Tác phẩm chính luận đầu tiên của Lev Tolstoi ở VN

“Đường sống - Văn thư nghị luận chọn lọc” sẽ giúp độc giả Việt Nam khám phá một L.Tolstoi với tư cách là nhà triết học, nhà tư tưởng.
Ngày 8/12 tại Hà Nội, phó giáo sư Phạm Vĩnh Cư đã giới thiệu tác phẩm chính luận đầu tiên của nhà văn Nga Lev Tolstoi tại Việt Nam - cuốn “Đường sống - Văn thư nghị luận chọn lọc.”

Đây là một trong những nội dung cơ bản tại buổi hội thảo “Lev Tolstoi - Nhà tư tưởng” do Nhà xuất bản Tri thức cùng trường Đại học Hà Nội, Cộng đồng sachxua.net phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của danh nhân nổi tiếng người Nga.

“Đường sống – Văn thư nghị luận chọn lọc” với gần 1.200 trang được Phó Giáo sư Phạm Vĩnh Cư và các đồng sự tuyển chọn từ 90 tác phẩm chính luận của Lev Tolstoi. Đặc biệt, ấn phẩm này còn giới thiệu các bức thư mà Lev Tolstoi trả lời những người đồng tộc và ngoại tộc về các vấn đề của đời sống."

Tác phẩm đã cho thấy những giá trị tinh thần mà Lev Tolstoi để lại cho nhân loại, đồng thời khắc họa chân dung Lev Tolstoi như một nhà tư tưởng vốn chưa được biết rõ ở Việt Nam. Các tác phẩm chính luận của Lev Tolstoi là một phần hết sức quan trọng trong di sản của ông, được công luận quốc tế rất trân trọng và đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng.

Theo dịch giả Thúy Toàn, bấy lâu nay, độc giả Việt Nam mới chỉ tiếp cận với các tác phẩm văn học của Lev Tolstoi và biết đến ông với tư cách là một nhà văn. Với tác phẩm “Đường sống – Văn thư nghị luận chọn lọc,” độc giả Việt Nam sẽ được khám phá một Tolstoi với tư cách là nhà triết học, nhà tư tưởng.

Triết lý trong đạo đức, ứng xử của Lev Tolstoi là lấy cái thiện để trị cái ác bởi cái ác như bóng tối nên không thể dùng bóng tối để xua tan bóng tối. “ Nếu nhân loại cùng nhau hiểu biết được tư tưởng của Lev Tolstoi thì có lẽ sẽ tránh được nhiều điều không tốt,” dịch giả Thúy Toàn nói.

Đối với nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, qua tác phẩm “Đường sống – Văn thư nghị luận chọn lọc” cho thấy Lev Tolstoi còn là nhà tư tưởng sư phạm lớn. Với Lev Tolstoi, mục tiêu của giáo dục là bằng kiến thức phù hợp thức tỉnh bản tính nhân ái tiềm tàng trong mỗi đứa trẻ, để nó phát triển tự nhiên các năng lực trí tuệ và tinh thần phục vụ cho cuộc sống thực của mình trong cộng đồng.

Để đạt được mục tiêu đó thì nội dung của quy trình của giáo dục phải tự do, học sinh được tự do lựa chọn những kiến thức và kỹ năng phù hợp với hứng thú nhận thức của chúng, giáo viên được tự do thay đổi nội dung kiến thức khi thấy thứ mình chọn không phù hợp với đối tượng.

“Lev Tolstoi đã đi trước thời đại 100 năm, bởi đến thập niên cuối thế kỷ 20, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục quốc tế của UNESCO Jacques Delors mới đề xuất bốn cột trụ của giáo dục bao gồm học để hiểu biết, học để làm việc, học để làm người, học để biết cách chung sống,” ông Vũ Thế Khôi phát biểu.

Tại hội thảo, Giáo sư Chu Hảo cũng đánh giá quan điểm của Lev Tolstoi về khoa học, công việc nghiên cứu khoa học đối với tiến bộ xã hội rất đặc biệt, sâu sắc nhưng có phần cực đoan và xa lạ với những người đương thời. Ngày nay, nhìn lại chúng ta không khỏi ngạc nhiên nhận ra rằng những quan ngại của ông về những vấn đề nêu trên vẫn còn nguyên giá trị./.

Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục