Tận dụng cơ cấu dân số vàng để phát triển quỹ hưu trí tự nguyện

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện với chế độ đóng hưởng rất linh hoạt đang được đánh giá là một giải pháp giúp giảm gánh nặng của quỹ bảo hiểm xã hội, tăng an sinh xã hội cho người dân.
Tận dụng cơ cấu dân số vàng để phát triển quỹ hưu trí tự nguyện ảnh 1Chỉ 20% số người già đang hưởng lương hưu. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 30/7, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp và Công ty Bảo hiểm nhân thọ PVI Sun Life đã tổ chức hội thảo “Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: Cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động” để làm rõ thêm về hình thức bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Bảo hiểm hưu trí tự nguyện được đánh giá là một trong nhiều giải pháp giúp giảm gánh nặng của quỹ bảo hiểm xã hội, tăng an sinh xã hội cho người dân.

Việt Nam đang có quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh chóng, từ kinh nghiệm quốc tế đưa ra để xử lý vấn đề này thì có một giải pháp chính là hệ thống hưu trí đa tầng bao gồm 5 tầng: Tầng không đóng góp và nguồn 100% từ ngân sách nhà nước, tầng hưu trí cơ bản, hưu trí nghề nghiệp, hưu trí cá nhân, tầng tiết kiệm cá nhân.

Theo ông Phạm Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, đối với đại đa số người lao động Việt Nam, hưu trí cơ bản (bảo hiểm xã hội hiện nay) là nguồn thu nhập duy nhất, trong khi đó, ở hầu hết các nước, hưu trí cơ bản không được coi là nguồn thu nhập hưu trí duy nhất. Hưu trí cơ bản chiếm 60% tổng thu nhập người nghỉ hưu ở Thái Lan, chiếm 20-25% ở Pháp và 58% ở Mỹ.

Ông Phạm Trường Giang cũng nhận định, đây là thời điểm tốt nhất để thực hiện bảo hiểm hưu trí tự nguyện bởi Việt Nam đang có cơ cấu “dân số vàng”, với lực lượng lao động hơn 58% dân số, đến 2020, con số này là gần 62%. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng để thực hiện hưu trí tự nguyện đã sẵn sàng với 46 công ty quản lý quỹ, 9 ngân hàng có chức năng giám sát, các tập đoàn, doanh nghiệp bảo hiểm.

“Mức lương hưu hiện nay là thấp, bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Do đó, hưu trí tự nguyện được thực hiện càng sớm càng tốt vì việc trì hoãn sẽ làm cho việc đảm bảo cuộc sống người nghỉ hưu khó khăn hơn,” ông Phạm Trường Giang khẳng định.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư kí Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, hiện tại số người được hưởng hưu trí chỉ chiếm khoảng 20% số người già. Mặt khác, lương hưu trí không cao, nhiều thời điểm không đáp ứng đủ nhu cầu của người hưu trí bởi lạm phát. Do đó, việc ra đời của bảo hiểm hưu trí tự nguyện được xem như là cú hích trên thị trường bảo hiểm.

Theo ông Phùng Đắc Lộc đánh giá hưu trí tự nguyện là sản phẩm bảo hiểm có mức độ minh bạch thông tin cao, thể hiện ở việc số tiền đã đóng được theo dõi riêng vào tài khoản của người được bảo hiểm, lãi suất từ số tiền đóng bảo hiểm được công bố rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Hình thức chi trả của quỹ hưu trí tự nguyện cũng rất linh hoạt.

Cung cấp thêm những thông tin về sản phẩm hưu trí tự nguyện, ông Phạm Anh Đức, Chủ tịch hội đồng thành viên PVI Sun Life cho biết, chương trình hưu trí tự nguyện có 2 giai đoạn chính, đầu tiên là giai đoạn tích lũy trước tuổi về hưu. Trong giai đoạn này, các khoản đóng góp sẽ được chuyển vào tài khoản hưu trí cá nhân, người tham gia sẽ được hưởng quyền lợi lãi tích lũy trên giá trị tài khoản của mình.

Khi đến tuổi về hưu, chương trình chuyển sang giai đoạn chi trả. Người tham gia lúc này sẽ được nhận quyền lợi hưu trí theo lựa chọn hàng tháng, quý, năm theo nhu cầu tài chính của mình. Tài khoản hưu trí cá nhân lúc này vẫn tiếp tục được sinh lãi hàng tháng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục