Tại sao Mỹ nỗ lực chấm dứt cuộc chiến ở Yemen vào lúc này?

Sau hơn 3 năm diễn ra cuộc chiến tranh gây chết chóc, giết hại hàng nghìn người và đẩy cả đất nước Yemen tới bờ vực diệt vong, tại sao bây giờ Mỹ mới tăng cường áp lực để chấm dứt cuộc chiến này?
Tại sao Mỹ nỗ lực chấm dứt cuộc chiến ở Yemen vào lúc này? ảnh 1Lực lượng ủng hộ chính phủ Yemen tại khu vực ngoại ô Hodeida ngày 14/11/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tân Hoa xã đưa tin Mỹ đang gia tăng áp lực để chấm dứt cuộc chiến ở Yemen - cuộc chiến vốn đẩy các đồng minh thân cận nhất của Washington trong liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu vào tình thế đối đầu với các phiến quân Houthi theo dòng Shi'ite liên minh với Iran.

Sau hơn 3 năm diễn ra cuộc chiến tranh gây chết chóc, giết hại hàng nghìn người và đẩy cả đất nước Yemen tới bờ vực diệt vong, tại sao bây giờ Mỹ mới tăng cường áp lực để chấm dứt cuộc chiến này?

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis vừa kêu gọi "ngay lập tức chấm dứt" cuộc chiến tranh ở Yemen.

Phát biểu trước báo giới tại Lầu Năm Góc hồi tuần trước, ông Mattis nói: "Nhiều khả năng trong tháng 12/2018, tại Thụy Điển, chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện của cả phiến quân Houthi đại diện chính phủ của Tổng thống Yemen Abd-Rabbu Mansour Hadi, vốn được Saudi Arabia hậu thuẫn."

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhanh chóng xác nhận phát biểu của ông Mattis.

Trong Quốc hội Mỹ, nhiều thượng nghị sỹ đã lên tiếng yêu cầu quân đội Mỹ ngừng ủng hộ Saudi Arabia, đồng thời gia tăng áp lực đòi chính quyền của Tổng thống Donald Trump phải chấm dứt cuộc chiến ở Yemen.

Họ đang chuẩn bị thông qua một đạo luật nhằm ngừng hoàn toàn sự hậu thuẫn của quân đội Mỹ đối với Saudi Arabia.

[Mỹ xác nhận đã ngừng tiếp liệu cho lực lượng liên quân Saudi Arabia]

Tương tự, nhiều nước châu Âu - trong đó có Pháp - cũng ủng hộ lời kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột ở Yemen. Một số chính phủ châu Âu đã tuyên bố ngừng bán vũ khí cho Saudi Arabia.

Anh đã phái Ngoai trưởng Jeremy Hunt tới Riyadh để kêu gọi Saudi Arabia chấm dứt cuộc chiến ở Yemen.

Hiện giờ, sau những nỗ lực chưa từng có tiền lệ như vậy, Liên hợp quốc tin rằng tất cả các bên thù địch trong cuộc xung đột này sẽ can dự vào tiến trình hòa bình sắp tới.

Những động thái đang tăng tốc nói trên làm dấy lên một câu hỏi: tại sao các bên lại hối thúc chấm dứt cuộc chiến ở Yemen vào lúc này?

Abdelelah Haidar - nhà phân tích chính trị người Yemen và là chuyên gia về các vấn đề chính trị của Mỹ sống tại Kuala Lumpur (Malaysia) - nói: "Mỹ đã bắt đầu khởi động các hoạt động ngoại giao hồi đầu tháng 10/2018, sau khi giới truyền thông phương Tây phanh phui các chi tiết về vụ sát hại nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi."

Jamal Khashoggi, một nhân vật bất đồng chính kiến với chính phủ Saudi Arabia và là phóng viên của tờ The Washington Post, được cho là đã bị sát hại bên trong lãnh sự quán của Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 2/10.

Kể từ đó, chính phủ Saudi Arabia phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng yêu cầu nước này đưa những kẻ sát hại nhà báo Khashoggi ra trước pháp luật và chấm dứt cuộc chiến tại Yemen.

Trao đổi với Tân Hoa xã, nhà phân tích Haidar nói: "Có vẻ như chính Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis là quan chức đầu tiên của Mỹ lên tiếng yêu cầu chấm ngay lập tức cuộc chiến tranh ở Yemen."

Trước khi ông Mattis có động thái trên, nhiều nghị sỹ trong Quốc hội Mỹ - vốn chỉ trích kịch liệt chính quyền Trump - ngày càng lớn tiếng đòi phải có biện pháp trừng phạt những kẻ đã sát hại nhà báo Khashoggi và kêu gọi chấm dứt cuộc chiến ở Yemen.

Nhà phân tích Haidar nói: "Chiến thắng của phe dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua ở Mỹ đã khiến chính quyền Trump phải chịu thêm nhiều áp lực. Các thượng nghị sỹ thuộc phe Dân chủ nhận được sự ủng hộ lớn từ các cơ quan truyền thông hàng đầu của Mỹ, vốn rất quan tâm đến cuộc chiến ở Yemen và gắn cuộc chiến này với vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại."

"Tôi cho rằng Quốc hội Mỹ đang gia tăng áp lực với chính ông Trump, họ nhằm mũi tên vào mối quan hệ kinh doanh cá nhân giữa Trump, con rể ông ta là Jared Kushner và gia đình hoàng gia Saudi Arabia," ông Haidar nói.

Nhà phân tích Adel al-Assar của nhật báo Althawra có trụ sở ở Sanaa cho rằng: "Tất cả kết hợp lại - hành động của Quốc hội và các thông tin của giới truyền thông Mỹ về cuộc chiến ở Yemen - đã buộc chính quyền Trump quyết định phải hành động. Phe Dân chủ trong Quốc hội đang chuẩn bị để thúc đẩy việc chấm dứt hoàn toàn sự hậu thuẫn quân sự của Mỹ đối với Saudi Arabia. Vì vậy, ông Trump và ông Kushner có động cơ cá nhân để cứu Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, người mà họ có mối quan hệ cá nhân rất đặc biệt."

Các hành động của Quốc hội và "động cơ cá nhân" của ông Trump là 2 nhân tố vô cùng quan trọng có thể giải thích lý do thực sự đằng sau việc Mỹ nhanh chóng hành động đối với đồng minh thân thiết Saudi Arabia và cuộc chiến ở Yemen.

Giáo sư Ali al-Ammary, phụ trách Khoa truyền thông của trường Đại học Sanaa, cho rằng những bức ảnh về cuộc chiến ở Yemen, đặc biệt là các vụ không kích, những đứa trẻ suy dinh dưỡng người Yemen và các gia đình Yemen tang thương được đăng tải trên các trang nhất của báo chí phương Tây cũng là một nhân tố chính đằng sau những lời kêu gọi mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế thời gian gần đây yêu cầu chấm dứt chiến tranh ở Yemen.

Giáo sư al-Ammary nói: "Người dân Mỹ và châu Âu hiểu rằng hàng triệu trẻ em Yemen đang chết vì bị suy dinh dưỡng, đói khát và dịch bệnh tràn lan, tất cả là hậu quả của sự phong tỏa hải quân mà liên minh do Saudi Arabia cầm đầu thực hiện trong hơn 3 năm qua."

Đây từng là "cuộc chiến bị phớt lờ" trong nhiều tháng do các phóng viên phương Tây bị ngăn cản, không được tiếp cập với Yemen. Tuy nhiên, hiện giờ, các tổ chức truyền thông quốc tế đã tích cực hơn trong việc đưa tin hàng ngày về các thảm kịch của hàng triệu người Yemen.

Giáo sư al-Ammary nói: "Các hãng truyền thông, báo chí và truyền hình quốc tế giờ đây đã đưa tin gần như cập nhật hàng ngày về tình hình Yemen, và điều này đã gây áp lực buộc Mỹ và Anh phải hành động ngay lập tức để chấm dứt cuộc xung đột này. Tôi cho rằng hiện là thời điểm thích hợp để thúc đẩy nền hòa bình cho Yemen"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục