Tái cơ cấu EVN lần lượt từ các công ty phát điện

Theo Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam, việc tái cơ cấu EVN trong thời gian tới sẽ thực hiện lần lượt từ các công ty phát điện.
Trao đổi với báo chí ngày 19/7, ông Đào Văn Hưng - Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết việc tái cơ cấu EVN trong thời gian tới sẽ thực hiện lần lượt từ các công ty phát điện.

Hiện nay, EVN căn cứ vào Luật Doanh nghiệp để thực hiện cơ chế điều hành cho phù hợp với mô hình Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

EVN cũng báo cáo Chính phủ cơ cấu lại khâu phát điện theo hướng hình thành một công ty phát điện thí điểm tách ra khỏi EVN. Công ty này được giao đầu tư xây dựng một số nhà máy điện, được EVN hỗ trợ tối đa về nhân lực và vốn.

Sau một hai năm, nếu mô hình này thành công, EVN sẽ tiếp tục tách các đơn vị phát điện ra khỏi tập đoàn.

Cũng theo ông Đào Văn Hưng, ngành điện hiện có bốn khâu là đầu tư, phát điện, truyền tải và phân phối.

Ở khâu phát điện, EVN đang chiếm 47% công suất trong hệ thống điện với các nhà máy do EVN đầu tư 100% vốn.

Nếu cuối năm nay, cổ phần hóa xong Công ty nhiệt điện Phú Mỹ, EVN chỉ còn dưới 40% công suất.

"Trong Tổng sơ đồ phát triển điện VI đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Nhà nước đã giao cho một số tập đoàn lớn tham gia đầu tư các nhà máy điện, như vậy, đến năm 2015, EVN chỉ còn dưới 37% công suất và sẽ không giữ vai trò độc quyền như những năm 1990 trở về trước," ông Hưng khẳng định.

Đối với khâu đầu tư, với dự báo tốc độ tăng trưởng điện năng là 20% (phương án cao) nhưng cơ chế điều hành là giao cho các nhà đầu tư tham gia, EVN chỉ chiếm 35% công suất trong hệ thống điện, còn lại 65% công suất là các nhà đầu tư ngoài EVN. Chính phủ đã tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào ngành điện triển khai nhanh tiến độ các dự án bằng các quy định, cho vay lại nguồn vốn ODA, vay tín dụng trong nước, tín dụng nước ngoài có bảo lãnh, phát hành trái phiếu trong nước...

Tuy nhiên ông Hưng cho biết do tổng vốn đầu tư vào ngành điện quá lớn, theo Tổng sơ đồ điện VI cần khoảng 78 tỷ USD trong đó EVN là 33 tỷ USD nhưng vẫn không đẩy nhanh được tiến độ đầu tư các dự án điện.

Trong hoàn cảnh Việt Nam còn nghèo, không thể bỏ ra 7-8 tỷ USD, thậm chí 10 tỷ USD để xây dựng các nhà máy điện dự phòng. Vì vậy, có nên tách khâu phát điện ra khỏi EVN hay không, theo ông Hưng cần phải xem xét và có những bước đi thận trọng vì nếu xé lẻ các công ty phát điện ra sẽ không đủ năng lực về vốn đầu tư.

Hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã thỏa thuận xong hợp đồng mua bán điện nhưng lại chưa thu xếp được vốn đầu tư. Trên thực tế, đã 14 năm qua, không có nhà đầu tư nước ngoài nào đầu tư các nhà máy điện ở Việt Nam. Do vậy, vấn đề hiện nay là làm sao gỡ được bài toán về vốn đầu tư.

Trở lại vấn đề thiếu điện, ông Hưng cho rằng từ năm 2012 trở đi, nguy cơ thiếu điện sẽ trở lại. Để khởi công được sáu dự án điện trong năm nay, EVN cần 140.000 tỷ đồng, nhưng đàm phán vay được rồi lại không có vốn đối ứng.

Hiện các bộ đã đồng ý cho EVN tạm vay vốn ngân sách để có tiền đối ứng nhằm kịp khởi công các dự án, phục vụ chống thiếu điện trong những năm tới./.

Mai Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục