Tác giả “Viết và Đối thoại”:

nhabaotran-1560956883-86.jpg

30 năm trong hành trình hơn nửa thế kỷ cầm bút, nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh gắn bó với Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).

“TTXVN đã nuôi dưỡng tôi trưởng thành từ những năm tháng làm phóng viên chiến tranh trên các mặt trận, chiến trường trong Nam, ngoài Bắc. Những giờ phút huy hoàng của lịch sử dân tộc mà tôi may mắn được chứng kiến với tư cách là phóng viên TTXVN đã làm nên giá trị các tác phẩm báo chí và văn chương của tôi. TTXVN cũng là nơi đã cho tôi những kinh nghiệm làm báo sâu sắc, đồng thời rèn luyện bản lĩnh để tôi có thể vững vàng vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời làm báo nhiều vinh quang nhưng cũng không ít sóng gió, thăng trầm của mình.”

Nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh – người từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, có mặt chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập đã chia sẻ với phóng viên VietnamPlus ngay trước thềm kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2019).

Nhà báo Đào Tùng - Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã (giữa) tiễn hai nhà báo Trần Mai Hạnh (bên phải) và Văn Bảo tại cửa rừng Tây Ninh sáng sớm 29/4/1975 lên đường tiến về Sài Gòn. (Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hạnh cung cấp)
Nhà báo Đào Tùng – Tổng Biên tập Việt Nam Thông tấn xã (giữa) tiễn hai nhà báo Trần Mai Hạnh (bên phải) và Văn Bảo tại cửa rừng Tây Ninh sáng sớm 29/4/1975 lên đường tiến về Sài Gòn. (Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hạnh cung cấp)

THỜI HOA LỬA

– Đầu tiên, xin được chúc mừng những thành công ấn tượng trong cuộc đời làm báo, viết văn của ông. Ông có thể chia sẻ đôi lời về các tác phẩm đã ra mắt bạn đọc thời gian qua?

Nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh: Kể từ năm 2014 tới nay, tôi có bốn tác phẩm ra mắt bạn đọc, đều do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành, bao gồm: “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75,” “Lời tựa một tình yêu,” “Thời tôi sống,” “Viết và Đối thoại.”

Trong đó, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” đã giành được Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2014), Giải thưởng Văn học ASEAN (năm 2015), được tái bản lần thứ tư và được dịch sang tiếng Anh để giới thiệu với bạn đọc thế giới, được dịch sang tiếng Lào và trở thành sách của Nhà nước Việt Nam trao tặng nước bạn Lào.

– Mới đây, ông giới thiệu tới độc giả cuốn “Viết và Đối thoại” với gần 900 trang sách. Tôi hình dung như đó là cuốn nhật ký bằng các tác phẩm báo chí và cả văn học về hành trình hơn nửa thế kỷ cầm bút của ông. Nguyên do gì, ở thời điểm này, ông lại cho ra đời một cuốn sách khá đồ sộ như vậy, thưa tác giả Trần Mai Hạnh?

Nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh: Hơn nửa thế kỷ qua (kể từ tháng 9/1965 – thời điểm tôi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, về làm phóng viên TTXVN), tôi đã mải miết sống và viết, viết báo và cả viết văn. Nhưng rồi, tôi chợt nhận thấy chặng đường phía trước của mình không còn nhiều thời gian nữa. Đã đến lúc tôi cần nhìn lại những năm tháng làm báo, viết văn đó. Đây cũng chính là căn nguyên để tôi cho ra đời hai tác phẩm gần đây nhất là “Thời tôi sống”“Viết và Đối thoại.”

Nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh và cuốn sách mới xuất bản - tác phẩm
Nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh và cuốn sách mới xuất bản – tác phẩm “Viết và Đối thoại.” (Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hạnh cung cấp)

Nếu “Thời tôi sống” là những trang nhật ký văn chương gần như tự truyện về những năm tháng chiến tranh đã đi qua cuộc đời tôi thì “Viết và Đối thoại” có thể xem là nhật ký bằng các tác phẩm báo chí về cuộc đời làm báo nhiều sóng gió, thăng trầm của tôi. Đó là lát cắt những khoảnh khắc cuộc sống đọng lại trong cuộc đời làm báo của tôi từ những năm tháng chiến tranh ác liệt, ngày hoà bình đầu tiên, những năm dài vật lộn với khó khăn, thiếu thốn thời bao cấp bị bao vây cấm vận đến những năm đất nước tiến hành công cuộc Đổi mới, mở cửa và hội nhập.

– Cảm xúc của ông như thế nào mỗi khi nhớ lại 10 năm làm phóng viên chiến tranh của TTXVN tại các chiến trường trong Nam, ngoài Bắc?

Nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh: Đó là những năm tháng gian khổ, ác liệt tới tận cùng nhưng rất đáng tự hào. Tôi đã sống, chiến đấu như một người lính để viết về người lính, viết về cuộc chiến đấu.

“Có thể nói, tôi đã trải qua mọi cung bậc cảm xúc của chiến tranh.”

Trong hai năm (1968-1969), tôi làm phóng viên biệt phái của TTXVN tại chiến trường Quảng Đà ác liệt, đội mưa bom bão đạn, trong đó, có lần chiến đấu trong vòng vây dày đặc của hàng ngàn quân Mỹ, ngụy và chư hầu, đêm ngày đối mặt với hiểm nguy, cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào… Có thể nói, tôi đã trải qua mọi cung bậc cảm xúc của chiến tranh.

Khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, dọc đường tiến quân suốt từ Huế tới Sài Gòn, cùng với không khí chiến thắng tôi cũng được tận mắt chứng kiến bao câu chuyện đau thương của con người. Những xác chết chưa phân hủy hết nằm la liệt khắp các ngả đường chiến dịch. Bị kẻ thù kích động “ở lại sẽ bị Việt cộng tắm máu,” dân chúng hoảng sợ kéo nhau di tản. Có bà mẹ ôm xác con, chạy bộ di tản theo Quân đoàn 2 của nguỵ từ Pleiku xuống Tuy Hoà. Suốt ba ngày đêm, người mẹ ấy cứ ôm xác con tím ngắt chạy vì không tìm được chỗ chôn…

Nhà văn Trần Mai Hạnh phát biểu tại Lễ trao Giải thưởng Văn học ASEAN 2015 tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan (tháng 12/2015). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nhà văn Trần Mai Hạnh phát biểu tại Lễ trao Giải thưởng Văn học ASEAN 2015 tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan (tháng 12/2015). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Đấy cũng là đồng bào mình chứ ai! Mình có nên viết về những điều đó bằng sự lạnh lùng, hả hê của người thắng trận không, hay nên viết với tinh thần nhân văn trước thân phận của con người trong chiến tranh? Tôi đã chọn cách thứ hai với ngòi bút điềm tĩnh, khách quan và cách nhìn thấu đáo, cảm thông, nhân văn với cả số phận những người thuộc phía bên kia.

Tôi hiểu rằng, dù dữ dội và đau đớn đến đâu, cuộc chiến tranh nào rồi cũng qua đi. Những năm tháng khổ đau, máu và nước mắt của bất cứ bên tham chiến nào cũng không bao giờ bị lãng quên và tất yếu trở thành một phần của lịch sử. Chính suy nghĩ như vậy đã cứu sống cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của tôi, mang tới những Giải thưởng Văn học danh giá ở trong nước và khu vực Đông Nam Á (ASEAN) trong sự chào đón của độc giả, kể cả độc giả nước ngoài với tác phẩm.

NGƯỜI ĐẢNG VIÊN NƠI CHIẾN TRƯỜNG QUẢNG ĐÀ

– Kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời cầm bút của ông là gì, thưa nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh?

Nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh: Kỷ niệm sâu sắc nhất chính là ngày tôi được kết nạp Đảng ở chiến trường Quảng Đà. Sau trận chiến đấu kéo dài 21 ngày trong vòng vây của gần 7.000 quân Mỹ, ngụy và chư hầu, tôi là một trong số chưa đầy 10 người của Tiểu đoàn 3 anh hùng sống sót và thoát khỏi vòng vây.

Giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng từ chiến trường của đảng viên dự bị Trần Mai Hạnh do Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà ký ngày 6/12/1969. (Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hạnh cung cấp)
Giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng từ chiến trường của đảng viên dự bị Trần Mai Hạnh do Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà ký ngày 6/12/1969. (Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hạnh cung cấp)

Với xác nhận của Đảng ủy Tiểu đoàn 3 và Quận đội Quận 2-Đà Nẵng, nơi được cử tới công tác, tôi được xét và quyết định kết nạp Đảng ngày 23/5/1969 tại Chi bộ Đảng Tổ phóng viên Việt Nam Thông tấn xã tại Mặt trận Quảng Đà. Cùng kết nạp với tôi là anh Lương Thế Trung – phóng viên ảnh của tổ phóng viên. Được trở thành đảng viên luôn niềm khát khao phấn đấu của thế hệ chúng tôi. Điều đó đến trong một thời khắc thật thiêng liêng, xúc động…

Những tháng ngày ở ranh giới mong manh của sự sống-cái chết ấy đã cho tôi cái nhìn sâu đến tận cùng sự tàn khốc của chiến tranh và khát vọng hòa bình, thống nhất của dân tộc.

Khi là nhà báo chiến trường, tôi không chỉ tường thuật những trận đánh, viết về chiến công, tấm gương điển hình tiên tiến mà còn cố gắng ghi chép, chắt lọc những câu chuyện về cảnh ngộ, số phận, cách hành xử cùng những suy tư của con người trong chiến tranh. Đó là nguồn tư liệu phong phú, quan trọng để tôi viết nên những tác phẩm báo chí, văn chương sau này.

Tôi biết ơn những năm tháng làm phóng viên chiến trường của TTXVN bởi quãng thời gian ấy đã cho tôi những trải nghiệm quý giá để trưởng thành, yêu, tin và vững bước trên con đường đã chọn.

Thời gian là phóng viên chiến trường đã hun đúc trong tôi ý niệm: trước những thử thách khắc nghiệt của cuộc sống, ta không thể chỉ trông đợi vào sự may rủi, không thể đòi hỏi sự dễ dàng như mua vé lên tàu là có thể đến được bến bờ của hạnh phúc. Thay vào đó, ta phải chiến đấu để giành lấy sự sống, vinh quang. Tuổi trẻ không được phép buông xuôi, nghĩ đến cái chết mà chỉ được quyền nghĩ đến sự sống!

Nhà báo Trần Mai Hạnh tại Dinh Độc Lập sáng 7/5/1975, sau Lễ mít tinh ra mắt Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn-Gia Định. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Nhà báo Trần Mai Hạnh tại Dinh Độc Lập sáng 7/5/1975, sau Lễ mít tinh ra mắt Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn-Gia Định. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

DANH XƯNG VIỆT NAM THÔNG TẤN XÃ TRONG GIỜ PHÚT LỊCH SỬ

– Ông có thể chia sẻ đôi lời về danh xưng “Việt Nam Thông tấn xã” (VNTTX) trong bài tường thuật về những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập của ông?

Nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh: Một trong những niềm vinh dự lớn nhất trong cuộc đời làm báo của tôi là được chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập. Những năm qua, trong nhiều bài viết, nhiều cuộc trả lời phỏng vấn, tôi đã kể về những gì đã diễn ra xung quanh bài tường thuật này. Nay xin phép không nhắc lại!

Đây là lần đầu tiên danh xưng “Việt Nam Thông tấn xã” được xướng lên một cách chính thức tại miền Nam.

Về danh xưng “Việt Nam Thông tấn xã” trong bài tường thuật của tôi thì như thế này: Trước 30/4/1975, các bản tin và bài viết của phóng viên Thông tấn xã Giải phóng và phóng viên Việt Nam Thông tấn xã biệt phái tại chiến trường miền Nam gửi ra Tổng xã Việt Nam Thông tấn xã ở Hà Nội để phát báo trong nước và quốc tế đều ghi nguồn thông tin (cơ quan phát tin) là TTXGP (Thông tấn xã giải phóng).

Tuy nhiên, với bài tường thuật do tôi viết thì một ngoại lệ đã xảy ra. Số là, trưa 30/4/1975, tôi bám theo các lữ đoàn xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập. Bài tường thuật “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng” tôi viết ngay trong chiều tối 30/4/1975 được điện từ Sài Gòn về trụ sở TTXGP trên rừng Tây Ninh, để từ đó dùng điện đài công suất lớn hơn điện chuyển tiếp về Tổng xã tại Hà Nội. Dưới bài viết, theo thông lệ, tôi chỉ ghi hai chữ “Mai Hạnh” – tên người viết.

Ảnh chụp Bản tin Đấu tranh Thống nhất sáng 1/5/1975 đăng bài tường thuật “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng” phát báo đêm 30/4/1975 của nhà báo Trần Mai Hạnh. (Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hạnh cung cấp)
Ảnh chụp Bản tin Đấu tranh Thống nhất sáng 1/5/1975 đăng bài tường thuật “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng” phát báo đêm 30/4/1975 của nhà báo Trần Mai Hạnh. (Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hạnh cung cấp)

Buổi chiều tối hôm đó, tại căn cứ TTXGP trên rừng Tây Ninh, Tổng Biên tập Đào Tùng đã đón đợi và trực tiếp duyệt bài của tôi. Ông đã quyết định ghi đầy đủ họ tên của tôi là “Bài của Trần Mai Hạnh, phóng viên VNTTX tại Sài Gòn” rồi yêu cầu điện về Hà Nội.

Bài “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng” đăng trên Bản tin Đấu tranh Thống Nhất phát báo đêm 30/4/1975, đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam trưa 1/5/1975, sau đó được đặt lại tít là “Tiến vào Phủ Tổng thống ngụy” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 2/5/1975. Tất cả đều ghi rõ tên tôi và danh xưng như vậy: “Bài của Trần Mai Hạnh, phóng viên VNTTX tại Sài Gòn.”

“Trong sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc ngày 30/4/1975, bên cạnh các tin, bài, ảnh của TTXGP nhất thiết phải có sự hiện diện của VNTTX mà những năm chiến tranh do điều kiện đặc biệt ta chưa công bố.”

Đây là lần đầu tiên danh xưng “Việt Nam Thông tấn xã” được xướng lên tại các chiến trường miền Nam.

Giải thích về việc này, mấy hôm sau gặp lại tôi ở Sài Gòn, ông Đào Tùng, Tổng Biên tập VNTTX, Trưởng Đoàn cán bộ, phóng viên đặc biệt của VNTTX tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh mà tôi được chọn là một thành viên, đã nói với tôi giọng rất ân tình. Đại ý rằng, VNTTX và TTXGP tuy hai mà một, tuy một mà hai. Trong sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc hôm nay, bên cạnh các tin, bài, ảnh của TTXGP nhất thiết phải có sự hiện diện của VNTTX mà những năm chiến tranh do điều kiện đặc biệt ta chưa công bố. Vì vậy khi duyệt bài tường thuật của Mai Hạnh điện về từ Sài Gòn, tôi đã ghi rõ: “Bài của Trần Mai Hạnh, phóng viên VNTTX tại Sài Gòn.”

Ông vỗ vai tôi thân mật và nói tiếp: “Ghi tên Trần Mai Hạnh ngay trên đầu bài tường thuật cũng có nghĩa rằng tác giả phải chịu trách nhiệm với lịch sử về những điều mình viết ra.”

Phóng viên Trần Mai Hạnh (đeo kính) cùng các đồng nghiệp Thông tấn xã Giải phóng trước cửa ngõ Sài Gòn sáng sớm 30/4/1975. (Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hạnh cung cấp)
Phóng viên Trần Mai Hạnh (đeo kính) cùng các đồng nghiệp Thông tấn xã Giải phóng trước cửa ngõ Sài Gòn sáng sớm 30/4/1975. (Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hạnh cung cấp)

-“Viết và Đối thoại” dày gần 900 trang với trên 100 tác phẩm (cả báo chí và văn chương), được chia ra 3 phần: “Báo chí,” “Phát biểu – Tham luận – Đối thoại,” “Tác phẩm và Dư luận.” Tuy nhiên, trong “Viết và Đối thoại” lại có duy nhất một bài chưa đăng báo nhưng được đưa vào cuốn sách. Đó là bài “Đảng trong trái tim nhà báo chiến trường Trần Mai Hạnh.” Ông có thể chia sẻ với độc giả kỹ hơn về trường hợp riêng biệt này không, thưa tác giả?

Nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh: Nhân dịp Xuân Kỷ Hợi 2019 và chào mừng kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2019), thực hiện kế hoạch của toà soạn, phóng viên Báo Nhà báo và Công luận (Hội Nhà báo Việt Nam) có gặp gỡ tôi để viết bài “Đảng trong trái tim nhà báo chiến trường Trần Mai Hạnh.”

“Chính niềm tin với lý tưởng cao đẹp đã giúp tôi đứng vững trước những thử thách của cuộc sống và “trò đùa” của số phận để có được những thành công trong cuộc đời làm báo nhiều sóng gió, thăng trầm và không ít nỗi niềm của mình.”

Bài báo hoàn thành đúng lúc bản thảo cuốn “Viết và Đối thoại” của tôi được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật chấp thuận xuất bản. Vì vậy, được sự đồng ý của tác giả, tôi đã giữ bản thảo này lại để công bố cùng bài “Thời gian như không lùi xa” ghi lại cuộc phỏng vấn nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015) của phóng viên Tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) đối với tôi và em ruột tôi (nhà báo Trần Mai Hưởng, cùng là phóng viên VNTTX, cùng được cử tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng may mắn được chứng kiến viết bài tường thuật và chụp những bức ảnh đầu tiên về giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc lập). Sau này, một người trở thành Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, một người trở thành Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

Tôi chọn đăng hai bài báo này trong “Viết và Đối thoại” là để thưa với bạn đọc rằng, chính niềm tin với lý tưởng cao đẹp đã giúp tôi đứng vững trước những thử thách của cuộc sống và “trò đùa” của số phận để có được những thành công trong cuộc đời làm báo nhiều sóng gió, thăng trầm và không ít nỗi niềm của mình.

Giấy công tác đặc biệt do Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn-Gia Định cấp cho phóng viên Trần Mai Hạnh sáng 1/5/1975. (Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hạnh cung cấp)
Giấy công tác đặc biệt do Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn-Gia Định cấp cho phóng viên Trần Mai Hạnh sáng 1/5/1975. (Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hạnh cung cấp)

– Hiện nay, điều gì khiến ông suy nghĩ, trăn trở nhất mỗi khi đặt bút, thưa nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh?

Nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh: Dù viết văn, viết báo hay viết bất cứ nội dung gì, điều tôi quan tâm nhất và luôn coi là tiêu chí hàng đầu, đó chính là sự thật. Sự thật phải được tôn trọng tuyệt đối. Người viết phải nói rõ sự thật, nói đúng bản chất sự thật.

Sự thật không phụ thuộc ý muốn chủ quan của con người. Thời gian trôi qua, cuộc sống biến thiên, xã hội biến động, lịch sử lùi xa nhưng cuối cùng không gì có thể thay đổi được sự thật. Những tác phẩm báo chí, văn chương tôi viết đều cố gắng xuất phát từ bệ đỡ của sự thật và bệ đỡ của lịch sử.

Tuy nhiên, cùng với việc tôn trọng sự thật, tôi cho rằng, người cầm bút hãy viết bằng cái nhìn nhân văn, hướng đến việc góp phần xây dựng, làm cho xã hội, cuộc sống tốt đẹp hơn. Biết bao vấn đề đang hàng ngày hàng giờ đặt ra trong cuộc sống của chúng ta.

“Cùng với việc tôn trọng sự thật, tôi cho rằng, người cầm bút hãy viết bằng cái nhìn nhân văn, hướng đến việc góp phần xây dựng, làm cho xã hội, cuộc sống tốt đẹp hơn.”

Vì vậy, dù là tác phẩm văn chương hay báo chí thì xét đến cùng cũng đều hướng đến phục vụ cuộc sống con người – cuộc sống vật chất cũng như đời sống tâm hồn. Do đó, mỗi tác phẩm đều cần cố gắng truyền đi những thông điệp tốt đẹp, giàu tính chiến đấu cũng như tinh thần dựng xây cuộc sống, đồng thời cần nêu lên được những giải pháp, tìm được lối ra cho những vấn đề tồn tại. Thời kỳ của những bài viết, tác phẩm chỉ đơn thuần mang tính minh họa đã xa rồi.

Trân trọng cảm ơn ông./.

Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN)
Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975, đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN)