Tái lập Ban Kinh tế tại địa phương nâng cao hiệu quả công tác tham mưu

Năm 2019, Ban Kinh tế đề xuất về chủ trương cho phép một số tỉnh ủy, thành ủy đáp ứng các tiêu chí và điều kiện tiến hành nghiên cứu, xây dựng Đề án tái lập Ban Kinh tế tại một số địa phương.
Tái lập Ban Kinh tế tại địa phương nâng cao hiệu quả công tác tham mưu ảnh 1Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương trao đổi với báo chí, ngày 11/9. (Ảnh: Vietnam+)

“Với vai trò và nhiệm vụ là cơ quan tham mưu cấp chiến lược của Ban chấp hành Trung ương, mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương đã xây dựng phương hướng, nhiệm vụ công tác trong năm 2019 (năm bản lề trong nhiệm kỳ 2016-2020) tập trung thực hiện tốt hơn và nhất là tham gia xây dựng văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030; Tham mưu, giúp Bộ Chính trị sơ kết, tổng kết một số chủ trương, chính sách của Đảng về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; Phát triển một số vùng kinh tế và địa phương…,” đồng chí Ngô Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương trao đổi với báo chí ngày 11/9.

[Triển khai các công việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019]

Bên cạnh đó, theo chức năng và nhiệm vụ được giao, căn cứ vào quan điểm xuyên suốt của Đảng coi “nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm”, đồng chí Ngô Văn Tuấn chia sẻ thêm, Ban Kinh tế Trung ương đề xuất được tổ chức định kỳ hàng năm Hội nghị công tác kinh tế trung ương của Đảng để có thể triển khai nhanh chóng, kịp thời các chủ trương, định hướng lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của Đảng.

Đối với địa phương, Ban Kinh tế cũng đề xuất về chủ trương cho phép một số tỉnh ủy, thành ủy đáp ứng các tiêu chí và điều kiện tiến hành nghiên cứu, xây dựng Đề án tái lập Ban Kinh tế tại một số địa phương có chọn lọc đi đôi với việc rà soát, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các phòng có chức năng tham mưu về kinh tế - xã hội thuộc văn phòng các tỉnh ủy, thành ủy hiện nay.

Trước đó, ngày 9/1, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, trong năm 2018, Ban Kinh tế Trung ương đạt được những kết quả toàn diện và nổi bật trong công tác tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; hoạch định đường lối, chủ trương, biện pháp lớn về kinh tế - xã hội. Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao và các nhiệm vụ khác theo chức năng.

Cụ thể, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì, triển khai 7 Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư (trong đó có 4 đề án đã được Bộ Chính trị họp thông qua và ban hành nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị; 3 đề án đã có sản phẩm gửi báo cáo Bộ Chính trị để bố trí họp vào quý 1 năm 2019). Từ năm 2016 đến nay, Ban Kinh tế Trung ương đã được giao chủ trì 14 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; 3 báo cáo trình Ban Bí thư; tham gia phối hợp xây dựng 4 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, 1 đề án trình Ban Bí thư.

Tái lập Ban Kinh tế tại địa phương nâng cao hiệu quả công tác tham mưu ảnh 2Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0. (Ảnh: Vietnam+)

Bên cạnh công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách về kinh tế - xã hội, Ban Kinh tế Trung ương cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ thẩm định và tham gia ý kiến. Năm 2018, Ban Kinh tế Trung ương đã có 127 lượt phối hợp thẩm định, tham gia ý kiến chuyên môn về các đề án, dự án,  văn bản quy phạm pháp luật quan trọng. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách về kinh tế - xã hội đã được Ban chú trọng thực hiện và bước đầu đạt được kết quả tốt.

Ngoài ra, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức 24 diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học. Trong đó phải kể đến, sự kiện Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ và một số ban cán sự đảng của bộ, ngành tổ chức thành công 4 diễn đàn, hội nghị lớn tầm quốc gia và quốc tế được xã hội hết sức quan tâm và đánh giá cao, như Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 với chủ đề “Những nút thắt và động lực cho tăng trưởng nhanh và bền vững”; Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0; Hội thảo và triển lãm quốc tế về Smart IoT Việt Nam 2018 và Hội nghị trực tuyến toàn quốc và Triển lãm quốc gia tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Để đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới, trong năm 2018, Ban Kinh tế Trung ương cũng đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương xây dựng, trình Bộ Chính trị xem xét sửa đổi, bổ sung về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Ban. Ngày 18/12/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 166-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Kinh tế Trung ương thay thế Quyết định số 161-QĐ/TW ngày 28/12/2012 của Bộ Chính trị. Quyết định 166 đã làm rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tinh gọn đơn vị đầu mối.

Đánh giá về những kết quả đạt được trong năm 2018, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh “có thể khẳng định, các kết quả này đã phản ánh sự trưởng thành, những nỗ lực rất lớn của tập thể Ban Kinh tế cũng như sự cộng tác, phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành trung ương, các địa phương và cơ quan, tổ chức liên quan trong thời gian qua. Và, kết quả hoạt động của Ban Kinh tế Trung ương trong thời gian qua đã khẳng định chủ trương sáng suốt, kịp thời và đúng đắn của Bộ Chính trị về việc tái lập Ban Kinh tế Trung ương”./.

Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục