“Tái cơ cấu không dễ với cấu trúc kinh tế cố hữu”

“Việt Nam đối diện với thử thách to lớn trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, cần chi phí không nhỏ và đòi hỏi tư duy thực sự đổi mới”.
“Việt Nam phải đối diện với thử thách to lớn trong việc tái cơ cấu nền kinh tế với chi phí kinh tế-xã hội không nhỏ, đòi hỏi quyết tâm chính trị lớn và tư duy thực sự đổi mới” đó là nhận định được chỉ ra từ “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012: Đối diện thức thức tái cơ cấu kinh tế” do Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện.

Theo Báo cáo, năm 2012, Việt Nam thực hiện tái cơ cấu kinh tế với những bước đi cụ thể cho chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại như một tiền đề, tuy nhiên với cấu trúc cố hữu của nền kinh tế cho thấy những bước tái cơ cấu tiếp theo sẽ không dễ dàng.

Cơ cấu bất đối xứng

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR chỉ ra, xu hướng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế đang giảm rất mạnh. Suy giảm trong tăng trưởng không phải do yếu tố vốn, đầu tư hay lao động mà chủ yếu so năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP).

Tỷ trọng đầu tư công ở mức cao, cụ thể trong giai đoạn 2006-2010 chiếm khoảng trên 24% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Việc đầu tư công lớn (thông qua việc chính phủ phát hành trái phiếu) khiến cho nguồn tín dụng thương mại ít đi  mặt bằng lãi suất tăng đồng thời đầu tư công tăng mạnh cũng là nguyên nhân khiến nợ công tăng.

Tổng số nợ công của Việt Nam tính đến cuối năm năm 2010 đã tăng vọt lên đến 56,6% GDP, cao hơn các nước trong khu vực (nợ công của Thái Lan chỉ là 44% GDP, của Indonesia là 39,7% GDP và của Philippines là 47,3%GDP).

Thêm vào đó, đầu tư công cao cũng có thể là nguyên nhân gián tiếp làm gia tăng lạm phát cao dẫn đến những bất ổn trong nền kinh tế và không khuyến khích được tư nhân đầu tư. Trong quá khứ, trước khi lạm phát bùng phát vào năm 2008, đầu tư công giai đoạn 2006-2007 chiếm tới xấp xỉ 30% GDP. Sang đến giai đoạn 2009-2010, đầu tư công đạt lên mức 33% GDP và sau đó cũng xảy ra lạm phát mạnh tại năm 2011.

Trên thực tế, khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn còn rất lớn và thường là đơn vị được nhà nước lựa chọn để thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng làm khuếch đại sự chèn ép của đầu tư công đối với đầu tư tư nhân.

“Đầu tư công của Việt Nam kém hiệu quả, lấn át đầu tư tư nhân, trong khi tác động đối với tăng trưởng kém hơn so với đầu tư tư nhân. Cơ chế phân quyền đầu tư công giữa trung ương và địa phương như hiện nay đã vô tình khuyến khích các địa phương “vẽ” ra nhiều dự án để có thể xin được càng nhiều ngân sách càng tốt.

Bên cạnh đó chính quyền trung ương lại qui hoạch không tốt, thiếu cơ chế giám sát nguồn vốn đầu tư từ trung ương khiến các khoản đầu tư công được rót từ trung ương xuống được sử dụng kém hiệu quả, chồng chéo giữa các địa phương. Việt Nam thật sự đang thiếu vắng mô hình hợp tác giữa nhà nước với tư nhân trong việc triển khai các dự án đầu tư công,” ông Nguyễn Đức Thành trích dẫn từ Báo cáo.

Tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực hài hòa


Bên cạnh những khó khăn từ nội tại, Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức từ khủng hoảng kinh tế thế giới.

Ông Nguyễn Đức Thành phân tích, sự phục hồi  của nền kinh tế thế giới đang chệch hướng và có xu hướng bi quan hơn. Chúng ta đang ở trong một thế giới với hai tốc độ, một phương Tây chậm chạp và phải chuyển dịch cho châu Á vai trò thúc đẩy kinh tế toàn cầu.

Vấn đề nổi cộm hiện nay cũng là tình trạng bất đối xứng trong chính sách ưu tiên kinh tế vĩ mô giữa các nhóm nước, gây khó khăn hơn cho việc phối hợp các chính sách trên quy mô toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do tổng cầu giảm sút, thêm vào đó nền kinh tế cũng bị tác động từ chi phí đẩy một cách không rõ ràng với những biến động bất ổn của giá lương thực và dầu lửa. Đồng thời, dòng vốn đổ vào Việt Nam cũng sẽ khó khăn bởi các nhà đầu tư cần phải thận trọng và khắt khe hơn với những đồng vốn ngày càng ít ỏi.

Do đó, chính sách kinh tế vừa phải đương đầu với những vấn đề ngắn hạn, vừa phải đứng trước thách thức dài hạn.

Theo tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhân tố chủ chốt giúp cải thiện năng suất đó là việc nỗ lực tạo điều kiện và phát tín hiệu cho phép nguồn lực kinh tế - tài chính được phân bổ vào các ngành hiệu quả.

Bên cạnh đó, cải thiện chính sách cho phép sở hữu tư nhân nhằm tạo động lực cho người lao động (kể cả nông dân) tăng năng suất đồng thời gia tăng tiếp cận đến thị trường bên ngoài và đầu tư trực tiếp nước ngoài, qua đó buộc doanh nghiệp phải phát huy sức sáng tạo và khả năng cạnh tranh.

Chính nhờ những thay đổi về động lực này, khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng lớn mạnh hơn, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế.
 
Ông Võ Trí Thành nhấn mạnh, cả doanh nghiệp và nhà quản lý phải thay đổi tư duy theo xu hướng mới. Trên thực tế, lực cản tư duy đang hằn sâu trong nếp nghĩ khiến chúng ta khó có thể tạo bước đột phá về vai trò của kinh tế nhà nước, đầu tư công, vị trí của doanh nghiệp trong nền kinh tế…

Để phát triển hệ thống doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Thành cho rằng, đã đến lúc phải có sự hài hòa trong chính sách và tiếp cận các nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân.

Ông Nguyễn Đức Thành chỉ ra, nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế trong  năm 2012 cần những bước đi cụ thể. Trước hết chính là việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại nhằm đảm bảo nguồn tín dụng rẻ cho doanh nghiệp song phải bền vững, không nên chỉ là khu vực này đang thiếu vốn thì bơm một ít vốn rẻ đổi lại khu vực khác lại phải nhận vốn đắt, bởi không có “bữa trưa nào miễn phí” cho nền kinh tế./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục