Tại sao Vùng Vịnh khó áp dụng mô hình phát triển như Trung Quốc

Những chính sách tập trung vào củng cố xã hội và kinh tế ở châu Á có thể là bài học mà các nhà lãnh đạo vùng Vịnh - nơi đặt sự sống còn của chế độ lên hàng đầu - có thể rút ra để cải cách kinh tế.
Tại sao Vùng Vịnh khó áp dụng mô hình phát triển như Trung Quốc ảnh 1Toàn cảnh thành phố công nghiệp Ras Laffan, nơi đặt các cơ sở sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Qatar. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, đối với lãnh đạo các nước Vùng Vịnh, những cải cách kinh tế đặt ra từ lâu nay chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Các vị lãnh đạo như các thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia hay là Mohammed bin Zayed của Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) đều đã nhanh chóng nhận ra rằng áp dụng hình mẫu tăng trưởng kinh tế đi kèm với thắt chặt kiểm soát chính trị của Trung Quốc nói thì dễ mà làm thì khó.

Họ nhận ra rằng sửa đổi lại các thỏa thuận xã hội được lập ra dựa trên sự thịnh vượng về dầu mỏ của mình là điều rất khó khăn bởi các nước Arab Vùng Vịnh có thể đánh mất nhiều thứ hơn Trung Quốc.

Những thỏa thuận xã hội của các nhà nước Vùng Vịnh có thể đạt được hiệu quả theo những cách thức mà các chương trình an sinh xã hội của Trung Quốc không áp dụng.

Thêm vào đó, các lãnh đạo vùng Vịnh, vốn đang phải vật lộn với sự chỉ trích ngày càng dâng cao đối với cuộc chiến tranh mà Saudi Arabia và UAE dẫn đầu tại Yemen và sự bất mãn với cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi, cũng đang thiếu sức ảnh hưởng về kinh tế và chính trị, cho phép Trung Quốc dập tắt hoặc khoanh vùng những chỉ trích về việc họ đàn áp cộng đồng Hồi giáo tại khu vực tỉnh Tân Cương đầy bất ổn ở Tây Bắc đất nước.

Sự thiếu vắng một thỏa thuận xã hội dựa trên nền tảng thịnh vượng của đất nước tại Trung Quốc cho phép chính phủ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp hàng triệu người dân thoát khỏi đói nghèo...

[Saudi Arabia tìm cơ hội đầu tư 100 tỷ USD tại Ấn Độ trong 2 năm tới]

Kết quả là, Trung Quốc đã có thể thúc đẩy cải cách kinh tế mà không phải lo đến việc giảm lợi ích an sinh, vốn có thể kích động sự phản ứng từ dân chúng và tạo nguy cơ đe dọa chế độ.

Sau ba năm áp dụng bản kế hoạch chi tiết về đa dạng hóa nền kinh tế trong Tầm nhìn 2030 của Thái tử Mohammed bin Salman, giới doanh nghiệp và người tiêu dùng Saudi Arabia phàn nàn rằng họ cảm nhận được hậu quả của sự tăng giá các mặt hàng tiêu dùng và việc tăng 5% thuế giá trị gia tăng mới đây mà không dám chắc chắn rằng chính phủ có thể giữ lời hứa đảm bảo lợi ích dài hạn.

Cam kết cắt giảm chi tiêu của chính phủ càng đặt thêm nghi vấn sau những chiến dịch quảng cáo rùm beng tiêu tốn hàng tỷ USD kể từ khi việc cải cách và sửa đổi thỏa thuận xã hội được đưa ra với mục tiêu giảm bớt tác động của việc tăng giá và xoa dịu dư luận.

Trái ngược với Trung Quốc, đầu tư ở Vùng Vịnh, dù là trong hay từ ngoài nước, đều đến từ các lĩnh vực tài chính, công nghệ và các ngành dịch vụ khác như ngành công nghiệp vũ khí hay chính phủ.

Sự đầu tư tập trung nhiều vào dịch vụ, cơ sở hạ tầng và nâng cao các năng lực của nhà nước hơn là ngành chế tạo, phát triển công nghiệp và khích lệ lĩnh vực tư.

Với ngoại lệ dành cho các công ty dầu khí nhà nước, một số hãng hàng không và các công ty hóa dầu nhà nước, quy mô đầu tư ở Vùng Vịnh là danh mục đầu tư được điều phối bởi các nguồn quỹ dồi dào của nhà nước, các phần thưởng và đầu tư được lập ra để củng cố uy thế và quyền lực mềm của đất nước.

Ngược lại, các nền kinh tế châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ sử dụng các khoản đầu tư để chống đói nghèo, khích lệ tầng lớp trung lưu và thiết lập một nền tảng công nghiệp.

Còn với dân số nhỏ, các nước Vùng Vịnh thường củng cố sự vững chãi của các ngành dịch vụ và các sản phẩm tài chính từ dầu mỏ và khí đốt hơn là cho lĩnh vực chế tạo và công nghiệp.

Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trị giá 1 nghìn tỷ USD của Trung Quốc là một trường hợp ngoại lệ ở châu Á, theo đó sẽ tới gần nhất với một số dự án đầu tư quyền lực mềm ở Vùng Vịnh.

BRI được lập ra nhằm giảm bớt sự thừa năng lực ở trong nước của các công ty thuộc sở hữu nhà nước vốn không phải chịu ơn những đòi hỏi ngắn hạn hay những thành tựu địa chính trị của các cổ đông, đóng góp cho sự tăng trưởng trong nước của Trung Quốc.

Các nước châu Á có khả năng kiểm soát những kỳ vọng của các nhà đầu tư trong một môi trường có tình hình chính trị tương đối ổn định.

Ngược lại, Saudi Arabia đã đánh mất sự tín nhiệm về năng lực đa dạng hóa nền kinh tế chủ yếu dựa vào dầu mỏ của mình khi liên tiếp trì hoãn các kế hoạch giảm 5% các công ty dầu khí quốc gia.

Chắc chắn là Trung Quốc không độc đoán như các nước Vùng Vịnh, trong khi chủ nghĩa dân túy Hindu tại Ấn Độ lại phù hợp với xu hướng dân túy, dân chủ nửa vời trên toàn cầu.

Điều khiến châu Á khác biệt với Vùng Vịnh và đem lại cho họ thành công về kinh tế là những chính sách đảm bảo một môi trường tương đối ổn định.

Những chính sách này tập trung vào sự củng cố xã hội và kinh tế hơn là sự sống còn của chế độ vốn được đặt lên hàng đầu ở Vùng Vịnh. Đó có thể là bài học mà các nhà lãnh đạo Vùng Vịnh cần rút ra từ châu Á./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục