"Tái cơ cấu nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên là cấp bách"

Theo Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, việc tái cơ cấu nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên là cần thiết và cấp bách.
"Tái cơ cấu nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên là cấp bách" ảnh 1Quảng cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Ngày 8/6, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ có buổi làm việc với tỉnh An Giang về tái cơ cấu nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên.

Theo ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, việc tái cơ cấu nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên là cần thiết và cấp bách bởi tái cơ cấu cùng với đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên là gắn với phát triển hệ thống dân cư sinh sống ổn định, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng góp phần phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ thống nhất về mặt chủ trương đầu tư tái cơ cấu nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên và yêu cầu tỉnh An Giang sớm có dự án cụ thể về tái cơ cấu vùng Tứ giác Long để trình các bộ, ngành, Chính phủ xem xét.

Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ sẽ có thông báo đến tỉnh Kiên Giang và thành phố Cần Thơ, hai trong ba tỉnh thành phố còn lại có diện tích nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên, những nội dung chính trong tái cơ cấu nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên để các tỉnh, thành phố biết, thống nhất cùng tham gia thực hiện.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang Lê Văn Nưng, dự kiến nhu cầu phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong vùng Tứ giác Long Xuyên gian đoạn tới là tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông, lưới điện và trạm bơm điện để bảo vệ, phục vụ sản xuất nông nghiệp ổn định.

Cụ thể, một số hạng mục cần đầu tư nâng cấp, xây dựng phục vụ sản xuất an toàn vùng Tứ giác Long Xuyên như: đầu tư hai cống đập cao su Trà Sư và Tha La, nhằm vận hành điều tiết lũ hiệu quả, đầu tư và hoàn thiện hệ thống đê bao kết hợp giao thông bờ đông đập Tha La....

Quy hoạch và đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cống, đê bao kết hợp giao thông, trạm bơm điện... để ghép các tiểu vùng sản xuất nhỏ lẻ thành các vùng sản xuất lớn có diện tích từ 3.500 đến 17.000ha, tổng diện tích khoảng 50.000ha.

Việc quy hoạch và đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng này nhằm kiểm soát và điều tiết mực nước trong mùa lũ và tích nước vào mùa khô, khắc phục tình trạng lũ lụt và hạn hán trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Việc đầu tư hoàn chỉnh và xây dựng các trạm bơm tưới vùng cao tiếp tục được thực hiện, nâng cấp, sửa chữa hồ chứa, khôi phục, nạo vét các tuyến đường ô thoát lũ.

Các tuyến đê bao ngăn lũ hiện có được gia cố, xây dựng các công trình phục vụ tưới tiêu và phòng lũ đảm bảo tưới tiêu chủ động, điều tiết nhu cầu sử dụng nước và cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học rừng ngập nước...

Vùng Tứ giác Long Xuyên được giới hạn bởi kênh Vĩnh Tế, Sông Hậu, Quốc lộ 80 và kênh Rạch Giá - Hà Tiên liên quan đến ba tỉnh thành phố là: An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ.

Vùng Tứ giác Long Xuyên có tổng diện tích khoảng gần 500.000ha; trong đó, tỉnh An Giang có hơn 230.000ha, chiếm hơn 48%; tỉnh Kiên Giang có hơn 234.000ha, chiếm hơn 47% và thành phố Cần Thơ trên 15.000ha, chiếm hơn 3%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục