Tại sao hội nhập ASEAN chỉ có thể qua con đường kinh tế?

Tại sao hội nhập ASEAN lại chỉ có thể qua con đường kinh tế?

Các nước ASEAN tập trung vào hội nhập về kinh tế bởi sự hội nhập về chính trị là điều “không thể tưởng tượng được” ở khu vực này.
Tại sao hội nhập ASEAN lại chỉ có thể qua con đường kinh tế? ảnh 1Cảng Quốc tế Cái Mép. Ảnh minh họa. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Nhật báo TODAY số ra mới đây đã đăng bài viết của Tiến s​ỹ Ooi Kee Beng, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak, nhận định về việc tại sao hội nhập ASEAN lại qua con đường kinh tế.

Nội dung bài viết như sau:

Trong khi chỉ với chưa đầy 20 tháng nữa là tròn nửa thế k​ỷ thành lập và phát triển, ASEAN sẽ chính thức trở thành một cộng đồng vào ngày 31/12. Sự hội nhập này về cơ bản đang và sẽ tiếp tục được triển khai trong lĩnh vực kinh tế. ASEAN có tham vọng và chủ động trong việc tạo ra một thị trường và cơ sở sản xuất chung.

Các nước ASEAN tập trung vào hội nhập về kinh tế bởi sự hội nhập về chính trị là điều “không thể tưởng tượng được” ở khu vực này do có những khác biệt lớn về các ý niệm cơ bản như quyền lực, bộ máy lãnh đạo, vai trò của nhân dân.... Ngoài lĩnh vực kinh tế, các nước trong khu vực này chủ yếu hợp tác bảo vệ an ninh biên giới và chống lại các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, thiên tai và thảm họa sinh thái.

Khu vực này cũng được cấu thành bởi các chính thể chủ yếu tập trung vào kiến thiết đất nước chứ không phải hội nhập về chính trị với các nước láng giềng. Ngay cả trong lĩnh vực văn hóa cũng vậy. Thực tế, chỉ gần đây nhờ các hãng hàng không giá rẻ mà người Đông Nam Á mới đi lại nhiều hơn trong khu vực. Hầu hết người dân không hiểu biết nhiều về văn hóa, con người của các nước láng giềng.

Rào cản đối với hội nhập trong khu vực cũng bắt nguồn từ yếu tố lịch sử. Vị trí địa lý khiến khu vực này rất dễ bị thực dân hóa, xâm lược và ảnh hưởng bởi các cuộc chiến tranh giành thuộc địa. Trong thế kỷ 19 và 20, khu vực này từng bị người châu Âu đô hộ, từng bị người Nhật xâm chiếm, là nơi xảy ra các phong trào theo chủ nghĩa dân tộc phản đối sự trở lại của người châu Âu, và là chiến trường trong Chiến tranh Lạnh.

Vì thế, các nước trong khu vực luôn cảnh giác, giữ thế “phòng thủ” trước những thế lực nước ngoài. Sau một thời gian dài bị khói mù bao phủ, chỉ đến đầu tháng này, Jakarta mới chấp nhận sự giúp đỡ từ các nước láng giềng để giải quyết vấn đề này.

Kế hoạch xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN giúp hội nhập 625 triệu người vào một thị trường và cơ sở sản xuất chung, nơi dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề tự do di chuyển. Trong giai đoạn 2008-2013, kim ngạch thương mại nội khối tăng 33%, từ 458,1 tỉ USD lên 608,6 tỉ USD.

Những gì ASEAN sẽ tuyên bố trong tháng 12 tới đó là hầu hết các biện pháp cần thiết để Đông Nam Á phát triển thành một khu vực hội nhập kinh tế đã được thực hiện. Từ đầu năm đến nay, ASEAN đã tuyên bố xóa bỏ thuế đánh vào 97,3% số các sản phẩm giao dịch trong khu vực.

Những biện pháp khác đang chờ được thực hiện chủ yếu liên quan đến việc loại bỏ rào cản phi thuế quan, như đơn giản hóa thủ tục hải quan, hài hòa các tiêu chuẩn, yêu cầu ghi nhãn.... Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Malaysia, Mustapa Mohamed, gần đây cho hay ASEAN đã xác định được 69 rào cản phi thuế quan và dỡ bỏ được 45 trong số đó.

Mọi việc đang diễn ra ở tốc độ mà các nước ASEAN có thể kiểm soát. Song về lâu dài, câu hỏi đặt ra là liệu ASEAN có thể bắt kịp với sự phát triển toàn cầu hay không.

Ngoài ra, một lo ngại thường xuyên được đề cập hiện nay là Indonesia, thành viên lớn nhất của ASEAN, dường như bị phân tâm bởi những vấn đề trong nước, và Tổng thống Joko Widodo quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp mang tính quốc gia chứ không phải ở tầm khu vực. Thời gian có thể không đứng về phía ASEAN, và việc tăng tốc hội nhập có thể là thách thức lớn nhất của khu vực này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục