏng theo bài thơ “Trời sẽ lại trong xanh” của nhà thơ Nhật Umeda Shyozi về chủ đề chống chiến tranh hạt nhân đã được trao giải thưởng và biểu diễn tại Nhật, khi ấy nữ nghệ sĩ nổi tiếng piano Ikuo Nakamichi cũng là thành viên trong dàn nhạc.

Ông đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng ba năm 1998, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Đoàn Ngọc Thu (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục