Tầm nhìn chiến lược thúc đẩy kết nối sâu rộng Á-Âu

Mối quan hệ EU-châu Á giữ vị trí vô cùng quan trọng trong hệ thống địa chính trị toàn cầu. Trước các vấn đề bất ổn toàn cầu trong thời điểm hiện tại, mối quan hệ này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.
Tầm nhìn chiến lược thúc đẩy kết nối sâu rộng Á-Âu ảnh 1(Nguồn: yelu.sg)

Ủy ban Hội đồng châu Âu và các lãnh đạo cấp cao phụ trách các vấn đề Chính trị Đối ngoại và An ninh ngày 19/9 tại Brussels (Bỉ) đã thống nhất thông qua một tuyên bố chung về tầm nhìn chiến lược cho Liên minh châu Âu (EU) với mục đích quan trọng là thúc đẩy kết nối sâu rộng giữa EU và khu vực châu Á.

Bản chiến lược này dựa trên các kinh nghiệm hợp tác giữa các nước thành viên EU và các nước khu vực châu Á nói chung và ASEAN nói riêng. Ngoài ra, chiến lược này được cho là bản chỉ dẫn và nguyên tắc chung, đặc biệt cho các hoạt động ngoại giao và thương mại giữa EU và châu Á.

Nội dung chính của chiến lược kết nối Á-Âu như sau:

Đánh giá của EU về quan hệ EU-châu Á và những nội dung chủ đạo của chiến lược Kết nối Á-Âu

Theo đánh giá của khối EU, mối quan hệ EU-châu Á giữ vị trí vô cùng quan trọng trong hệ thống địa chính trị toàn cầu. Trước các vấn đề bất ổn toàn cầu trong thời điểm hiện tại, mối quan hệ này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới.

Dân số châu Á chiếm khoảng 60% dân số toàn cầu, nhận 35% xuất khẩu của EU (618 tỷ euro). Ngược lại, EU chiếm 45% xuất khẩu từ khu vực châu Á (774 tỷ euro).

Đối với cả châu Á và châu Âu, các biến đổi mang tính chất kinh tế, chính trị và an ninh toàn cầu chính là điều kiện cần để hai bên cùng nhau hợp tác phát triển bền vững sâu rộng, đặc biệt là trong các vấn đề hợp tác tin cậy về kinh tế đối ngoại, các kênh đối thoại song phương và hợp tác an ninh toàn cầu.

[Nhìn lại thế giới năm 2018: Xu hướng tất yếu của liên kết Á-Âu]

Để tạo ra sự thay đổi trong các hợp tác cũng như tháo gỡ khó khăn chiếu theo sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu, EU và châu Á cần tiếp tục phát triển các mối kết nối có tính chất tin cậy, hiệu quả và bền vững.

Những sợi dây quan trọng này sẽ tạo ra sự phát triển kinh tế, tạo ra công ăn việc làm, cạnh tranh toàn cầu, các hoạt động thông thương, hàng hóa và dịch vụ giữa hai châu lục.

Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á, khu vực châu Á trong 10 năm tới cần đầu tư khoảng 1.300 tỷ euro vào cơ sở hạ tầng để theo kịp sự phát triển cũng như khắc phục hiệu quả vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trong khi đó, EU cũng cần số vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ euro trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2030. Do sự khác biệt về địa chính trị, xuất phát điểm kinh tế, tốc độ phát triển, mô hình kinh tế thương mại của các nước châu Á, các khung, tiêu chuẩn cần được phát triển để khuyến khích việc mở cửa thị trường, thông thương hàng hóa và dịch vụ cũng như các nguồn vốn đầu tư.

Ngoài ra, các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội cũng như các kế hoạch quản lý hiệu quả có vai trò vô cùng quan trọng để phát triển các dự án đầu tư có tính chất bền vững.

Với những lý do nêu trên, bản chiến lược kết nối Á-Âu với các chính sách cụ thể nhằm mục đích tiếp tục phát triển sâu rộng hơn mối quan hệ này đặc biệt ở các lĩnh vực mũi nhọn như giao thông, năng lượng và mạng lưới số hóa cũng như cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây cũng được cho là đóng góp cụ thể cho bản tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu vào tháng 10/2018.

Chính sách kết nối của EU nhằm phát huy hiệu quả thị trường kinh tế EU và mở rộng ảnh hưởng đối với các thị trường khác với các mục tiêu như phát triển bền vững, giảm khí thải CO2 và bảo vệ môi trường, thực hiện số hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xúc tiến đầu tư; đổi mới sáng tạo và tham gia lãnh đạo toàn cầu. Các mục tiêu trên được thực hiện nhưng phải đảm bảo được bền vững, toàn diện và dựa trên luật pháp quốc tế.

Hợp tác bền vững có nghĩa là tạo ra sản phẩm, tăng trưởng và việc làm, nhưng đồng thời chống được biến đổi khí hậu toàn cầu và ô nhiễm môi trường. Hợp tác toàn diện là tạo ra mạng lưới về nguồn lực, hàng hóa, dịch vụ và nguồn vốn, mạng lưới giao thông đường không, đường biển và cả đường bộ, mạng lưới số hóa và thông tin liên lạc, mạng lưới Internet, mạng lưới vệ tinh an toàn, mạng lưới năng lượng hóa thạch (tăng cường sử dụng khí đốt hóa lỏng), năng lượng mới tái tạo, các mạng lưới năng lượng thông minh.

Dựa trên khung luật pháp quốc tế được hiểu là việc áp dụng luật pháp và các khung quy định đối với lao động, hàng hóa, dịch vụ và các nguồn vốn đầu tư. Đặc biệt, EU tôn trọng và áp dụng các khung luật pháp, quy định và tiêu chuẩn có tính chất quốc tế. EU khuyến khích các hợp tác rộng mở, bền vững, công bằng và minh bạch.

EU phát triển kết nối với khu vực châu Á dựa trên ba sợi dây kết nối: Tạo ra các kết nối và mạng lưới Á-Âu thông qua các hành lang giao thông, gắn kết thông tin liên lạc và số hóa, hợp tác năng lượng, dịch vụ và việc làm cho người lao động các bên tham gia; Xây dựng khung, tiêu chuẩn chung cho hợp tác để đảm bảo tính bền vững, hiệu quả và minh bạch cho lực lượng lao động, sản phẩm, dịch vụ và nguồn vốn; Giải quyết các khó khăn và cản trở trong việc huy động vốn và đầu tư đặc biệt là từ phía EU.

Những nội dung xây dựng của chiến lược

Xây dựng mạng lưới giao thông: Phát triển các hành lang giao thông nối liền các quốc gia hai châu lục. Hiện tại, khoảng 70% hoạt động thông thương thực hiện qua đường biển, còn lại 20% qua đường không và đường sắt, đây là con số còn rất khiêm tốn, nhưng có nhiều tiềm năng phát triển ở tất cả các hướng.

Chủ trương chung là phát triển một mạng lưới giao thông đường bộ Trans-European Network for Transport (TEN-T) kết nối trực tiếp với mạng lưới giao thông các nước châu Á.

Đặc biệt, EU có thể hỗ trợ về kinh nghiệm, công nghệ, khoa học kỹ thuật để giúp các đối tác châu Á phát triển mạng lưới giao thông của mình, đóng góp hỗ trợ tài chính trực tiếp cũng như giúp tìm các nguồn tài chính, các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hợp lý để phát triển cơ sở hạ tầng.

Đối với giao thông đường không, EU đặc biệt chú trọng đến việc giảm thải khí CO2 thông qua các Hiệp định hàng không. Hiện tại, EU đang thương lượng với một số nước láng giềng châu Âu và các nước khu vực châu Á trong đó có khu vực ASEAN về các hiệp định này.

Đối với giao thông đường biển, EU ủng hộ các công nghệ sạch và bền vững dựa trên tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO). Để bảo vệ môi trường, EU khuyến khích sử dụng các nguồn nhiên liệu mới thân thiện môi trường cũng như việc áp dụng số hóa vào các công nghệ tàu biển và dịch vụ.

Để đẩy mạnh an ninh hàng hải, EU tiếp tục ủng hộ các hoạt động mang tính chất quốc tế thông qua IMO. Về giao thông đường bộ, EU tăng cường thực hiện TEN-T với các nước khu vực Balkan và Đông Âu.

Mạng lưới giao thông EU-Trung Quốc đã phát triển mạnh ở một số hướng, nhưng do những khó khăn, cạnh tranh và cản trở có tính kinh tế lâu dài, mạng lưới này cần phải được xem xét lại.

EU đang tiếp tục ủng hộ các sáng kiến xây dựng luật đường sắt của Ủy ban Kinh tế Liên hiệp quốc cho khu vực châu Âu (UNECE) để có một khung tiêu chuẩn chung cho việc vận chuyển hàng hóa an toàn giữa khu vực châu Á và châu Âu.

Ngoài ra, EU cũng hợp tác chặt chẽ với các tổ chức đường sắt quốc tế để mở rộng các ứng dụng công nghệ, tiêu chuẩn an toàn, quản lý đường sắt theo tiêu chuẩn của châu Âu.

Kết nối số hóa và thông tin liên lạc: Đối với EU, việc phát triển các mạng lưới truyền thông với khả năng kết nối cao là rất quan trọng. Đối với khu vực châu Á, EU thúc đẩy môi trường kết nối ICT với tính chất mở và an toàn, trong khi vẫn đảm bảo các điều kiện, luật an ninh mạng, đảm bảo thông tin cá nhân cũng như tự do hòa mạng. Ngoài ra khối EU đang theo đuổi chiến lược Số hóa vì phát triển Digital4Development Strategy tại châu Á để quảng bá công nghệ số hóa và dịch vụ của các nước tiên tiến đi đầu EU về lĩnh vực này.

Kết nối con người với con người: Các kết nối giữa sinh viên, trí thức và các nhà nghiên cứu được coi là yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Kể từ năm 2014 đến nay, EU đã tài trợ cho khoảng 18.000 sinh viên, nghiên cứu sinh ở các nước châu Á.

EU tiếp tục thúc đẩy các hoạt động trao đổi nghiên cứu và học thuật với các nước châu Á thông qua chương trình Erasmus, hoạt động Marie Sklodowska Curie, các hoạt động ngoại giao, trao đổi giữa các khu vực dành cho các các nhà nghiên cứu.

Đặc biệt, EU sẽ chú trọng hơn các hợp tác giữa các thành phố và các vùng miền với nhau của các nước khu vực châu Á và châu Âu. Ngoài ra, thúc đẩy hơn các trao đổi về văn hóa, nghệ thuật và thể thao.

Xây dựng các mối quan hệ song phương: EU là đối tác phát triển và đầu tư chính của nhiều quốc gia châu Á. Các kênh đối thoại phát triển để giải quyết các vấn đề đầu tư và kết nối bền vững sẽ chú trọng hơn đến các nước thứ ba.

EU và các đối tác châu Á cần làm việc tốt và hiệu quả hơn để tạo ra một môi trường pháp lý, quản lý các nguồn tài chính và huy động các nguồn lực và lao động. EU sẽ thúc đẩy các hỗ trợ về kỹ thuật và khoa học công nghệ, khả năng quản lý điều hành để phát triển hiệu quả các dự án liên kết, các chính sách pháp lý có tính chất quốc tế.

Các mối quan hệ song phương sẽ được thiết lập trong nhiều trường hợp đặc biệt. EU sẽ tiếp tục đẩy mạnh các mối quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc trên cơ sở thị trường rộng mở dựa trên khung và tiêu chuẩn quốc tế.

EU kết hợp chặt chẽ với Nhật Bản để nâng cao các tiêu chuẩn quốc tế cũng như mối quan hệ vùng miền và khu vực tại châu Á, ví dụ thông qua kênh trao đổi về giao thông EU-Nhật Bản. Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, EU tiếp tục đẩy mạnh kênh trao đổi về giao thông với Singapore đã được mở ra từ năm 2011.

Về việc xây dựng các mối quan hệ khu vực-vùng miền, dựa trên kinh nghiệm và mô hình hợp tác với khu vực Biển Baltic, các quốc gia và tổ chức tài chính quốc tế, EU muốn áp dụng mô hình này để phát triển các hình thức kết nối có tính khu vực với các nước châu Á.

Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) được EU coi là một diễn đàn vô cùng quan trọng để đẩy mạnh hợp tác với các đối tác nòng cốt tại khu vực châu Á. EU sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hợp tác với các nước khu vực ASEAN, đặc biệt thực hiện chiến lược của EU với ASEAN 2015 cũng như khu vực Trung Á.

Xây dựng mạng lưới quan hệ đa phương: Phát triển các mối quan hệ quốc tế có tính chất đa phương, phát triển bền vững được cho là nhiệm vụ trọng tâm của khối EU.

Các tổ chức quốc tế có thể phát triển các hiệp định và tiêu chuẩn quốc tế để có thể giải quyết các vấn đề quốc tế như biến đổi khí hậu toàn cầu và sự khác biệt về môi trường đầu tư và hợp tác. Qua đây, EU muốn quảng bá việc mở rộng thị trường, tạo ra một môi trường hợp tác kinh doanh tự do và công bằng để tăng cường khả năng tương tác giữa các mạng lưới thương mại.

EU hợp tác mạnh mẽ với tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế và châu Âu để có thể giảm bớt các chênh lệch về kỹ thuật và tiêu chuẩn với các nước châu Á.

Về vấn đề đầu tư: EU cho rằng các nước nghèo cần nhiều đầu tư vào cơ sở hạ tầng để phục vụ cho sự phát triển. Theo đánh giá của Ngân Hàng Thế giới (WB), trung bình các nước này cần chi khoảng 12,5% GDP cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hiện nay vẫn thiếu khoảng 7,5% GDP.

Với lý do trên, EU đang tìm cách tháo gỡ sự thiếu hụt đầu tư này bắt đầu với các hình thức huy động vốn tốt hơn, các mô hình định giá bền vững để phục vụ cho cơ sở hạ tầng khu vực châu Á.

Cụ thể: (i) Tiếp tục đẩy mạnh vận động các nguồn đầu tư liên quan đến các kết nối Á-Âu thông qua các hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đơn giản hóa việc vay vốn thông qua sự hiện diện của các ngân hàng châu Âu như Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) và các ngân hàng quốc gia của các nước thành viên EU; (2) Xây dựng nền móng cho sự hợp tác đầu tư với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB); (3) Xây dựng một ban cố vấn chiến lược và kinh doanh cho các kết nối Á-Âu.

Dư luận về chiến lược “Kết nối Á-Âu” của EU

Ngày 27/9, trong chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, tại Brussel, Nhật Bản và EU đã ký một thỏa thuận hỗ trợ lẫn nhau xây dựng “cơ sở hạ tầng chất lượng” nằm trong chương trình kết nối Á-Âu. Chương trình nhằm tăng cường quan hệ EU-Nhật Bản đồng thời xây dựng một tiêu chuẩn phát triển toàn cầu.

Tờ báo ngày Thế giới Trẻ của Đức đánh giá rằng thỏa thuận giữa Chủ tịch Ủy ban EU Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Shinzo Abe nhằm lấp đi lỗ hổng về vị trí lãnh đạo khi Tổng thống Mỹ Donald Trump không coi trọng chính sách đa phương cũng như nhằm cân bằng với những nỗ lực của Trung Quốc trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI).

Thông qua Chương trình chiến lược “Kết nối Á-Âu,” châu Âu muốn đóng vai trò lớn hơn trong việc xây dựng và kiểm soát cơ sở hạ tầng cho thương mại giữa châu Âu và châu Á, ngoài lĩnh vực giao thông thì các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ là những thế mạnh của EU. Mặc dù, Nhật Bản và EU chưa có các cam kết cụ thể về tài chính nhưng các dự án đã bắt đầu hình thành.

Trung Quốc nằm trong khu vực châu Á, nhưng nước này không được đề cập một cách rõ ràng, trong khi đó các ràng buộc về thủ tục mua sắm minh bạch, bền vững về sinh thái và tài chính, cơ sở hạ tầng không phụ thuộc vào một quốc gia nào là những biện pháp nhắm đến Trung Quốc.

Vì “Con đường tơ lụa” mà Trung Quốc dự định xây dựng được đánh giá là thiếu những tiêu chuẩn như của EU. Theo đó, các dự án được thực hiện vì mục đích chính trị bất chấp sự mất cân bằng sinh thái, thiếu tính bền vững, phá hủy môi trường, không minh bạch về tài chính (các nước được Trung Quốc viện trợ trở thành con nợ) khiến các nước mà con đường này đi qua trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc. Điều này đã và đang đem lại những hệ lụy, rủi ro lớn cho sự ổn định an ninh của các khu vực, trong đó có EU.

Với tham vọng xây dựng gần 5.000km đường bộ và đường sắt, 6 cảng và 11 trung tâm hậu cần cho thấy những ý định của EU và Nhật Bản trong việc cạnh tranh với BRI và tham gia vào vai trò “lãnh đạo ở cấp độ toàn cầu” trong thời gian tới.

Trong thời gian qua, quan hệ Á-Âu là rất yếu, mặc dù đã có ASEM nhưng các kế hoạch đưa ra rất thiếu thực chất. Châu Âu gần đây chủ yếu tập trung vào những mối quan ngại về an ninh trong khu vực. Mặc dù sức mạnh kinh tế của EU là rất lớn nhưng EU chưa bao giờ sử dụng lợi thế này một cách có chiến lược.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã phát huy được thế mạnh, sử dụng BRI làm phương tiện để mở rộng ảnh hưởng từ châu Phi, Trung Đông, Trung Á, Mỹ Latinh. Đến nay, các khoản chi nằm trong BRI đã đạt tới hàng nghìn tỷ USD và sáng kiến này đã được hơn 150 quốc gia và các tổ chức quốc tế công nhận.

Nhật Bản cũng đã nỗ lực cân bằng với Trung Quốc bằng những dự án cụ thể như Sáng kiến Đầu tư chất lượng cao. Nhật Bản cũng phát triển các mối quan hệ với Mỹ và Australia để đối trọng với Trung Quốc. Sự tham gia của EU với Nhật Bản cũng nhằm tiếp sức cho Tokyo tiếp tục nỗ lực nói trên.

Theo phân tích của Tạp chí tài chính Đức, kế hoạch hợp tác giữa EU và Nhật Bản sẽ đối mặt với nhiều thách thức, cụ thể như khó khăn trong việc cấp vốn các dự án nhất là khi ảnh hưởng của Trung Quốc đang lan ra khắp thế giới do Bắc Kinh sẵn sàng hào phóng chi tiền cho các dự án phát triển.

Bên cạnh đó, Nhật Bản và EU cần kiên định với các nguyên tắc đã đề ra vì những tiêu chí mà EU đưa ra được coi là sự khác biệt với chiến lược của Trung Quốc. Nếu không thực hiện được thì sẽ bị coi là sáo rỗng và mất giá trị của phương Tây.

Mặt khác, EU cần giải quyết mối quan hệ với Trung Quốc, bởi các quốc gia đang có xu hướng định hình chính sách ngoại giao cân bằng hơn. Đây là một nhu cầu cấp thiết của các nước vì Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành một cuộc Chiến tranh lạnh công nghệ cao.

Nhật Bản hiện chưa đưa ra được một chiến lược tập trung tương tự như EU và nước này cần tiếp tục điều chỉnh chính sách của mình, trong khi chính Tokyo cũng vừa phải hợp tác, vừa phải cạnh tranh với Bắc Kinh ở một số lĩnh vực then chốt.

Nguồn tài chính của EU cũng đang có xu hướng tụt dốc do tình hình suy thoái ở khu vực này. Tại Đông Nam Á, Nhật Bản vẫn là nước cho vay lớn nhất đối với các dự án ở khu vực này, số tiền tài trợ cho các dự án là 367 tỷ USD, trong khi Trung Quốc là 225 tỷ USD. Nhưng cách tiếp cận của Nhật Bản đã thất bại ở ba điểm, đó là họ không mở rộng đầy đủ sang châu Phi, không xây dựng được một thương hiệu mang tầm quốc tế như BRI và không theo đuổi đủ sâu những giá trị mà Nhật Bản cam kết. Giờ đây châu Âu sẽ hỗ trợ Nhật Bản với những giá trị cao hơn hẳn để cạnh tranh nghiêm túc với Trung Quốc.

Có thể nói, chiến lược Kết nối Á-Âu của EU ra mắt ngày 19/9 là bước đi rất nhanh của khối này sau khi Định hướng chính sách trong quan hệ của EU với Trung Quốc được công bố vào tháng 6/2019 trong đó nổi bật là EU coi Trung Quốc vừa là đối tác vừa là đối thủ mang tính hệ thống.

Kết nối Á-Âu đã thể hiện sự coi trọng vị trí, vai trò của châu Á, ASEAN trong tầm nhìn chiến lược của khối này để điều chỉnh chính sách đối ngoại đối với các khu vực nhằm duy trì và phát huy vị thế của EU hơn nữa trên trường quốc tế sau một thời gian châu Âu bị phân tán và chia rẽ bởi những khủng hoảng của khối.

Kết nối Á-Âu là một chiến lược rất tích cực, có giá trị lớn đối với các nước ASEAN vì cơ chế này sẽ giúp cân bằng những mặt tiêu cực đã được kiểm chứng ở nhiều nước của các dự án nằm trong sáng kiến BRI của Trung Quốc.

Đồng thời, chiến lược này cam kết mang lại những giá trị phát triển bền vững, có chất lượng, ở trình độ công nghệ cao, tránh sự phụ thuộc quá mức vào một quốc gia, đồng thời giảm tải sức ép đối ngoại trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng kéo dài.

Đặc biệt, EU và Nhật Bản có đường lối đối ngoại đa phương, bảo vệ chủ nghĩa đa phương và quan hệ hợp tác quốc tế, cân bằng với chính sách cực đoan của Mỹ. ASEAN cần nghiên cứu chiến lược này của EU để thúc đẩy các dự án giữa EU và ASEAN trong năm tới, trong bối cảnh EU đã có chiến lược và ngân sách dành cho những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển ở các nước châu Á./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục