Tài chính Hàn Quốc - sân chơi riêng của giới mày râu

Không có gì rõ ràng hơn để chỉ ra sự bất bình đẳng giới ở Hàn Quốc khi nhìn vào lĩnh vực tài chính, đặc biệt khi 4 vị trí quan trọng nhất lĩnh vực này đều thuộc về nam giới.
Không có gì rõ ràng hơn để chỉ ra sự bất bình đẳng giới ở Hàn Quốc khi nhìn vào lĩnh vực tài chính.

Có 4 vị trí quan trọng nhất của lĩnh vực này gồm: Bộ trưởng tài chính Yoon Jeung-hyun, Chủ tịch Ủy ban dịch vụ tài chính quốc gia (FSC) Chin Dong-soo, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) Lee Seong-tae và Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (FSS) Kim Jong-chang thì cả bốn vị trí này đều là nam giới.

Thống kê cho biết trong lĩnh vực tài chính của Hàn Quốc có khoảng vài trăm vị trí giám đốc điều hành (CEO) của các ngân hàng, công ty bảo hiểm, môi giới chứng khoán, quản lý tài sản.

Nếu xét lý lịch thì đội ngũ này cho thấy một sự đa dạng về tuổi tác, chuyên ngành, địa phương, và thậm chí cả tôn giáo. Song có duy nhất một điều không đa dạng và điều đó đặc biệt quan trọng với tiêu chí về bình đẳng giới đó là không có CEO nào là nữ trong lĩnh vực tài chính.

Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, với 18 ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng có vốn nhà nước, 22 hãng bảo hiểm nhân thọ và 16 hãng bảo hiểm phi nhân thọ, 71 công ty bất động sản và kinh doanh nhà ở, 68 công ty quản lý vốn và tài sản và 4 công ty kiểm toán lớn song toàn bộ các CEO của những công ty này đều là nam.

Phụ nữ Hàn Quốc ngày càng đóng vai trò gia tăng và quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực xã hội. Song lĩnh vực tài chính vẫn còn là sân chơi riêng của đấng mày râu.

Kim Sang-kyung, Giám đốc mạng Korea Network of Women nói rằng, không có lý do nào để giải thích cho việc hoàn toàn vắng bóng phụ nữ trong lĩnh vực tài chính của Hàn Quốc. Nhà chức trách cần hành động gấp để giải quyết thực trạng này.

Nếu xét về vị trí cao nhất của nữ giới trong lĩnh vực tài chính Hàn Quốc, người ta thường nhắc đến tên tuổi nữ Chủ tịch Lee Uh-ryung của Công ty chứng khoán Daishin, con dâu của Yang Jae-bong- người sáng lập công ty kinh doanh bất động sản có trụ sở tại Seoul, song vị trí CEO chính thức của công ty này lại do ông Roh Chung-nam đảm nhiệm.

Trong Ủy ban giám sát tài chính (FSS) có tới 67 chuyên viên cao cấp, 220 nhóm trưởng thì chỉ vẻn vẹn 2 người là nữ giới. Tình hình không có gì cải thiện trong Ủy ban dịch vụ tài chính, BOK và Bộ chiến lược và tài chính.

Theo một quan chức cấp cao Bộ Tài chính, kể từ năm 1945 đến nay, chưa từng có một phụ nữ Hàn Quốc nào đảm trách chức vụ quan trọng trong hoạch định chính sách tài chính của chính phủ. Cho đến tận thời điểm này, bình đẳng giới trong các quan chức ngành tài chính chưa bào giờ trở thành vấn đề nổi cộm. Có lẽ đây là lĩnh vực cuối cùng mà sự mất bình đẳng giới vẫn còn đang ở mức cao.

Theo quan chức này, có hai nguyên nhân khiến Hàn Quốc sao lãng trong giải quyết vấn đề bình đẳng giới đó là trong khoảng từ thập niên 60 đến 90 của thế kỷ 20, Hàn Quốc phải tập trung vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiếp đó là dồn toàn lực cho việc chống đỡ với các cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á 1997-1998 rồi cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu hiện nay.

Trong suốt quãng thời gian đó, cả nước đã dồn toàn lực vào việc phát triển đất nước và vì thế không có nhiều tiếng nói đề cập đến sự mất bình đẳng về giới.

Trong khi đó một quan chức nhân sự thuộc FSS cho rằng thực trạng mất cân bằng giới trong lĩnh vực tài chính có nguyên nhân từ sự phân biệt giới song cũng xuất phát từ việc thiếu vắng những gương mặt nữ sáng giá.

Trong quá khứ, phụ nữ thường chỉ miễn cưỡng khi tham gia các cơ cấu điều hành chính vì thế toàn bộ các thành viên sáng lập thường đều là nam giới. Rất khó để tìm được những gương mặt nữ sáng giá.

FSS cũng đã từng dành nhiều cơ hội cho nữ giới nhằm gia tăng sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực tài chính song việc tỷ lệ nữ giới tham gia các vị trí lãnh đạo cao của ngành vẫn rất hiếm là do phụ nữ không sẵn sàng làm việc cho ngành này cũng như ngành công tố-tòa án.

Đáp lại Eunice Kim, Phó giám đốc của tập đoàn tài chính Hana cho rằng, cánh cửa đối với phu nữ trong ngành tài chính vẫn còn quá hẹp, thậm chí đối với những phụ nữ được đào tạo bài bản và tài năng. Kim cho rằng cần phải loại bỏ "bức tường thủy tinh" nhằm tạo đường thăng tiến cho các nhân vật nữ.

Theo Eunice Kim, nữ giới đã phải đầu tranh nhiều lập kỷ qua để vượt qua các định kiến xã hội về giới để leo lên các đỉnh cao nghề nghiệp. Trong quá khứ, phụ nữ thường phải nghỉ việc sau khi kết hôn.

Việc thiếu vắng phụ nữ lãnh đạo trong ngành tài chính cũng có nguyên nhân từ văn hóa trọng nam trong các doanh nghiệp. Nghị sĩ Lee Sung-nam, phụ nữ Hàn quốc duy nhất làm việc trong Ủy ban FSS, cũng chia sẻ quan điểm rằng phụ nữ cần tích cực giải quyết tình trạng nam giới thống soái rộng rãi các lĩnh vực xã hội.

Bên cạnh đó,chính phủ cần chú trọng hơn việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới thông qua các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nữ giới phát triển. chính phủ, trên bình diện quốc gia cũng cần nuôi dưỡng những nhân tài nữ.

Nghị sĩ Lee cho biết trước đây, bà có thể được làm việc tại FSS cũng là nhờ sự ủng hộ của cố Tổng thống Kim Dae-jung khi ông còn đương chức. Nữ nghị sĩ của Đảng Dân chủ này cho rằng lĩnh vực tài chính hoàn toàn thích hợp nếu không nói là rất phù hợp với nữ giới.

Theo nghị sĩ Lee, trước mắt, các doanh nghiệp cần tạo cơ hội tuyển dụng các chuyên gia tài chính nữ từ bên ngoài cho các chức vụ cao nếu không tìm thấy các ứng cử viên bên trong nội bộ./.

Khánh Vân/Seoul (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục