Tái cân bằng - Thách thức không nhỏ của nền kinh tế

Mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang dịu bớt, song đà phục hồi nền kinh tế thế giới sẽ khó nhanh và bền vững nếu không đạt được sự cân bằng.

Việc người tiêu dùng Mỹ giảm bớt chi tiêu là một phần của quá trình tái cân bằng nền kinh tế thế giới. Việc khôi phục sự cân bằng tiết kiệm-đầu tư của người Mỹ có nghĩa là tổng nhu cầu toàn cầu sẽ giảm khoảng 800 tỷ USD.
Mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang dịu bớt, song đà phục hồi nền kinh tế thế giới sẽ khó nhanh và bền vững nếu không đạt được sự cân bằng.

Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế được coi là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi đầu những năm 1930, người tiêu dùng Mỹ không những không tiết kiệm mà còn ngập trong nợ nần. Nhưng nay điều đó đã thay đổi.

Với tài sản của các hộ gia đình bị thiệt hại nghiêm trọng bởi sự đổ vỡ trên thị trường nhà ở và sự sụt giảm giá trị những tài sản khác, tiết kiệm của các hộ gia đình ở Mỹ đã tăng lên khoảng 5% thu nhập ròng, và dự kiến sẽ còn tăng.

Việc người tiêu dùng Mỹ giảm bớt chi tiêu là một phần của quá trình tái cân bằng nền kinh tế thế giới. Việc khôi phục sự cân bằng tiết kiệm-đầu tư của người Mỹ có nghĩa là tổng nhu cầu toàn cầu sẽ giảm khoảng 800 tỷ USD.

Chắc chắn rằng thâm hụt ngân sách và các biện pháp khẩn cấp tại các nền kinh tế tiên tiến và một số nước đang phát triển chủ chốt đã hạn chế đà sa sút nghiêm trọng này, một phần thay thế cho số người tiêu dùng đã "bị mất".

Nhưng sự "thế chân" này sẽ không thể kéo dài mãi. Tại những nước tiên tiến, các chính phủ cuối cùng sẽ buộc phải giảm chi tiêu và các ngân hàng trung ương sẽ ngừng những khoản bảo lãnh và tín dụng khẩn cấp.

Nhiều người cho rằng các nền kinh tế tiên tiến sẽ đối mặt với triển vọng tăng trưởng thấp hơn, và tình trạng thất nghiệp gia tăng - điều thường xảy ra sau khi kinh tế thoát khỏi khủng hoảng.

Hiện các mối nguy cơ đã dịu bớt, song tín dụng trong nhiều lĩnh vực vẫn eo hẹp, trong khi ngành tài chính có xu hướng dè dặt hơn và có thể được điều chỉnh với các yêu cầu về dự trữ vốn và lãi suất cao hơn. Những nguy cơ suy giảm bao gồm sự bất ổn định tài chính (bắt nguồn từ việc không kiểm soát được thâm hụt ngân sách), lạm phát, "quyền tự chủ" của các ngân hàng trung ương bị thu hẹp và sự suy giảm lòng tin vào đồng USD.

Nhiều nhà phân tích nhận định tăng trưởng hậu khủng hoảng ở các nền kinh tế tiên tiến sẽ giảm mạnh hơn, có thể ở mức 0,5-1%. Mức giảm 1% ở các nền kinh tế phát triển có nghĩa là mất xấp xỉ 350 tỷ USD tổng nhu cầu mỗi năm. Nếu tình trạng suy giảm ở các nước phát triển kéo dài, các nước đang phát triển sẽ khó có thể đạt các mức tăng trưởng tiền khủng hoảng, do nhu cầu không đủ để thúc đẩy kinh tế.

Ngoài ra còn xu hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch của các nước để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. Thực tế là chúng ta đã và đang chứng kiến nỗ lực gia tăng "rào cản" này của nhiều nước nhằm giải quyết khủng hoảng, khiến các nước nghèo đã thua thiệt lại càng khó khăn hơn.

Do vậy, điều gì có thể giúp vực dậy nhu cầu và triển vọng tăng trưởng toàn cầu, trong khi vẫn duy trì "tính cởi mở kinh tế", vốn đem lại lợi ích cho phần lớn thế giới đang phát triển trong 30 năm qua?

Thứ nhất, các nước có thặng dư tài khoản vãng lai như Đức, Nhật Bản và Trung Quốc cần nhận thức rằng tăng trưởng của họ (và của các nước khác) phụ thuộc vào việc giảm những mất cân đối giữa tiết kiệm-đầu tư toàn cầu (nhân tố sẽ giúp thu hẹp thâm hụt ở những nơi khác). Điều này cần phải được thực hiện liên tục sau khi ngừng các chương trình kích thích tài chính bất thường.

Thứ hai, mọi người cần phải ý thức được rằng đóng góp của họ vào việc khôi phục sự tăng trưởng cân bằng ở những nước phát triển càng sớm càng tốt để đối phó với sự giảm sút nhu cầu hiện nay.

Các nước tiên tiến chiếm khoảng 2/3 GDP toàn cầu, do đó tăng trưởng chậm lại ở những nền kinh tế này chắc chắn sẽ cản trở tăng trưởng toàn cầu và làm giảm tiềm năng tăng trưởng của nhiều nước đang phát triển. Tuy nhiên, thách thức này rất phức tạp vì việc tái cân bằng và thúc đẩy nhu cầu không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Nhưng các bước chủ chốt có thể và nên được triển khai như khôi phục sự cân bằng tài chính; giao quyền tự chủ cho các ngân hàng trung ương...

Các đối tác thương mại chủ chốt và những nước nắm tài sản ở các nền kinh tế tiên tiến có thể hỗ trợ việc tái cân bằng bằng cách nhất trí tránh những biến động đột ngột và có nguy cơ gây biến động trong kết cấu các bảng quyết toán thu chi của họ. Do đó, có hai yếu tố quyết định cần phải được ưu tiên trong chương trình của Diễn đàn kinh tế thế giới, sẽ diễn ra trong vài tháng tới.

Nhân tố thứ nhất là tái quy định lại các hệ thống tài chính của những nước phát triển nhằm đảm bảo sự ổn định lớn hơn mà không làm suy yếu các chức năng cần thiết hoặc làm gia tăng chi phí vốn một cách không cần thiết.

Yếu tố thứ hai là sự thông cảm và cam kết giữa các nước phát triển và đang phát triển thúc đẩy nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế toàn cầu, với mục tiêu khôi phục nhu cầu và tăng trưởng. Nếu điều này có thể thực hiện được, thế giới sẽ tiến một bước lớn hướng tới sự phục hồi tương đối suôn sẻ, hiệu quả và công bằng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục