Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Cam kết của Mỹ với châu Á

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nhấn mạnh rằng Mỹ rất nghiêm túc về việc hợp tác với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó bao gồm Ấn Độ và ASEAN.
Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Cam kết của Mỹ với châu Á ảnh 1Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross phát biểu tại Bangkok, Thái Lan, ngày 4/11/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo bài viết đăng trên báo Jakarta Post, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các hội nghị liên quan tại Bangkok, Thái Lan, vào tháng 11/2019.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, người đã dẫn đầu các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tham gia Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lần thứ hai được tổ chức bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với châu Á thông qua Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở của Tổng thống Donald Trump khởi xướng.

[Nhìn lại thế giới năm 2019: Sự phục hồi lặng lẽ của ASEAN]

Các phương tiện truyền thông và nhiều nhà quan sát khi đó đã nhìn nhận sự vắng mặt của Tổng thống Donald Trump là bằng chứng cho sự "dao động" trong cam kết của Mỹ với khu vực châu Á, đặc biệt là ASEAN.

Trước Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35, Mỹ đã tuyên bố đình chỉ các đặc quyền thương mại trị giá 1,3 tỷ USD theo chương trình Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đối với các sản phẩm của Thái Lan.

Động thái này đã củng cố quan điểm về sự thờ ơ của Mỹ đối với Thái Lan và ASEAN, đặc biệt là khi so sánh với cam kết mạnh mẽ của Trung Quốc đối với các khu vực thông qua sáng kiến "Vành đai và con đường" (BRI).

Tuy nhiên, ông Wilbur Ross nhấn mạnh rằng Mỹ rất nghiêm túc về việc hợp tác với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó bao gồm Ấn Độ và ASEAN.

Cụ thể danh sách các giao dịch mới của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là rất nhiều, kể từ tháng 7/2018, Bộ Thương mại Mỹ đã hỗ trợ hơn 9.000 công ty của Mỹ kinh doanh tại khu vực này và tạo điều kiện cho hơn 7,65 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.

Mặt khác, Bộ Thương mại Mỹ cũng hỗ trợ hơn 2.500 công ty Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang tìm cách đầu tư vào Mỹ, tạo điều kiện cho 18 tỷ USD đầu tư vào nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Ông Wilbur Ross và các quan chức cấp cao khác của Mỹ đã nỗ lực cho thấy hình ảnh của một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được công ty tư nhân Mỹ đầu tư. Điều này trái ngược với nguồn tài chính từ các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trong BRI.

Mỹ lưu ý một bẫy nợ trong các dự án BRI của Trung Quốc, theo đó các dự án chưa minh bạch, chưa dựa vào thị trường sẽ dẫn đến hoạt động kém hiệu quả và gây ra khoản nợ lớn cho các nước tham gia BRI.

Mỹ cũng đã tổ chức lại các tổ chức của mình để thúc đẩy Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ra mắt vào năm 2018, Tổ chức tăng cường phát triển và tăng trưởng thông qua năng lượng châu Á (EDGE) là một nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm phát triển thị trường năng lượng bền vững và an toàn trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

EDGE đang tìm cách tăng cường an ninh năng lượng bằng cách tiếp cận, đa dạng hóa năng lượng và thương mại.

Tập đoàn đầu tư nước ngoài (OPIC) là một tổ chức tài chính phát triển của Chính phủ Mỹ chuẩn bị chuyển đổi thành một cơ quan mới, hiện đại hóa được gọi là Tập đoàn tài chính phát triển quốc tế Mỹ (USIDFC).

Được đầu tư gấp đôi tương đương khoảng 60 tỷ USD và các công cụ tài chính mới, USIDFC sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư vào các khu vực ưu tiên ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và mở rộng để hợp tác với các đối tác chính trong các mục tiêu chung bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng.

Adam Boehler, Giám đốc điều hành của USIDFC, cho biết Australia và Nhật Bản đã trở thành đối tác của USIDFC.

Ông hy vọng rằng Thái Lan, Malaysia và các nước ASEAN khác cũng sẽ tham gia.

Mỹ, Nhật Bản và Australia đã đưa ra khái niệm "Mạng lưới Chấm Xanh" (Blue Dot Network), với mục đích thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng trên toàn cầu bằng các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao.

Mặc dù, Tổng thống Donald Trump không tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 vừa qua, song các học giả ở Thái Lan cho rằng Chính phủ Mỹ vẫn cam kết hợp tác với Thái Lan và khu vực.

Theo Sompop Manarungsan, Chủ tịch Viện quản lý Panyapiwat, ông Ross là thành viên nội các quyền lực trong Chính quyền của Tổng thống Trump, và việc Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross đến thăm Thái Lan thể hiện cam kết mạnh mẽ của Mỹ.

Vào ngày 17/11/2019, Mỹ và Thái Lan đã ký một Hiệp ước liên minh quốc phòng mới.

Theo tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ, Hiệp ước mới giữa Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Quốc phòng Thái Lan sẽ thúc đẩy hợp tác tích cực với các đồng minh và các đối tác cùng chí hướng khác để giải quyết những thách thức an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Với một liên minh quốc phòng 65 năm qua, Mỹ và Thái Lan sẽ cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn.

Trưởng khoa Khoa học chính trị tại Đại học Ubon Ratchathani, Titipol Phakdeewanich, cũng bày tỏ sự tin rằng việc hai nước hợp tác lâu dài về quốc phòng thể hiện cam kết của Mỹ đối với Thái Lan.

Trả lời về hai sáng kiến của Trung Quốc và Mỹ, Kalin Sarasin, Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan, nói rằng các doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế hợp tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.

Tổng thống Donald Trump đã khởi xướng Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào tháng 11/2017, để chống lại ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực.

Ông cũng đã phát động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và hiện các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất vẫn đang diễn ra.

Do vậy, khi Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cần xem xét mức độ phức tạp của mối quan hệ giữa các siêu cường và tất cả các quốc gia trong khu vực sẽ phát triển như thế nào?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục