Tài nguyên môi trường là nguồn lực phát triển kinh tế

Tài nguyên là nguồn vốn tự nhiên đặc biệt quan trọng và bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững.
Tài nguyên môi trường là nguồn lực phát triển kinh tế ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường năm 2014. (Ảnh: TTXVN)

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, tài nguyên là nguồn vốn tự nhiên đặc biệt quan trọng và bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong năm 2013, nước ta đã phải “đương đầu” với nhiều khó khăn, thách thức.

Bởi vậy, nhiệm vụ quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong năm có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường năm 2014, do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Trong kết quả phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước có sự đóng góp trực tiếp và rất lớn của ngành tài nguyên và môi trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vấn đề đáng lo hiện nay là tình trạng khai thác cạn kiệt tài nguyên, và ô nhiễm môi trường nhiều nơi còn nghiêm trọng.

Do đó, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2014 là rất nặng nề. Để tài nguyên và môi trường thực sự là nguồn lực phát triển đất nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị phải cùng nhau chung sức, chung lòng, quyết tâm hoàn thành kế hoạch đề ra, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2011-2015.”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu toàn ngành tài nguyên và môi trường cần đặc biệt quan tâm đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực tài nguyên khoáng sản và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm; nâng cao năng lực xây dựng quy hoạch, kế hoạch; phát huy tối đa nguồn lực tài nguyên môi trường để phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước theo hướng phát triển bền vững.

Về lĩnh vực đất đai, Thủ tướng yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường tuyên truyền một cách sâu rộng những điểm mới của Luật Đất đai (sửa đổi), tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân trong tổ chức thực hiện; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong cơ chế quản lý đất đai hiện nay; đưa nguồn lực đất đai phục vụ thiết thực, hiệu quả cho xây dựng và phát triển đất nước.

Về quản lý tài nguyên nước, ngành tài nguyên và môi trường phải sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên này, quan tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành các quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa mưa và cả trong mùa cạn, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy trình vận hành; kiểm tra giám sát chặt chẽ việc tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm đạt được mục tiêu cắt giảm lũ vào mùa mưa, góp phần cung cấp nước cho sinh hoạt và cho sản xuất của người dân.

Riêng đối với các hoạt động khai khoáng, Thủ tướng yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường tăng cường quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản theo pháp luật, quy hoạch, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường khắc phục một bước tình trạng ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông, khu, cụm công nghiệp và làng nghề, sự suy thoái tài nguyên đa dạng sinh học.

Riêng một số vụ án “điểm” về gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng nhằm tạo sự răn đe, phòng ngừa chung trong toàn xã hội, Thủ tướng yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường để điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương chú trọng hoàn thành việc xây dựng các kịch bản chi tiết về biến đổi khí hậu của địa phương để có biện pháp ứng phó phù hợp, giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tới sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và của cả nước nói chung.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục hiện đại hóa công nghệ, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng của công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, tham mưu, chỉ đạo kịp thời hoạt động phòng, chống, giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai gây ra; thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục