Tâm lý lo ngại về nhu cầu kéo "vàng đen" giảm giá

Ngày 13/5, giá dầu thô ngọt, nhẹ New York giao tháng 6/2011 giảm 88 xu xuống 98,09 USD/thùng trên sàn giao dịch điện tử Singapore.
Ngày 13/5, trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu thô ngọt, nhẹ New York giao tháng 6/2011 giảm 88 xu xuống 98,09 USD/thùng.

Giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng giảm 63 xu xuống 112,35 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ở cả hai hợp đồng này đều tăng trong phiên 12/5.

Theo các chuyên gia phân tích, giá dầu đi xuống trong phiên 13/5 là do nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu dầu và những thống kê kinh tế không mấy khả quan của Trung Quốc.

Mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo về tốc độ tăng của nhu cầu dầu thế giới trong năm 2011 (giảm 190.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó), do giá dầu cao và sức phục hồi yếu ở của các nước giàu. Vì thế, nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2011 ước dừng ở mức 89,2 triệu thùng/ngày.

Theo Emma Pinnock, chuyên gia phân tích thị trường tại công ty tư vấn năng lượng Inenco, giá dầu giảm sau khi thị trường "bị giáng 3 cú đánh liên tiếp" từ những thống kê kinh tế buồn của Trung Quốc, chứng khoán toàn cầu sa sút và IEA hạ dự báo về nhu cầu dầu thế giới.

Giá dầu tại các hợp đồng kỳ hạn còn phải chịu sức ép bán tháo sau khi Bộ Năng lượng Mỹ công bố báo cáo cho hay kho dự trữ dầu thô và xăng của nước này ngày một đầy lên. Đây là những dấu hiệu cho thấy nhu cầu năng lượng đang yếu đi tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhà đầu tư cũng lo ngại về nhu cầu dầu ở Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực kiềm chế lạm phát leo thang.

Phiên 13/5, tại các hợp đồng giao tháng 6/2011, giá dầu sưởi ấm tăng 3,7 xu lên 2,94 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít), trong khi giá xăng giảm 4,7 xu xuống 3,17 USD/gallon.

Trong tuần này, hầu như giá dầu chỉ loanh quanh gần mốc 100 USD/thùng, dưới sự chi phối của đồng USD. Trong một báo cáo mới công bố, Ritterbusch and Associates nhận định: giá dầu hiện vẫn duy trì mối quan hệ gắn bó với đồng USD.

Một số chuyên gia phân tích dự báo nhu cầu dầu tại các nước đang phát triển sẽ thúc đẩy sức tiêu thụ dầu trên quy mô toàn cầu. Barclays Capital nhận định: Nhìn chung, bức tranh về nhu cầu dầu của thế giới không thay đổi nhiều./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục