Tại sao đàm phán giữa Mỹ với Triều Tiên "dậm chân tại chỗ"?

Tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn đi theo lối mòn, không thỏa thuận kiểm soát vũ khí nghiêm túc nào có thể đạt được trừ khi ông Kim Jong-un bàn giao danh sách các cơ sở hạt nhân.
Tại sao đàm phán giữa Mỹ với Triều Tiên "dậm chân tại chỗ"? ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Theo trang mạng Economists, hồi tháng Sáu vừa qua, trên trang Twitter của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “Không còn mối đe dọa hạt nhân từ phía Triều Tiên.”

Tuyên bố của ông Trump được đưa ra ngay sau khi ông vừa kết thúc cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Trong cuộc gặp, ông tuyên bố ông Kim đã nhất trí từ bỏ chương trình hạt nhân để đối lấy sự đảm bản an ninh từ phía Mỹ và thậm chí, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, hơn 5 tháng sau đó, các mối đe dọa hạt nhân vẫn tồn tại và còn phát triển. Nhiều báo cáo tình báo cho rằng ông Kim đang mở rộng chương trình hạt nhân chứ không hề thu nhỏ quy mô của nó.

Ngày 16/11, Triều Tiên cho biết quân đội nước này đã thử nghiệm thành công một loại “vũ khí chiến lược cực kỳ tối tân” chưa được xác định, sự đề cập công khai đầu tiên về vụ thử vũ khí gần đây kể từ tháng 11/2017. Vậy tại sao lại có những trở ngại bất ngờ như vậy?

Thực tế, tiến trình tùy thuộc vào những cách diễn giải khác nhau về những điều mà ông Kim cam kết thực hiện một cách thực sự.

Trong văn kiện được ký hồi tháng 6/2018, hai nước đã nhất trí “thiết lập mối quan hệ mới giữa Mỹ và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK)” và “xây dựng một chế độ hòa bình ổn định và bền vững” trong khi Triều Tiên “cam kết hướng đến việc phi hạt nhân hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên.” 

[Triều Tiên cho phép thanh sát viên quốc tế đến cơ sở hạt nhân Yongbyon]

Do đó, Mỹ đã khăng khăng rằng bất kể sự nhượng bộ nào mà nước này đề nghị phải được thực hiện đầu tiên bởi những động thái hướng tới phi hạt nhân hóa rõ ràng của Triều Tiên, như là bàn giao một danh sách đầy đủ các cơ sở hạt nhân và cho phép các thanh sát viên đến những địa điểm đã tiến hành tháo dỡ.

Tại sao đàm phán giữa Mỹ với Triều Tiên "dậm chân tại chỗ"? ảnh 2Hình ảnh vệ tinh chụp cơ sở hạt nhân Yongbyon, cách thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên 100km về phía bắc, ngày 27/6/2008. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Tuy nhiên, ngoài việc ngừng các vụ thử hạt nhân (mà thực sự đã được thực hiện từ trước hội nghị thượng đỉnh ở Singapore), Triều Tiên chỉ đưa ra những hành động mang tính tượng trưng, như cho phá hủy công khai một bãi thử mà không còn cần thiết nữa.

Trước khi thực hiện những bước đi chắc chắn hơn, Bình Nhưỡng đang yêu cầu sự “đáp lễ” của Mỹ, chẳng hạn như dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt.

Những cuộc đàm phán tiếp theo đã không thành công trong việc thu hẹp bất đồng. Đầu tháng 11, cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và ông Kim Yong Chol, trưởng đoàn đàm phán của Triều Tiên, đã bị Bình Nhưỡng hủy vào phút chót.

Ông Kim có lẽ đã chuẩn bị từ bỏ vũ khí hạt nhân, và có thể đơn giản muốn những đảm bảo thực chất hơn trước khi ông bắt đầu tiến trình.

Tuy nhiên, nhiều khả năng hơn là ông muốn trì hoãn việc tiêu hủy vũ khí hạt nhân, thứ mà Bình Nhưỡng đã theo đuổi trong nhiều thập kỷ để đảm bảo sự tồn tại của chế độ, và đang sử dụng vòng đàm phán hiện tại để nỗ lực có được sự nhượng bộ nhiều hơn từ phía Mỹ.

Rốt cuộc, Triều Tiên có lịch sử khiến cho những nước khác phải đưa ra cam kết về những điều mà nước này từ bỏ.

Đòi hỏi quá đáng của Trump về một thỏa thuận đã đạt được tại Singapore, mà không bao hàm chi tiết về việc phi hạt nhân hóa có ý nghĩa như thế nào, đã khuyến khích cách hành xử như vậy.

Ông Kim đang lợi dụng "sự mập mờ" trong cam kết của mình để trì hoãn tiến trình, trong khi đưa ra sự cáo buộc về sự bội tín của Mỹ.

Hiện tại, tiến trình vẫn đi theo lối mòn. Không thỏa thuận kiểm soát vũ khí nghiêm túc nào có thể đạt được, trừ khi ông Kim bàn giao danh sách các cơ sở hạt nhân, tuy nhiên không có dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ làm việc đó.

Quả thực, truyền thông Triều Tiên gần đây đã đẩy mạnh lập luận này một lần nữa, đe dọa quay lại việc tiến hành thử hạt nhân trừ khi Mỹ đưa ra nhượng bộ mà ông Kim cho là Mỹ đã cam kết. Đáp lại, Mỹ thề duy trì lệnh trừng phạt và gây áp lực lên chế độ Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, Washington cũng đã lên tiếng làm dịu tình hình. Ngày 15/11, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết cuộc gặp lần thứ hai giữa Trump và Kim có thể tiến hành mà Triều Tiên không nhất thiết phải đưa ra danh sách cơ sở hạt nhân gây tranh cãi.

Sự chấp nhận của Mỹ về quan điểm phi hạt nhân hóa của Triều Tiên có thể đảm bảo rằng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục, làm giảm nguy cơ tái leo thang căng thẳng, nhưng không chắc sẽ đặt dấu chấm hết cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục