Tác giả Thế giới phẳng: Lãnh đạo ngày nay cần phải đối thoại

Thomas Friedman, tác giả cuốn sách nổi tiếng ''Thế giới phẳng'' nhận định cuộc cách mạng thông tin vẫn đang tiếp tục làm thế giới phẳng trở nên phẳng hơn.
Tác giả Thế giới phẳng: Lãnh đạo ngày nay cần phải đối thoại ảnh 1Nhà báo quốc tế và nhà bình luận thời cuộc nổi tiếng Thomas Friedman trong buổi đối thoại tại Viện Quản trị Kinh doanh FSB chiều 7/5. (Nguồn: fpt.edu.vn)

Thomas L. Friedman, tác giả ''Thế giới phẳng'' nhận định cuộc cách mạng thông tin vẫn đang tiếp tục làm thế giới phẳng trở nên phẳng hơn, giúp chuyển hóa tri thức của chúng ta thành những sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn mới..

Trong buổi nói chuyện với với học viên của Viện quản trị Kinh doanh FSB thuộc Đại học FPT ngày 7/5, Thomas L. Friedman đưa ra thông điệp, sự kiện quan trọng nhất của thế giới đầu thế kỷ 21 chính là sự hợp nhất giữa toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ thông tin chứ không phải là vụ khủng bố 11/9, đại suy thoái kinh tế toàn cầu hay sự nổi lên của Trung Quốc.

Ông nhấn mạnh: “Chúng ta đã trải qua một thời khắc rất quan trọng – ‘thời khắc Zuckerberg’ với sự xuất hiện của Facebook. Hiện nay chúng ta đang ở trong thời điểm có những thay đổi lớn lao giống như thời Gutenberg phát minh ra máy in.”

Cha đẻ ''Thế giới phẳng'' phân tích, trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, máy tính cá nhân, Internet, phần mềm xử lý công việc và Google đã thay đổi trạng thái của thế giới từ kết nối sang siêu kết nối, từ liên kết thành phụ thuộc lẫn nhau.

Tác giả cuốn sách từng gây xôn xao thế giới năm 2004 không ngần ngại chia sẻ: “Năm 2004, nếu tôi là một tác giả trung thực thì cuốn sách của tôi phải có tên chính xác là ‘Thế giới đang được làm phẳng.’ Những điều mà tôi đề cập khi đó mới đang là nền tảng cho thế giới phẳng. Vào thời điểm đó chưa có Facebook. Twitter chỉ là một âm thanh xa lạ, Cloud vẫn chỉ là mây trên trời. Google chỉ mới là một cái tên đặt cho một gara, cũng chưa có Linkedln, chưa có big date, chưa có Skype…”

“Chỉ trong 10 năm, những gì tôi dự đoán đã thành hiện thực, thậm chí còn hơn thế. Cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã khiến thế giới phẳng càng trở nên phẳng hơn, điều đó ảnh hưởng tới tất cả công việc chúng ta đang làm, ảnh hưởng tới trường học, sự lựa chọn nghề nghiệp của tất cả chúng ta.”

Friedman phân tích, bốn nhân tố khiến thế giới phẳng vẫn đang tiếp tục phát triển. Từ máy tính cá nhân, chúng ta có điện thoại thông minh cho phép mọi người ở mọi nơi trên thế giới có thể tạo ra những sản phẩm và chia sẻ lẫn nhau. Sự xuất hiện của công nghệ không dây và công nghệ broadband giúp chúng có thể gửi dữ liệu với tốc độ cao hơn, chia sẻ các sản phẩm cho nhiều người hơn trên thế giới. Phần mềm xử lý công việc Buffalo Software đang được cải tiến và nâng cấp một cách chóng mặt với sự xuất hiện của Facebook, Twitter, của Cloud, Clowdfunding, Clowdsourcing... cho phép dữ liệu chạy nhanh hơn rất nhiều. Cuối cùng là sự thay thế Google của phần mềm Big Data hỗ trợ chúng ta tìm được nhiều dữ liệu hơn dưới nhiều định dạng khác nhau hơn và với khả năng lớn hơn.

Tất cả những điều đó khiến thế giới tiếp tục thay đổi từ phẳng sang phẳng hơn và giúp chuyển hóa tri thức của chúng ta thành những sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn mới.

Cha đẻ ''Thế giới phẳng'' chia sẻ, trong thế giới siêu kết nối, điều tuyệt vời nhất là trở thành người tiêu dùng thông thái và nhà sáng tạo tài năng. Bất cứ ai cũng có thể bắt đầu mở một công ty tầm cỡ toàn cầu sau một đêm chỉ với hai thứ: Smartphone và credit card.

Tuy nhiên, làm lãnh đạo trong thế giới này là một công việc khó khăn bởi ngày nay đã chấm dứt thời kỳ độc thoại, thay vào đó là đối thoại. Bất cứ lãnh đạo nào, dù là hiệu trưởng hay Tổng thống... đều cần phải có đối thoại hai chiều với người dân.

Thế giới siêu kết nối cũng trở nên khó khăn hơn với công nhân hay người lao động chân tay. Bởi theo Friedman, những giá trị trung bình, năng lực trung bình không còn chỗ để tồn tại. Nguồn nhân lực giá rẻ, cơ chế tự động sẽ thay thế cho năng lực trung bình.

Friedman dẫn chứng: “Tôi làm việc cho tạp chí Times, gần đây, trên báo có một bài viết về nông trường bò sữa ở bang New York đã sử dụng robot để vắt sữa bò. Đây là một chuyện nghe có vẻ rất buồn cười nhưng nó đã diễn ra. Công việc của những người nông dân vắt sữa bò ở nông trường ngày xưa không còn nữa. Thay vào đó, họ chỉ cần vài người nông dân điều hành phần mềm cho robot vắt sữa bò.”

Thế giới thay đổi, việc làm cũng thay đổi, thay vì đi tìm việc, chúng ta phải tự sáng tạo ra việc làm.

Friedman phân tích: “Đó là sự khác biệt lớn nhất giữa thời đại của chúng tôi và thời đại ngày nay. Tất nhiên, các bạn có thể tìm được một công việc mà ai đó thuê các bạn. Nhưng để tồn tại, phát triển và để được trọng dụng, các bạn phải không ngừng tự sáng tạo, tự tạo ra những giá trị gia tăng mới cho công việc của các bạn, nếu không, các bạn sẽ không còn được trọng dụng nữa.”

“Các nhà tuyển dụng cần gì ở những sinh viên mới tốt nghiệp? Họ không cần những thứ bạn đã có trong đầu mà họ cần bạn làm được những gì. Bởi vì ngày nay, Google đã giúp giải đáp gần như tất cả các câu hỏi. Việc họ cần là những giá trị mà chúng ta tạo ra được và chúng ta được trả lương khi tạo ra những giá trị như vậy.”

Thomas L. Friedman cũng cảnh báo về khái niệm sự riêng tư trong thế giới siêu kết nối đã không còn tồn tại. Bất cứ điều gì bạn làm, bạn mặc, bạn phát ngôn đều có thể được cả thế giới chứng kiến thông qua mạng Internet.

Friedman đưa ra lời khuyên: “Cách chúng ta sống, cách chúng ta cư xử đối với mọi người, với thế giới là đặc biệt quan trọng. Nó giống như một thứ tài sản, nếu chúng ta hành động đúng thì có tác dụng rất tốt, còn nếu ngược lại, chúng ta sẽ phải trả giá.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục