Tái định hình cục diện Đông Á trong bối cảnh dịch COVID-19

Trong suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch gây ra và sự phục hồi sau đó, Đông Á đã có đặc điểm nổi bật là “suy thoái nhẹ hơn và phục hồi mạnh mẽ hơn” so với các khu vực khác trên thế giới.
Tái định hình cục diện Đông Á trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh 1Người dân tập trung tại khu mua sắm Nakamise ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 30/10/2021, sau khi các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 được nới lỏng. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ sự dịch chuyển trung tâm thế giới về phía Đông và tái định hình cục diện Đông Á, bao gồm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Dịch bệnh đã làm cho quá trình này xuất hiện những xu hướng mới, những thay đổi mới và những đặc điểm mới thu hút được sự quan tâm ở nhiều cấp độ.

Xu hướng “Đông lên, Tây xuống”

Thế giới kể từ thời cận đại luôn lấy phương Tây làm trung tâm. Tuy nhiên, sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, toàn bộ khu vực Đông Á đã trỗi dậy nhanh chóng và được Ngân hàng Thế giới (WB) mô tả là “kỳ tích Đông Á.”

Khi vị thế của khu vực này trong cấu trúc toàn cầu tăng lên nhanh chóng thì địa vị của phương Tây dần giảm xuống.

“Đông lên, Tây xuống” dần trở thành xu hướng quan trọng của cục diện thay đổi trên thế giới trong hàng trăm năm.

[Hướng tới xây dựng cộng đồng Đông Á do ASEAN làm động lực]

Bước sang thế kỷ mới, ưu thế tăng trưởng của các thị trường mới nổi Đông Á mà đại diện là Trung Quốc càng trở nên nổi bật, xu thế “Đông lên, Tây xuống” ngày càng mạnh mẽ. Địa vị của Đông Á, một trong ba trung tâm lớn của thế giới, đã tăng lên nhanh chóng.

Đến năm 2019, chỉ riêng ba nền kinh tế Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chiếm 24% nền kinh tế toàn cầu, gần bằng 24,4% của Mỹ, cao hơn nhiều so với 17,8% của Liên minh châu Âu (EU), tính cả Anh cũng chỉ là 21%.

Năm 2011, chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama thúc đẩy chiến lược xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2017, sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Năm 2021, chính quyền của Tổng thống Joe Biden tiếp tục củng cố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và củng cố hệ thống đồng minh Đông Á. Trên thực tế điều đó giúp nâng cao địa vị chiến lược của Đông Á trong cấu trúc địa chính trị toàn cầu.

Dịch bệnh ngày càng đẩy nhanh sự dịch chuyển trung tâm thế giới sang Đông Á, xu thế “Đông lên, Tây xuống” càng được tăng cường. Điều này là do hiệu quả tổng thể về hai phương diện lớn là phòng chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế ở Đông Á tốt hơn rõ rệt so với các khu vực khác của thế giới.

Đặc điểm “nhận thức tình hình chung, quan tâm đến đại cục và nhấn mạnh trật tự” trong xã hội và văn hóa truyền thống Đông Á và chính phủ các nước Đông Á có năng lực huy động nguồn lực tốt hơn, giúp cho công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh ở Đông Á trở nên hiệu quả hơn các nơi khác trên thế giới.

Hiện tại, tỷ lệ người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Đông Á chỉ bằng khoảng 1/10 tỷ lệ trung bình của thế giới.

Dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi giảm thiểu tác động đến nền kinh tế và thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Trong suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch gây ra và sự phục hồi sau đó, Đông Á đã có đặc điểm nổi bật là “suy thoái nhẹ hơn và phục hồi mạnh mẽ hơn” so với các khu vực khác trên thế giới.

Theo số liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2020, các thị trường mới nổi Đông Á và các nền kinh tế đang phát triển giảm 2,3 điểm phần trăm so với mức trung bình của thế giới, còn trong sự phục hồi kinh tế toàn cầu năm 2021 lại tăng trưởng 2,6 điểm phần trăm.

Điều này cho thấy rõ ràng rằng dịch bệnh đã ngày càng đẩy nhanh hơn việc nâng cao địa vị của khu vực Đông Á trong cơ cấu kinh tế toàn cầu.

RCEP giúp lập lại “kỳ tích Đông Á”

Sau chiến tranh, Đông Á đã từng hình thành một chuỗi tăng trưởng kinh tế tốc độ cao bền vững.

Đầu tiên, Nhật Bản dẫn đầu trong việc đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế tốc độ cao vào những năm 1950.

Tiếp theo là sự “trỗi dậy” thành công của “Bốn con rồng châu Á” bao gồm Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Singapore vào những năm 1960.

Tiếp đó là “Bốn con hổ châu Á” gồm Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Philippines đạt chuỗi tăng trưởng tốc độ cao vào những năm 1970.

Sau đó, Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa thúc đẩy sự trỗi dậy nhanh chóng của nền kinh tế vào những năm 1980.

Cuối cùng là Việt Nam, Campuchia và Myanmar đã mở rộng chuỗi tăng trưởng kinh tế tốc độ cao cho toàn bộ khu vực Đông Á. 

Ngay từ năm 1993, Ngân hàng Thế giới (WB) đã có báo cáo chuyên đề, cho biết đã xuất hiện “kỳ tích Đông Á” về tăng trưởng kinh tế bền vững và nhanh chóng.

Nhận định này từng làm dấy lên nghi ngờ mạnh mẽ trong giới học thuật phương Tây mà đại diện là học giả nổi tiếng người Mỹ Paul Robin Krugman, nhưng “kỳ tích Đông Á” trước đó đã có những khiếm khuyết cố hữu, một trong số đó là thiếu sự hỗ trợ cần thiết của khuôn khổ hợp tác khu vực.

Đặc biệt trong một thời gian dài, trong cục diện hợp tác khu vực “ba cực,” châu Âu là cực dẫn đầu, Bắc Mỹ thứ hai và cực Đông Á luôn bị tụt hậu phía sau.

Đại dịch COVID-19 đã trực tiếp thúc đẩy sự thay đổi cục diện này. Hai cực châu Âu và Bắc Mỹ trong giai đoạn trước dịch bệnh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự kiện Anh rời EU (Brexit) và việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong thời kỳ dịch bệnh, khuôn khổ hợp tác khu vực cũng không hiệu quả.

Còn đối với cực Đông Á, cho dù là về phòng chống dịch bệnh hay phục hồi kinh tế, cho dù là khuôn khổ Trung Quốc-Nhật Bản-Hàn Quốc, khuôn khổ “ASEAN+1,” khuôn khổ “ASEAN+3,” thì mọi nỗ lực và kết quả hợp tác đều rất tốt.

Đặc tính “hướng lái khủng hoảng” vốn có của hợp tác Đông Á cũng được kích thích và tạo động lực cho khu vực khi đối diện với khủng hoảng dịch bệnh.

Tiến triển nổi bật nhất và ảnh hưởng sâu rộng nhất là việc ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào ngày 15/11/2020.

Khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% dân số, kinh tế và thương mại của thế giới đã được hình thành.

Sau khi ký kết RCEP, các thành viên đã tích cực thúc đẩy quá trình phê duyệt pháp lý, tiến độ tổng thể diễn ra suôn sẻ và nhiều khả năng sẽ chính thức có hiệu lực vào năm 2022.

Trong bối cảnh hai cực châu Âu và Bắc Mỹ gặp những trắc trở, dịch bệnh đã tạo ra những rào cản nghiêm trọng đối với giao lưu khu vực, thì hợp tác Đông Á lại có thể phát triển ngược xu hướng, đặc biệt là việc ký kết thành công RCEP.

Vấn đề này ở mức độ nào đó cũng có nghĩa là Đông Á sau khi lập nên “kỳ tích” tăng trưởng kinh tế, lại tiếp tục lập nên “kỳ tích” hợp tác khu vực.

Việc thực hiện đầy đủ RCEP, tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực, cũng như sự thúc đẩy toàn diện hợp tác trên các cấp độ khác nhau, sẽ giúp củng cố xu thế của nền kinh tế Đông Á là dẫn dắt sự phục hồi toàn cầu và duy trì tăng trưởng nhanh chóng, giúp tái hiện “kỳ tích Đông Á."

“Tách rời” hay “phụ thuộc” vào Trung Quốc

Cùng với sự thay đổi nhanh chóng trong cán cân quyền lực của các cường quốc, địa vị của Trung Quốc cũng tăng lên nhanh chóng, Mỹ ngày càng coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn nhất, mức độ ngăn chặn và gây sức ép không ngừng gia tăng.

Một trong những biện pháp chính là Mỹ và đồng minh đẩy mạnh “tách rời” hoặc “loại bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc”. Đông Á cũng là khu vực trọng điểm để Mỹ thực hiện chiến lược “loại bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc."

Hai biện pháp của Mỹ là thông qua việc thúc đẩy chiến lược xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương và Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để kêu gọi các đồng minh Đông Á đối lập an ninh chính trị với Trung Quốc, lấy “nghi kỵ chính trị” làm suy yếu “lợi ích kinh tế,” lấy đối đầu an ninh để ngăn cản hợp tác kinh tế.

Biện pháp thứ hai là trực tiếp yêu cầu các đồng minh Đông Á giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, đặc biệt là ngăn cản sự hợp tác giữa doanh nghiệp các nước đồng minh Đông Á và các doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao (như mạng viễn thông 5G), thúc đẩy các doanh nghiệp này rút khỏi Trung Quốc.

Về mặt này, Chính phủ Nhật Bản đã từng ban hành các chính sách đặc biệt, bao gồm cung cấp các khoản trợ cấp tài chính để khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc rút về nước hoặc chuyển sang nước thứ ba, ví dụ như các nước Đông Nam Á như Việt Nam và Thái Lan.

Trong cơ cấu đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản những năm gần đây, tỷ trọng đầu tư vào Trung Quốc giảm mạnh, tỷ trọng đầu tư vào ASEAN tăng cao.

Trong cơ cấu ngoại thương, cũng xuất hiện xu hướng “loại bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc” ở mức độ nhất định. Chẳng hạn, năm 2009, xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc đã vượt qua xuất khẩu sang Mỹ và lần đầu tiên Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản.

Năm 2011, xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc chiếm 19,98%, cao hơn 4,67 điểm phần trăm so với xuất khẩu sang Mỹ (15,31%). Sau đó, xu hướng này bắt đầu đảo ngược, đến năm 2014 Mỹ vượt qua Trung Quốc, sau đó biến động đan xen. Năm 2019, xuất khẩu sang Trung Quốc và Mỹ lần lượt chiếm 19,09% và 19,82%.

Đại dịch COVID-19 đã làm đảo ngược xu hướng “loại bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc” ở mức độ lớn, các nền kinh tế Đông Á tăng nhanh sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Chẳng hạn, về ngoại thương, Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành đối tác xuất khẩu lớn nhất của hầu hết các nền kinh tế Đông Á. Đại dịch đã đẩy nhanh hơn nữa xu hướng “phụ thuộc vào Trung Quốc” của các nền kinh tế Đông Á, và rõ ràng đã tạo ra hiệu quả ngược so với khuynh hướng “loại bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc."

Có một số biểu hiện chủ yếu như sau. Thứ nhất, do hiệu quả của Trung Quốc trong công tác phòng chống dịch bệnh và khôi phục kinh tế, tỷ trọng và vị thế của Trung Quốc tại Đông Á và nền kinh tế toàn cầu ngày càng tăng.

Thứ hai, Trung Quốc ngày càng tăng cường ủng hộ và viện trợ cho các nước Đông Á trong thời gian dịch bệnh.

Thứ ba, hợp tác khu vực ở Đông Á đi sau nhưng đã vươn lên, đặc biệt là việc ký kết thành công và thực hiện toàn diện RCEP, đã tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho Trung Quốc phát triển quan hệ kinh tế thương mại với các nền kinh tế Đông Á.

Thứ tư, các dự án cơ sở hạ tầng trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) ngày càng trở thành động lực mạnh mẽ phát triển quan hệ kinh tế thương mại giữa Trung Quốc với các nền kinh tế Đông Á.

Thứ năm, cùng với việc Trung Quốc đẩy nhanh việc xây dựng mô hình phát triển “tuần hoàn kép” (duy trì tăng trưởng kinh tế trong nước, đồng thời cho phép thị trường nội địa và thị trường bên ngoài thúc đẩy lẫn nhau), sẽ đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển cân bằng quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và các nền kinh tế Đông Á.

Động lực mạnh mẽ của ASEAN

ASEAN là tổ chức hợp tác khu vực được thành lập sớm nhất ở Đông Á (năm 1967). Trong hợp tác khu vực Đông Á sau này, ASEAN luôn chiếm vị trí chủ đạo và giữ vị trí lãnh đạo.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, hợp tác Đông Á “ASEAN+3” do ASEAN khởi xướng và với sự tham gia của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Kể từ đó, hợp tác khu vực của các khuôn khổ hợp tác Đông Á cũng duy trì vị trí chủ đạo của ASEAN, các nước tham gia hợp tác Đông Á đều thừa nhận và tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á.

Với ASEAN làm trung tâm, khu vực này đã xây dựng các khuôn khổ hợp tác ASEAN+1 (đó là ASEAN+Trung Quốc, ASEAN+Nhật Bản, ASEAN+Hàn Quốc và ASEAN+Ấn Độ) và quan hệ thương mại tự do ASEAN+2 (ASEAN và Australia, New Zealand).

Mặt khác, ASEAN mặc dù gồm 10 nước nhưng thực lực kinh tế chưa mạnh, sức mạnh tổng thể cũng rất hạn chế.

Năm 2019, 10 nước ASEAN chỉ chiếm 13,3% tổng sản lượng kinh tế của ASEAN+3 và chỉ chiếm 12,5% tổng sản lượng kinh tế của 15 nước RCEP. 

Đại dịch COVID-19 đã củng cố hơn nữa động lực của ASEAN trong hợp tác khu vực ở Đông Á.

Trước hết, hợp tác Đông Á luôn có đặc điểm “hướng lái khủng hoảng,” khủng hoảng dịch bệnh đã tăng cường động lực hợp tác Đông Á, đồng thời cũng tăng cường động lực phát huy vai trò chủ đạo, đẩy nhanh hợp tác Đông Á.

Bên cạnh đó, dịch bệnh đã nâng cao hơn nữa vị thế của ASEAN trong cơ cấu kinh tế thương mại của các nền kinh tế lớn ở Đông Á, tạo nền tảng kinh tế ngày càng vững chắc để ASEAN phát huy vai trò chủ đạo.

Trong thời gian dịch bệnh, lần đầu tiên ASEAN đã vượt qua EU để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Trong khi đó, Nhật Bản ngày càng chuyển dịch đầu tư vào ASEAN.

Mặt khác, Mỹ ngày càng đẩy mạnh Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chủ yếu nhằm kiềm chế Trung Quốc và ASEAN ngày càng trở thành đối tượng mà Mỹ muốn thuyết phục. Do đó, vị thế chiến lược của ASEAN ngày càng nâng cao.

Cuối cùng, dịch bệnh đã thúc đẩy hơn nữa quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất toàn cầu, xu hướng khu vực hóa ngày càng rõ hơn. Vị thế của ASEAN ngày càng quan trọng trong bố cục chuỗi sản xuất khu vực Đông Á trong thời kỳ hậu dịch bệnh.

Nhật Bản nắm bắt cơ hội chiến lược hợp tác khu vực

Trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã nhiều lần tuyên bố rằng “Nhật Bản phải giương cao ngọn cờ tự do thương mại” và phấn đấu trở thành “người đi đầu” của tự do thương mại toàn cầu.

Thúc đẩy hợp tác khu vực với sự tham gia, lãnh đạo của Nhật Bản và nắm bắt cơ hội chiến lược của hợp tác khu vực là những điểm chính.

Sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP vào năm 2017, Nhật Bản đã nhân cơ hội lên nắm quyền lãnh đạo và thúc đẩy 11 nước chính thức ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tiếp đó Nhật Bản ký Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) với Liên minh châu Âu (EU).

Ngoài ra, trong quá trình đàm phán RCEP, Nhật Bản, với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai trong khuôn khổ hợp tác này cũng phát huy vai trò quan trọng.

Điều này rõ ràng có nghĩa là trước đại dịch, Nhật Bản đã đi đầu trong cục diện chiến lược hợp tác khu vực thông qua châu Âu, châu Á-Thái Bình Dương và Đông Á.

Trong thời kỳ dịch bệnh, Nhật Bản đã đạt được tiến triển lớn mới trong lĩnh vực này. Đầu tiên là việc ký kết thành công RCEP, giúp Nhật Bản có một bước tiến lớn trong cục diện chiến lược hợp tác khu vực.

Đặc biệt, thông qua RCEP, lần đầu tiên Nhật Bản và nền kinh tế lớn số một tại Đông Á là Trung Quốc và nền kinh tế lớn thứ 3 tại Đông Á là Hàn Quốc thiết lập quan hệ tự do thương mại.

Nhật Bản cũng đã chính thức ký EPA Nhật-Anh vào ngày 23/10/2020 ngay sau khi Anh rời EU. Đến tháng 10/2019, Nhật Bản đã ký thỏa thuận thương mại Nhật-Mỹ mới với Mỹ sau khi Mỹ rút khỏi TPP.

Liên quan đến CPTPP, ngày 16/9/2021 Trung Quốc đã chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP, và một số nền kinh tế khác cũng có ý định này.

Điều này giúp cho Nhật Bản, quốc gia nắm giữ vai trò quan trọng trong CPTPP ngày càng có nhiều quyền chủ động chiến lược hơn.

Thế "tiến thoái lưỡng nan" của Đông Á thêm sâu sắc

Từ lâu, Mỹ đã giữ vị trí chủ đạo và kiểm soát ở Đông Á trong cả hai mặt là an ninh chính trị và kinh tế thương mại.

Về mặt an ninh chính trị, tại Đông Á ở đâu cũng có sự hiện diện của quân đội Mỹ, bao gồm liên minh quân sự Mỹ-Nhật và Mỹ-Hàn và vô số căn cứ quân sự.

Về kinh tế thương mại, nền kinh tế Đông Á phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, mà xuất khẩu lại phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ, điều này cho thấy, phần lớn nền kinh tế Đông Á từ lâu đều dựa vào thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ.

Tuy nhiên, cùng với sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc, quy mô thị trường ngày càng mở rộng, cùng với việc phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nền kinh tế Đông Á ngày càng ít phụ thuộc vào Mỹ, mà ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tái định hình cục diện Đông Á trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh 2Trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN +3 lần thứ 24. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trung Quốc thay thế Mỹ trở thành quốc gia xuất khẩu số một của ngày càng nhiều, thậm chí là phần lớn các nền kinh tế Đông Á.

Cùng với đó, Mỹ lại tăng cường kiểm soát an ninh chính trị đối với Đông Á thông qua chiến lược xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương hoặc Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Kết quả dẫn đến hình thành thế tiến thoái lưỡng nan tại Đông Á, “an ninh chính trị phụ thuộc vào Mỹ và kinh tế thương mại phụ thuộc vào Trung Quốc.

Sau khi dịch bệnh bùng phát, trước sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc, sự phụ thuộc của Đông Á vào kinh tế thương mại của Trung Quốc càng gia tăng, chính quyền của ông Biden đã tăng cường kiểm soát an ninh chính trị đối với Đông Á.

Các biện pháp chủ yếu gồm tích cực sửa chữa quan hệ đồng minh với Nhật Bản và Hàn Quốc, tích cực thu hút các nước ASEAN; đẩy mạnh triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong năm 2021, việc Mỹ tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh bốn bên Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ đã thể hiện đầy đủ quyết tâm và mức độ của Mỹ trong việc thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tăng cường kiểm soát an ninh chính trị ở Đông Á. Điều này lại càng làm sâu sắc thêm thế tiến thoái lưỡng nan tại Đông Á./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục