Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước: Luật chơi chưa thay đổi

"Tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian qua, chưa làm được gì và thậm chí chưa có chuyển biến về mặt tư duy nhận thức."
Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước: Luật chơi chưa thay đổi ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tâm huyết với công cuộc đổi mới thể chế và tái cơ cấu kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng-Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương luôn nhắc đi nhắc lại câu ví von “sao chúng ta cứ ‘đột’ mãi mà không thấy ‘phá’.”

Theo các đề án của Chính phủ về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, những nội dung "đột phá" cơ bản là hướng tới việc áp đặt đầy đủ nguyên tắc và kỷ luật thị trường đối với doanh nghiệp nhà nước; đổi mới, phát triển và tiến tới áp dụng đầy đủ khung quản trị hiện đại; cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Công khai kế hoạch thoái vốn?

Song đánh giá về tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian qua, ông Cung chỉ biết thở dài và nhấn mạnh: “Chưa làm được gì và thậm chí chưa có chuyển biến về mặt tư duy nhận thức.”

Không phải vô cớ mà ông Cung đưa ra những lời nhận xét không mấy “đẹp lòng” với những “quả đấm thép” [doanh nghiệp Nhà nước-PV] như vậy.

Từ tháng 6/2014, Chính phủ thể hiện rõ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành tại các doanh nghiệp Nhà nước bằng việc ra Nghị quyết số 15/NQ-CP.

Cụ thể, Chính phủ xác định rõ 432 doanh nghiệp sẽ phải cổ phần hóa trong giai đoạn 2014-2015 đồng thời quyết liệt chỉ đạo thoái vốn ngoài ngành. Thông qua các giải pháp, cho phép thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách, bên cạnh đó cũng quy định rõ trách nhiệm người quản lý, bộ trưởng, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành.

Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn diễn ra vẫn chậm. Báo cáo từ Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), tính đến hết ngày 20/6, cơ quan quản lý đã cổ phần hóa 38 đơn vị, đề nghị phá sản 3 doanh nghiệp, sáp nhập 15 doanh nghiệp và giải thể 2 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã thoái được 821,8 tỷ đồng vốn ngoài ngành trong tổng số gần 22.000 tỷ đồng cần thoái.

Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp nhấn mạnh, sự chậm trễ xảy ra một phần do một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn.

Trong khi đó, ông Cung cũng còn băn khoăn về tính “thực chất” của các hoạt động thoái vốn khi mà đa số là các hoạt động chuyển giao lại diễn ra trong nội bộ khu vực Nhà nước và các doanh nghiệp Nhà nước với nhau.

“Đối với chuyển giao vốn nội bộ, khó có thể gọi là thoái vốn,” ông Cung nhấn mạnh.

Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế, cản trở lớn nhất hiện nay là các doanh nghiệp Nhà nước có quyết tâm muốn làm theo đúng kế hoạch Chính phủ đặt ra hay không.

Để giải quyết vấn đề này, ông Thiên cho rằng, các doanh nghiệp Nhà nước cần lên kế hoạch rõ ràng về quy trình thoái vốn. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính hoặc cơ quan chịu trách nhiệm về tiến độ thoái vốn nên lập một trang web công khai kế hoạch thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước. Đây sẽ là cơ sở để người dân theo dõi và giám sát cũng như chủ động vào việc tham gia đấu giá doanh nghiệp.

Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước: Luật chơi chưa thay đổi ảnh 2Phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 18/9. (Ảnh: HoSE)

Chưa thay đổi "luật chơi"

Đánh giá vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, cũng trong tâm trạng “đứng ngồi không yên,” ông Thiên khẳng định, mặc dù khu vực doanh nghiệp nhà nước nắm giữ nhiều nguồn lực hơn so với các khu vực doanh nghiệp khác, nhưng giá trị sản phẩm đầu ra lại thấp hơn.

Ông Thiên khẳng định, doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế mặc dù được Nhà nước giao cho nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhà nước không còn là khu vực tạo ra công ăn việc làm chính cho nền kinh tế. Hơn thế, với kết quả hoạt động kinh tế không thực sự tốt nhưng khu vực kinh tế này lại sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn các doanh nghiệp khu vực khác trong nền kinh tế.

Tổng quát từ góc nhìn thể chế, ông Cung cho rằng, Việt Nam chưa thay đổi “luật chơi” đối với doanh nghiệp Nhà nước khi chưa áp đặt đầy đủ “ngân sách cứng” [Sẽ không có một khoản chi nào nếu không nằm trong dự toán mà Quốc hội đã thông qua-PV] và quản trị theo thông lệ thị trường.

Cổ phần hóa, thoái vốn là cách ‘kéo’ doanh nghiệp Nhà nước ra khỏi thể chế phi thị trường sang thể chế thị trường. Qua đó, thay đổi hệ thống khuyến khích và động lực thúc đẩy phân bố và sử dụng nguồn lực theo thị trường.

“Nhưng kết quả cổ phần hóa, thoái vốn lại thấp xa so với mục tiêu kế hoạch và các trường hợp cổ phần hóa chưa thực sự làm thay đổi thể chế đối với doanh nghiệp.

Điều đáng lo ngại hơn là làm không đúng hướng, nên dù có nỗ lực, quyết liệt đến bao nhiêu, thì kết quả cũng không như mong đợi mà trái lại có thể làm cho tình hình càng trở nên xấu đi, ” ông Cung lo ngại.

Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước: Luật chơi chưa thay đổi ảnh 3

Ông Thiên cũng cho rằng, giảm số lượng cũng như giảm tỷ trọng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước là một điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện được các giải pháp cải thiện năng lực quản trị trong khu vực này.

Do đó, ông Thiên đề xuất, cần xác định lại mục tiêu của khu vực doanh nghiệp nhà nước đồng thời chuyển mạnh sang cơ chế quỹ quản lý vốn thay vì cơ chế chủ quản nhằm giải quyết triệt để các vấn đề về quyền tài sản và mối quan hệ ủy thác, điều hành.

“Chúng ta phải sử dụng nguyên lý quản giám cho người đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và nguyên lý người đại diện quản lý cho người điều hành doanh nghiệp nhà nước,” ông Thiên nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục