Trong sâu thẳm tâm hồn người dân cách mạng Cao Bằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người con của quê hương Tam Kim anh hùng. Đại tướng đã sống, chiến đấu và trưởng thành cùng nhân dân Tam Kim, trở thành một phần máu thịt của đồng bào dân tộc nơi đây. Sự ra đi của Đại tướng là một mất mát lớn lao đối với nhân dân Tam Kim.
Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, với khu rừng Trần Hưng Đạo, với người dân xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Trong khoảng thời gian 1941-1942, phong trào cách mạng đã phát triển rất mạnh ở các huyện Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Năm 1942, đồng chí Võ Nguyên Giáp được tổ chức cử về hoạt động tại khu vực xã Tam Lọng, Kim Mã (sau này gộp lại thành xã Tam Kim) với bí danh là Văn. Dưới sự hoạt động tích cực của đồng chí Văn, phong trào cách mạng ở đây phát triển mạnh; các đội du kích, tự vệ ra đời và hoạt động mạnh mẽ.
Trước tình hình đó, Bác Hồ đã ra chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Nhiệm vụ của Đội là dùng vũ trang để động viên, kêu gọi nhân dân đứng dậy giành chính quyền. Dưới sự tổ chức tài tình của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập vào ngày 22/12/1944.
Ngày nay, trên vùng đất lịch sử năm xưa, cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tam Kim không ngừng đổi mới. Những công trình điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư xây dựng hiện đại. Người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng giống mới, cơ giới hóa sản xuất. Năm 2012, tổng sản lượng lương thực của xã đạt gần 2.000 tấn, bình quân đầu người gần 600kg, giá trị sản xuất đạt trên 30 triệu đồng/ha.
Ông Nông Hữu Chung, Bí thư Đảng ủy xã cho biết trên 90% dân số của xã đã được dùng điện lưới quốc gia, hơn 60% dân được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 95% số hộ đã có xe máy. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nhân dân Tam Kim đã tự góp tiền xây dựng được nhiều tuyến đường bê tông liên xóm, nội vùng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sản xuất. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng với phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, người dân Tam Kim xây dựng đời sống ngày càng ấm no hạnh phúc.
Có ngày hôm nay, nhân dân Tam Kim không quên công ơn của Đảng, Bác Hồ và Đại tướng đã lãnh đạo, dìu dắt nhân dân đấu tranh giành độc lập, tự do. Đối với Tam Kim, Đại tướng không chỉ là người lãnh đạo cao nhất của Quân đội, là vị tướng tài ba bách chiến bách thắng mà còn là một người anh cả, một thành viên ruột thịt của nhiều gia đình.
Trong thời gian hơn 3 năm hoạt động, công tác ở vùng Tam Kim, Đại tướng luôn được nhân dân yêu mến, đùm bọc, che chở. Năm 1989, được tin Đại tướng về thăm, hàng nghìn người dân Tam Kim kéo về như đi hội để được gặp, được chào Đại tướng.
Ngày nay, về Tam Kim, hầu như gia đình nào cũng có một bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp treo trang trọng giữa phòng khách. Khi được hỏi về Đại tướng, từ người già cho đến trẻ nhỏ, ai cũng tỏ lòng yêu kính đặc biệt.
Ông Nguyễn Tường, 83 tuổi ở xóm Nà Dủ, xã Tam Kim, mắt ngấn lệ khi nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Năm ấy, tôi 14 tuổi, chú Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và chú Đinh (Lê Thiết Hùng) vẫn thường xuyên đến xóm tuyên truyền cách mạng. Chú Văn thường lên nhà sàn, dùng ống nhòm quan sát bên kia sông để tránh lính Pháp và bọn lý trưởng. Chú Văn rất vui vẻ, lúc nào cũng hỏi thăm mọi người chu đáo. Khi ấy, tôi cũng tham gia Hội nhi đồng cứu quốc, vẫn thường giúp cán bộ đưa tài liệu. Có lần, nhận tài liệu rồi, chú Văn vỗ vai tôi và bảo “Cháu giỏi lắm, sau này lớn làm cách mạng nhé.” Sau này, khi đất nước giải phóng, tôi đã làm cán bộ huyện, có lần xuống Hà Nội họp, gặp lại Đại tướng, Đại tướng vẫn không quên tôi. Ông tiến lại gần bắt tay và nói: “Tam Lọng, Kim Mã nhỉ?” (ý nói là người ở Tam Kim nhỉ). Rồi ông ân cần hỏi thăm từng nhà trong xóm và nhắn nhủ: “Nà Dủ nhiều nước, nuôi cá thì tốt. Nhớ nuôi nhiều cá vào nhé.”
Bà Bàn Thị Chủ, lão thành cách mạng, dân tộc Dao ở xã Hoa Thám, nay đã 87 tuổi (bí danh Kim Sơn) vẫn nhớ năm 1942, khi bà mới 16 tuổi. Ngày đó, dưới ách thống trị của thực dân Pháp và bọn tay sai, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn vất vả. Từ khi có anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và cán bộ về tuyên truyền giác ngộ cách mạng, người dân như được ánh Mặt Trời soi sáng, cùng đứng lên làm cách mạng. Lúc ấy, bà tham gia cách mạng với nhiệm vụ nấu cơm, đưa đường cho cán bộ. Bà chỉ biết có một anh cán bộ tên là Văn được bà con dân bản hết sức quý mến. Bà đã nhiều lần đưa cơm, dẫn đường cho anh Văn, nhưng mãi về sau mới biết anh Văn chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Được tin bác Giáp mất, bà Chủ cứ ủ rũ không chịu ăn gì, cứ đòi con cháu phải đưa về Hà Nội để thắp nén nhang kính viếng bác Giáp.
Không riêng bà Chủ, ông Tường, từ đêm hôm trước, tin bác Giáp ra đi đã khiến nhiều người dân vùng Tam Kim không cầm được nước mắt. Trong khi cán bộ xã đang họp bàn, thống nhất và xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên về việc thành lập Đoàn đi viếng bác Giáp thì nhiều cụ già tuổi cao sức yếu đã lục tục chống gậy ra trụ sở Ủy ban Nhân dân xã gặp cán bộ để xin được theo đoàn đi viếng Đại tướng. Không ai bảo ai, các cụ già đều đeo khăn trắng, thắp nhang lên bàn thờ báo cáo tổ tiên, cầu cho Đại tướng được yên giấc ngàn thu./.
Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, với khu rừng Trần Hưng Đạo, với người dân xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Trong khoảng thời gian 1941-1942, phong trào cách mạng đã phát triển rất mạnh ở các huyện Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Năm 1942, đồng chí Võ Nguyên Giáp được tổ chức cử về hoạt động tại khu vực xã Tam Lọng, Kim Mã (sau này gộp lại thành xã Tam Kim) với bí danh là Văn. Dưới sự hoạt động tích cực của đồng chí Văn, phong trào cách mạng ở đây phát triển mạnh; các đội du kích, tự vệ ra đời và hoạt động mạnh mẽ.
Trước tình hình đó, Bác Hồ đã ra chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Nhiệm vụ của Đội là dùng vũ trang để động viên, kêu gọi nhân dân đứng dậy giành chính quyền. Dưới sự tổ chức tài tình của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập vào ngày 22/12/1944.
Ngày nay, trên vùng đất lịch sử năm xưa, cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tam Kim không ngừng đổi mới. Những công trình điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư xây dựng hiện đại. Người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng giống mới, cơ giới hóa sản xuất. Năm 2012, tổng sản lượng lương thực của xã đạt gần 2.000 tấn, bình quân đầu người gần 600kg, giá trị sản xuất đạt trên 30 triệu đồng/ha.
Ông Nông Hữu Chung, Bí thư Đảng ủy xã cho biết trên 90% dân số của xã đã được dùng điện lưới quốc gia, hơn 60% dân được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 95% số hộ đã có xe máy. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nhân dân Tam Kim đã tự góp tiền xây dựng được nhiều tuyến đường bê tông liên xóm, nội vùng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sản xuất. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng với phát huy truyền thống cách mạng anh hùng, người dân Tam Kim xây dựng đời sống ngày càng ấm no hạnh phúc.
Có ngày hôm nay, nhân dân Tam Kim không quên công ơn của Đảng, Bác Hồ và Đại tướng đã lãnh đạo, dìu dắt nhân dân đấu tranh giành độc lập, tự do. Đối với Tam Kim, Đại tướng không chỉ là người lãnh đạo cao nhất của Quân đội, là vị tướng tài ba bách chiến bách thắng mà còn là một người anh cả, một thành viên ruột thịt của nhiều gia đình.
Trong thời gian hơn 3 năm hoạt động, công tác ở vùng Tam Kim, Đại tướng luôn được nhân dân yêu mến, đùm bọc, che chở. Năm 1989, được tin Đại tướng về thăm, hàng nghìn người dân Tam Kim kéo về như đi hội để được gặp, được chào Đại tướng.
Ngày nay, về Tam Kim, hầu như gia đình nào cũng có một bức ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp treo trang trọng giữa phòng khách. Khi được hỏi về Đại tướng, từ người già cho đến trẻ nhỏ, ai cũng tỏ lòng yêu kính đặc biệt.
Ông Nguyễn Tường, 83 tuổi ở xóm Nà Dủ, xã Tam Kim, mắt ngấn lệ khi nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Năm ấy, tôi 14 tuổi, chú Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và chú Đinh (Lê Thiết Hùng) vẫn thường xuyên đến xóm tuyên truyền cách mạng. Chú Văn thường lên nhà sàn, dùng ống nhòm quan sát bên kia sông để tránh lính Pháp và bọn lý trưởng. Chú Văn rất vui vẻ, lúc nào cũng hỏi thăm mọi người chu đáo. Khi ấy, tôi cũng tham gia Hội nhi đồng cứu quốc, vẫn thường giúp cán bộ đưa tài liệu. Có lần, nhận tài liệu rồi, chú Văn vỗ vai tôi và bảo “Cháu giỏi lắm, sau này lớn làm cách mạng nhé.” Sau này, khi đất nước giải phóng, tôi đã làm cán bộ huyện, có lần xuống Hà Nội họp, gặp lại Đại tướng, Đại tướng vẫn không quên tôi. Ông tiến lại gần bắt tay và nói: “Tam Lọng, Kim Mã nhỉ?” (ý nói là người ở Tam Kim nhỉ). Rồi ông ân cần hỏi thăm từng nhà trong xóm và nhắn nhủ: “Nà Dủ nhiều nước, nuôi cá thì tốt. Nhớ nuôi nhiều cá vào nhé.”
Bà Bàn Thị Chủ, lão thành cách mạng, dân tộc Dao ở xã Hoa Thám, nay đã 87 tuổi (bí danh Kim Sơn) vẫn nhớ năm 1942, khi bà mới 16 tuổi. Ngày đó, dưới ách thống trị của thực dân Pháp và bọn tay sai, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn vất vả. Từ khi có anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và cán bộ về tuyên truyền giác ngộ cách mạng, người dân như được ánh Mặt Trời soi sáng, cùng đứng lên làm cách mạng. Lúc ấy, bà tham gia cách mạng với nhiệm vụ nấu cơm, đưa đường cho cán bộ. Bà chỉ biết có một anh cán bộ tên là Văn được bà con dân bản hết sức quý mến. Bà đã nhiều lần đưa cơm, dẫn đường cho anh Văn, nhưng mãi về sau mới biết anh Văn chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Được tin bác Giáp mất, bà Chủ cứ ủ rũ không chịu ăn gì, cứ đòi con cháu phải đưa về Hà Nội để thắp nén nhang kính viếng bác Giáp.
Không riêng bà Chủ, ông Tường, từ đêm hôm trước, tin bác Giáp ra đi đã khiến nhiều người dân vùng Tam Kim không cầm được nước mắt. Trong khi cán bộ xã đang họp bàn, thống nhất và xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên về việc thành lập Đoàn đi viếng bác Giáp thì nhiều cụ già tuổi cao sức yếu đã lục tục chống gậy ra trụ sở Ủy ban Nhân dân xã gặp cán bộ để xin được theo đoàn đi viếng Đại tướng. Không ai bảo ai, các cụ già đều đeo khăn trắng, thắp nhang lên bàn thờ báo cáo tổ tiên, cầu cho Đại tướng được yên giấc ngàn thu./.
Quốc Đạt (TTXVN)