Taliban bất chấp lệnh giới nghiêm của Pakistan

Không chỉ thách thức lệnh giới nghiêm của Chính phủ Pakistan, phiến quân Taliban còn bác bỏ việc nhà chức trách tỉnh biên giới Tây Bắc của Pakistan thành lập một tòa án tại tỉnh này.

Không chỉ thách thức lệnh giới nghiêm của Chính phủ Pakistan, phiến quân Taliban còn bác bỏ việc nhà chức trách tỉnh biên giới Tây Bắc của Pakistan thành lập một tòa án tại tỉnh này.
 
Trong nỗ lực khôi phục hòa bình tại khu vực biên giới Tây Bắc đầy bất ổn, chính quyền tỉnh biên giới Tây Bắc mới đây đã công bố việc thành lập Tòa án phúc thẩm Hồi giáo (Dar-ul-Qaza) tại Malaccan, một nội dung trong thỏa thuận ngừng bắn với Taliban hồi tháng 2 để đổi lại việc phiến quân từ bỏ bạo lực.

Tuy nhiên, Taliban đã bác bỏ tòa án trên, cho rằng việc thành lập tòa án này không có sự tham vấn thỏa đáng. Đồng thời, lực lượng Taliban còn chống lại lệnh giới nghiêm của chính phủ áp đặt tại Thung lũng Swat và tiến hành tuần tra vũ trang tại đây.

Theo các nhân chứng, lần đầu tiên kể từ khi có thỏa thuận ngừng bắn, các tay súng Taliban lại tuần tra vũ trang tại thị trấn Mingora quan trọng ở thung lũng Swat.

Sau khi đạt được thỏa thuận hòa bình với Taliban ở tỉnh biên giới Tây Bắc, Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari đã ký ban hành Luật Hồi giáo Shariah hà khắc tại thung lũng Swat. Nhưng thay vì hạ vũ khí theo như thỏa thuận, Taliban đã tấn công và kiểm soát toàn bộ huyện Hạ Đia (Lower Dir) và Buner, chỉ cách thủ đô Islamabad khoảng 100 km nhằm mở rộng phạm vi áp đặt Luật Hồi giáo. Hành động này buộc quân đội Pakistan phải tiến hành một chiến dịch quy mô lớn, với sự hỗ trợ của không quân và pháo binh.
 
Trong một diễn biến liên quan, tờ "Thời báo New York" của Mỹ ngày 3/5 đưa tin trước tình hình phiến quân Taliban tăng cường hoạt động, Chính quyền Washington ngày càng lo ngại về độ an tòan của kho vũ khí hạt nhân Pakistan.
 
Báo trên dẫn lời các quan chức giấu tên cho biết Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang lo ngại về khả năng lực lượng phiến quân Hồi giáo sẽ tổ chức cướp vũ khí trong quá trình vận chuyển, hay đưa người của họ vào các phòng thí nghiệm hoặc các cơ sở sản xuất nhiên liệu hạt nhân.
 
Theo tờ báo, Taliban ở Pakistan đang khiến giới chức Mỹ ngày càng không muốn chấp nhận những đảm bảo chung chung của Pakistan rằng kho vũ khí hạt nhân của họ vẫn an toàn. Pakistan hiện vẫn từ chối đề nghị cung cấp cho Mỹ thông tin cụ thể hơn về vị trí và độ an toàn của những địa điểm nước này triển khai vũ khí hạt nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục