Tai nạn ở công trường đường sắt đô thị: Hàng loạt đơn vị bị kỷ luật

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu Tổng thầu EPC và Tư vấn giám sát dự án phải chịu trách nhiệm chính trong vụ tai nạn tại công trường đường sắt Cát Linh-Hà Đông.
Tai nạn ở công trường đường sắt đô thị: Hàng loạt đơn vị bị kỷ luật ảnh 1Hiện trường vụ tai nạn tại công trường đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Liên quan đến vụ tai nạn công trường đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông làm một người tử vong và hai người bị thương, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu Tổng thầu EPC và Tư vấn giám sát dự án phải chịu trách nhiệm chính trong vụ tai nạn, đặc biệt có thể xem xét khởi tố vụ án nếu có thể.

Dự án gây phiền hà cho người đi lại

Tại cuộc họp chiều nay (7/11) về dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông với Ban Quản lý dự án đường sắt, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, dự kiến, dự án sẽ hoàn tất xây dựng vào cuối quý 4/2015, đầu năm 2016 đưa tàu vào chạy thử. Tuy nhiên, đến nay, công tác xây dựng trụ cầu đang chậm khoảng 6 tháng, đúc và lao lắp dầm chậm khoảng 5 tháng, xây dựng các nhà ga chậm từ 3-5 tháng.

Ông Trương Kiện Luân, Giám đốc Dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông (Tổng thầu EPC Trung Quốc) cho biết, nguyên nhân chậm tiến độ là do hồ sơ thiết kế chậm được phê duyệt nên đã có sự thay đổi rất nhiều, từ vật liệu vỏ tàu, thiết kế kỹ thuật đến chi phí.

Phản bác lại vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường nhìn nhận, Tổng thầu EPC còn chưa thực sự ráo riết vào cuộc, thúc tiến độ dự án, một số hạng mục đang thi công quá chậm như cầu vượt Hà Đông, chế độ thanh toán chưa minh bạch.

“Tôi phê duyệt chi từ cách đây 1 tháng, nhưng hôm rồi đơn vị thi công phản ánh với tôi, họ đã vận chuyển 300 phiến dầm rồi mà chưa được trả một đồng nào. Tiền thì chủ đầu tư đã chuyển cho Tổng thầu, tại sao chưa chi trả?,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đặt câu hỏi.

Chỉ ra nguyên nhân chậm tiến độ là do năng lực của Tổng thầu EPC quá yếu kém, thiết kế chậm, máy móc con người kém, không có biện pháp thúc đẩy tiến độ dự án, Tư vấn giám sát lơ là, Bộ trường Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khẳng định, dự án đang quá chậm, gây phiền hà cho người dân trong việc đi lại, vì vậy cần nhanh chóng khắc phục và chấn chỉnh.

Bộ trưởng cũng yêu cầu tiến độ dự án đến tháng 10/2015 phải đưa vào chạy thử, để đến ngày 31/12/2015 phải đưa dự án vào khai thác thương mại.

Kỷ luật hàng loạt đơn vị

Ông Trương Kiến Huân, Giám đốc dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông cho rằng, Tổng thầu đã tiến hành đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp nhân lực, bồi dưỡng cho đơn vị thi công, vụ tai nạn xảy ra, phía Tổng thầu cũng chịu trách nhiệm phối hợp cứu người…

Theo ông Huân, Tổng thầu EPC đã áp dụng nhiều biện pháp trong quá trình thi công được chủ đầu tư phê duyệt, về an toàn chất lượng tổng thầu EPC sẽ chịu trách nhiệm xử lý sự cố.

Ông Tống Vân, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn giám sát xây dựng-Viện nghiên cứu thiết kế đường sắt Bắc Kinh thừa nhận, trong thời điểm xảy ra vụ tai nạn, kỹ sư giám sát không có mặt ở công trường thi công.

“Tư vấn giám sát là chịu trách nhiệm cuối cùng về tiến độ và chất lượng của dự án, còn an toàn trong thi công thuộc trách nhiệm của nhà thầu thi công,” ông Tống Vân bày tỏ quan điểm.

Không đồng tình với câu trả lời về trách nhiệm của Tư vấn giám sát, Bộ Trưởng Đinh La Thăng truy hỏi, lúc xảy ra tai nạn, tại sao không có Tư vấn giám sát. Phó Tổng giám đốc Tống Vạn giải thích, đại diện Tư vấn giám sát không có mặt mà chỉ có mặt tại khu vực lân cận do thời điểm tai nạn không nghiệm thu.

Tai nạn ở công trường đường sắt đô thị: Hàng loạt đơn vị bị kỷ luật ảnh 2Công trình đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đang thi công được che chắn sơ sài. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, Tư vấn không thể bao biện chỉ có mặt giai đoạn nghiệm thu, mà phải có mặt tại công trường trong quá trình thi công, giám sát chất lượng thi công cũng như an toàn thi công.

“Tư vấn giám sát cũng phải chịu trách nhiệm chính. Công an đang điều tra làm rõ vụ việc. Xác định rõ nếu là trách nhiệm của Tổng thầu, Tư vấn giám sát thì các ông phải đi tù. Xí nghiệp cầu 17 (Cienco 1) là nhà thầu thi công phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong vụ tai nạn,” Bộ trưởng Đinh La Thăng quả quyết.

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành giao thông cũng yêu cầu Hội đồng thành viên Cienco 1 làm rõ trách nhiệm của ông Phạm Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên vì thiếu trách nhiệm trong vụ tai nạn này.

“Một vụ việc xảy ra như vậy mà vẫn ngồi họp giao ban được là không thể chấp nhận. Dứt khoát tôi phải đề nghị kỷ luật đối với ông Dũng. Tôi yêu cầu ra hiện trường xử lý vụ việc đã không ra mà cử cử Chủ tịch Công đoàn của công ty xuống chứ không trực tiếp xuống giải quyết. Là con em các ông chắc các ông đã nhao ra rồi, vô cảm với tính mạng người dân như vậy à? Tới đây có kết quả điều tra sẽ đề nghị công an, nếu xem xét khởi tố vụ án được sẽ khởi tố ngay,” Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các công trình giao thông trên cả nước, không để xảy ra những vụ việc tai nạn tương tự, trong quá trình thi công phải có biện pháp bảo vệ thi công cho công trình, đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh.

Bộ trưởng cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ kiểm tra các công trình giao thông trên địa bàn về công tác đảm bảo an toàn giao thông, tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng, tăng cường tổ chức phân luồng từ xa qua các khu vực thi có công trường giao thông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục