Tai nạn giao thông đường sắt diễn biến phức tạp

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xác định được gần 12.000 điểm vi phạm hành lang an toàn đường sắt trên địa bàn 33 địa phương.
 
Theo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt thuộc Bộ Công an, năm 2009, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra nhiều hành vi vi phạm về trật tự, an toàn, an ninh trong lĩnh vực đường sắt.

Trong đó phải kể đến tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt đã đẩy tình hình trật tự an toàn giao thông đường sắt diễn biến ngày một phức tạp, gây nên nhiều khó khăn, thách thức cho các cơ quan chức năng.

Mới đây nhất, ngày 22/11, tại km 27+400 đường sắt, khu chợ Tía - Đỗ Xá, tuyến đường sắt Bắc-Nam thuộc địa phận xã Văn Tự, huyện Thường Tín, Hà Nội, đã xảy ra 1 vụ tai nạn giữa tàu hỏa Thống Nhất 1 xuất phát từ Hà Nội đi Sài Gòn với 1 xe ôtô chở khách làm 19 người chết và bị thương.

Trước đó một tháng, cũng tại địa bàn huyện Thường Tín, một người dân do mải mê xem Cảnh sát giao thông xử lý hiện trường một vụ tai nạn giao thông mới xảy ra, đã bị một đoàn tàu khách chạy hướng Giáp Bát-Thường Tín chạy qua cán chết tại chỗ.

Đáng chú ý, trong vụ tai nạn đường sắt thảm khốc ngày 23/11 tại Thường Tín, cụm đèn báo hiệu giao thông đường sắt tại đoạn giao cắt đã ngừng hoạt động do bị hỏng.

Vụ tai nạn xảy ra đúng vào thời điểm hệ thống đèn tín hiệu chưa được sửa chữa xong mà ngành đường sắt mới chỉ treo biển cảnh báo thiết bị hỏng, trong khi mật độ người và phương tiện qua lại khu vực này là tương đối lớn.

Theo quan sát của phóng viên, đoạn ngã tư này còn có một số nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông nhất là đoạn đường từ xã Văn Tự ra Quốc lộ1A cũ. Trong khi đó, hành lang an toàn giao thông đường sắt khu vực này đã trở thành nơi buôn bán, kinh doanh gỗ của một số hộ dân, khiến lái xe bị che khuất tầm nhìn.

Khảo sát của Bộ Công an cho thấy, các tuyến đường sắt trong phạm vi toàn quốc có tới gần 6.000 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt (đường ngang hợp pháp và điểm giao cắt dân sinh) luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Còn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng xác định được gần 12.000 điểm vi phạm hành lang an toàn đường sắt trên địa bàn 33 địa phương; đặc biệt, chỉ riêng 3 thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh có trên 4.200 điểm vi phạm.

Theo Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ-Đường sắt, trong những biện pháp khắc phục tình trạng trên, công tác tuyên truyền, nhất là tại những địa bàn phức tạp về trật tự an toàn giao thông đường sắt vẫn phải được ưu tiên hàng đầu nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường sắt của người dân.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng cần tích cực hơn nữa trong việc kiểm tra, kiểm soát để xử lý kịp thời các hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, có kế hoạch xóa đường ngang trái phép, xây dựng đường gom.

Với mục tiêu lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có dự án đền bù, giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường sắt; cưỡng chế, giải tỏa công trình lấn chiếm.

Tuy nhiên, việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành đường sắt, ngành công an, mà đòi hỏi sự đồng thuận, triển khai ở các cấp, các ngành, các tỉnh, thành có đường sắt đi qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục