Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Sau hơn 1 năm thảo luận, lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cuối cùng đã thông qua một tài liệu vạch ra khái niệm địa chiến lược về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Các quan chức cao cấp ASEAN chụp ảnh chung trong hội nghị tại Bangkok ngày 21/6. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo trang mạng Jakarta Post/Bloomberg.com, sau hơn 1 năm thảo luận, lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cuối cùng đã thông qua một tài liệu vạch ra khái niệm địa chiến lược về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh khu vực chứng kiến sự cạnh tranh của các cường quốc lớn.

Theo Jakarta Post, tài liệu mang tên “Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” đã được thông qua tại phiên thảo luận toàn thể của hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 diễn ra tại Bangkok, Thái Lan, chiều 22/6.

Việc thông qua này được thực hiện bất chấp có những đồn đoán tuần trước cho thấy Singapore muốn có thêm thời gian để thảo luận về tài liệu này.

Trang mạng asiaone.com hôm 16/6 đưa tin Indonesia đã thể hiện sự thất vọng khi kế hoạch của Jarkarta để các nước ASEAN thông qua khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN trong tháng này ở Bangkok có thể bị trì hoãn do Singapore không ủng hộ.

Bloomberg cũng đưa tin các nước thành viên ASEAN đã bất đồng về quan điểm trong nhiều ngày trước khi bắt đầu hội nghị cấp cao ASEAN tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) từ ngày 22-23/6.

[Cạnh tranh nước lớn thách thức vai trò trung tâm của ASEAN]

Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định “Tài liệu này thể hiện tính chất trung tâm và sức mạnh của ASEAN trong việc duy trì các nguyên tắc giữ gìn hòa bình, thúc đẩy văn hóa đối thoại và tăng cường hợp tác.”

Trang mạng Bloomberg ngày 23/6 dẫn lời Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha tuyên bố tại cuộc họp báo sau hội nghị ASEAN rằng các quốc gia Đông Nam Á đã thông qua một chiến lược khu vực trong một nỗ lực nhằm bảo vệ những lợi ích của họ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sau “các cuộc thảo luận toàn diện” về vấn đề này.

Tài liệu do Indonesia đề xuất đóng vai trò là tài liệu đường hướng cho ASEAN trong quá trình can dự với các đối tác bên ngoài, trong đó có cả các siêu cường đối đầu nhau là Mỹ và Trung Quốc.

Tổng thống Indonesia cho rằng tầm nhìn này có vai trò ngày càng liên quan đến những diễn tiến trên thế giới hiện nay, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ngoài ra, đã có “quan ngại rằng cuộc chiến này sẽ phát triển thành một cuộc chiến nhiều mặt trận” có thể tác động đến an ninh và ổn định khu vực. Vốn được ấn bản ngay sau phát biểu của Thủ tướng Thái Lan, văn kiện 5 trang này có tính chất thận trọng, không nghiêng về Mỹ hoặc Trung Quốc ở hai khu vực là châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên, tài liệu này coi hai khu vực này “không phải là hai khu vực tiếp giáp mà coi là một khu vực có mối liên hệ và gắn kết chặt chẽ với nhau.”

Trong những năm gần đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu liên hệ khu vực (mà ASEAN coi là một này) là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một thuật ngữ mà giới chuyên gia cho là nhằm ngăn chặn tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Bloomberg trích đoạn tài liệu này viết “Sự trỗi dậy của các cường quốc kinh tế và quân sự đòi hỏi cần né tránh nguy cơ gia tăng sâu sắc nỗi nghi kỵ, tính toán sai lầm và các cách hành xử dựa trên nguyên tắc trò chơi có tổng bằng không.”

Bình luận trước báo giới sau hội nghị ASEAN hôm 23/6, Thủ tướng mới được bầu gần đây của Thái Lan cho rằng tài liệu này “có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh ASEAN hiện có cách tiếp cận chung về vấn đề.”

Ông Prayuth khẳng định: “Tài liệu này cũng sẽ bổ sung cho các khuôn khổ hợp tác hiện tại ở cấp độ khu vực và tiểu vùng đồng thời tạo ra những kết quả cụ thể và hữu hình đối với lợi ích của người dân khu vực,” đồng thời nhấn mạnh tài liệu này dựa trên các nguyên tắc được quốc tế thừa nhận như tin cậy và tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.

Mặc dù khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được đưa ra từ năm 2003 nhưng khái niệm này trở nên thịnh hành sau khi Tổng thống Donald Trump đưa ra tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở tại một sự kiện ở Việt Nam hồi năm 2017.

Sau Mỹ, nhiều nước đã thiết lập tầm nhìn của riêng mình đối với khu vực và phát triển khái niệm của riêng mình, từ Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ và chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do của Nhật Bản đến Sách Trắng Chính sách Ngoại giao của Australia và Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc.

Hồi đầu tháng 6, Lầu Năm Góc đã công bố Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của riêng mình trong đó tâm điểm là duy trì một khu vực “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” trước một “Trung Quốc quyết đoán” hơn.

Giới quan sát cho rằng khái niệm này nhằm kiềm chế sự bành trướng của Bắc Kinh đối với khu vực Đông Nam Á khi triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) nước này. Tuy nhiên, do có vị trí trung tâm khu vực, Indonesia lâu nay thúc đẩy ASEAN có quan điểm riêng của khối về BRI.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho rằng kiến trúc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do ASEAN dẫn đầu cần được thảo luận tại Thượng đỉnh Đông Á (EAS), bao gồm 10 nước thành viên và cả 10 nước đều có khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của riêng mình.

Nữ quan chức này cũng khẳng định Viễn cảnh ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phản ánh cái nhìn độc lập song không đóng lại khả năng hợp tác với các đối tác bên ngoài, mà sẽ là đường hướng để ASEAN tăng cường hợp tác với các đối tác trong các cuộc họp thuộc phạm vi cơ chế của ASEAN./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục