Tại sao không thể dập tắt nạn hàng giả trong một sớm một chiều?

Bài 4: Tại sao không thể dập tắt nạn hàng giả trong một sớm một chiều?

Trong thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng ra vào cuộc rất mạnh mẽ, song cuộc đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả tại Việt Nam vẫn đang là một thách thức lớn.
Bài 4: Tại sao không thể dập tắt nạn hàng giả trong một sớm một chiều? ảnh 1Các nhãn hiệu Dior, Hermes, Louis Vuitton… do tư nhân làm giả, bị Đội Chống hàng giả (PC46) phát hiện tại Phú Xuyên, Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng ra vào cuộc rất mạnh mẽ, song cuộc đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả tại Việt Nam vẫn đang là một thách thức lớn.

“Muối bỏ biển”

Theo Bộ Công thương, năm 2014,  lực lượng quản lý thị trường phát hiện 17.000 vụ gian lận thương mại, song chỉ chuyển khởi tố 11 vụ, trong khi luật quy định rất rõ cách nhận biết hàng giả, giá trị lô hàng từ 30 triệu trở lên là có dấu hiệu của tội hình sự.

Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, hàng giả có thể là tem, nhãn mác, bao bì, kiểu dáng, nội dung, chất lượng, tất cả các hành vi vi phạm đó đều được lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

“Hàng giả đang là thách thức với dư luận xã hội, thách thức với lực lượng chức năng, một sớm một chiều không thể dập tắt được. Đối với Việt Nam sau 20 năm hội nhập với thế giới, việc thúc đẩy sản xuất phát triển đã không tránh khỏi nạn hàng giả,” ông Tín thừa nhận.

Lý giải nguyên nhân số vụ việc đưa ra truy tố hình sự còn rất ít, ông Tín chỉ ra, việc phát hiện hàng giả cực kỳ khó khăn, bởi hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả lén lút và nhỏ lẻ.

Ông Tín cho rằng, vấn nạn giả xuất xứ đã diễn ra nhiều năm, thời gian tới phải xem xét các trung tâm thương mại, siêu thị… trà trộn nhân danh hàng Việt Nam chất lượng cao để đưa vào đánh lừa người tiêu dùng.

“Cục đã có nhiều văn bản chỉ đạo lực lượng và có các chuyên đề chống hàng giả, nhưng rất cần doanh nghiệp đẩy mạnh phối hợp với cơ quan chức năng,” ông Tín nói.

Tuy nhiên, nguyên tổng giám đốc một công ty may mặc lớn đặt vấn đề, “hàng nhái, hàng giả tồn tại ngang nhiên, ai cũng biết sao quản lý thị trường không xử lý được. Theo tôi khâu thực thi chế tài cần phải thực hiện nghiêm túc và phải có cơ quan giám sát thực thi.”

Cám dỗ… siêu lợi nhuận

Chỉ ra sự cám dỗ siêu lợi nhuận từ việc vi phạm quyền sở hữu tuệ là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên. Ông Trịnh Minh Anh, Phó chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế Quốc tế (Bộ Công Thương) minh chứng, giá trị của một sản phẩm chủ yếu nằm ở chính nhãn mác thương hiệu và chiếm khoảng từ 60%-80% giá cả của hàng hóa bán ra.

“Do đó, việc làm hàng nhái, hàng giả đã và đang là một ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. Tuy nhiên theo các cam kết hội nhập, quy định về sở hữu trí tuệ không cho phép Việt Nam cũng như các nước thành viên xử nhẹ với hàng giả, hàng nhái, thậm chí các đối tác còn yêu cầu các tội làm hàng giả hàng nhái sẽ phải xét ở mức án cao nhất.”

Bài 4: Tại sao không thể dập tắt nạn hàng giả trong một sớm một chiều? ảnh 2Hàng giả không thể triệt phá một sớm một chiều… nguyên nhân đây là ngành siêu lợi nhuận. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam rất nhiều lần lên tiếng, bên cạnh việc Chính phủ cần thiết sớm có những chính sách quan tâm thỏa đáng tới việc bảo vệ thị trường nội địa, thì các doanh nghiệp “chân chính” cũng phải chủ động bắt tay vào cuộc

“Các biện pháp phòng vệ thương mại, như chống bán phá giá, hàng rào vệ sinh dịch tễ, quy tắc xuất xứ… đối với cộng đồng doanh nghiệp đang là khâu rất yếu,” ông Lộc thẳng thắn.

Chỉ ra một thực tiễn, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp chưa vào cuộc là do lo ngại về tâm lý người tiêu dùng khi công bố các thông tin về sản phẩm bị làm giả của mình.

Mạnh dạn đưa ra giải pháp, mới đây đại diện Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho biết, họ đang nghiên cứu và phối hợp với một số đối tác triển khai chương trình sản xuất tem chống hàng giả hàng nhái. Theo đó, những chiếc tem này sẽ cung cấp đầy đủ thông số kỹ thuật về sản phẩm và người tiêu dùng chỉ cần sử dụng điện thoại cá nhân là có thế biết nguồn gốc sản phẩm, như nhà sản xuất, địa điểm sản xuất, thời gian sản xuất, thời hạn sản phẩm…

Đầu tháng Tư, trong một buổi tọa đàm về chống hàng giả, ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo chống buôn lậu và hàng giả Trung ương (Ban 389) đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ, “sẽ giám sát các vụ việc bắt giữ hàng giả, hàng lậu ở các địa phương, nếu thấy có dấu hiệu hình sự sẽ yêu cầu chuyển hồ sơ lên cấp cao hơn để thụ lý, tránh tình trạng ‘bắt cóc bỏ đĩa’”./.

Bài 5: “Dung túng hàng giả là phá hoại thương hiệu quốc gia”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục