Tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các thiết bị bảo hộ y tế

Để tận dụng được cơ hội xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin thị trường nhập khẩu, nhu cầu về số lượng và cả tiêu chuẩn nhập khẩu trong lĩnh vực này.
Tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu các thiết bị bảo hộ y tế ảnh 1Sản xuất khẩu trang kháng khuẩn tại một đơn vị thành viên của Vinatex. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Nhu cầu nhập khẩu thiết bị bảo hộ y tế của nhiều nước trên thế giới đang tăng cao do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng bảo hộ y tế, doanh nghiệp cần nắm vững các yêu cầu của thị trường nhập khẩu.

Đây là nội dung được các chuyên gia nhấn mạnh tại Tọa đàm: Những vấn đề cần lưu ý khi xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 3/6.

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC thông tin, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới đã gây thiệt hại không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại trên toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, một số ngành hàng vẫn có cơ hội tăng trưởng tốt nhờ nhu cầu sử dụng gia tăng đột biến, đặc biệt là thiết bị bảo hộ y tế.

Cụ thể, hiện nay nhu cầu nhập khẩu khẩu trang, đồ bảo hộ, găng tay y tế của EU, Mỹ và nhiều quốc gia khác đang rất cao trong khi khả năng cung ứng của thị trường đang thấp do nhiều nhà máy phải đóng cửa để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Đạt được những kết quả khả quan trong việc khống chế sự lây lan và điều trị cho nhiều bệnh nhân nhiễm COVID -19, Việt Nam đã sớm chuyển sang giai đoạn khôi phục kinh tế, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

[Tổng cục Hải quan: Việt Nam xuất khẩu gần 416 triệu khẩu trang]

Ngay cả trong thời gian gặp khó khăn về xuất khẩu các mặt hàng sở trường, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may, cao su-nhựa cũng đã thích ứng bằng cách chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng chống dịch, nhờ đó duy trì được hoạt động sản xuất-kinh doanh và giữ được việc làm cho người lao động qua mùa dịch.

Theo bà Vân, khi thị trường thiết bị bảo hộ y tế trong nước đã được lấp đầy còn nhu cầu của các nước khác tăng cao thì mục tiêu của doanh nghiệp là xuất khẩu. Tuy nhiên, đây là nhóm hàng hóa đặc biệt, liên quan đến các tiêu chuẩn về y tế nên không ít doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường, đặc biệt là Mỹ và EU.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trần Khánh Hoàng, Giám đốc điều hành Super Cargo Service chia sẻ, cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế đang rất lớn, một mặt do nhu cầu sử dụng cấp bách tăng đột biến, mặt khác doanh nghiệp Việt Nam đang có có lợi thế được nhiều thị trường áp dụng ưu đãi thuế nhập khẩu so với hàng cùng chủng loại của các nước khác.

Tuy nhiên khó khăn mà hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế đang gặp phải hiện nay là thiếu chứng từ và các giấy chứng nhận, không nắm rõ quy trình nhập khẩu của thị trường đến, thiếu phương tiện vận chuyển và giá thành vận chuyển cao.

Cụ thể, từ trước đến nay doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ, EU, Australia…các mặt hàng tiêu dùng thông dụng, chưa có kinh nghiệm trong xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế nên không nắm rõ các yêu cầu về chứng từ, chứng nhân tiêu chuẩn của các nước này đối với mặt hàng sử dụng trong lĩnh vực y tế, dẫn đến trường hợp khi ký hợp đồng xuất khẩu, vận chuyển hàng đi không chuẩn bị đủ các chứng từ cần thiết.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch, hoạt động vận tải ở nhiều khu vực bị gián đoạn khiến doanh nghiệp không tìm được phương tiện vận chuyển hoặc nếu có phương tiện thì chi phí vận chuyển rất cao.

Hiện tại, trung bình giá cước vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến Mỹ theo đường hàng không là trên 10 USD/kg.

Theo ông Nguyễn Trần Khánh Hoàng, giá cước vận chuyển cao, trong khi doanh nghiệp không nắm rõ yêu cầu về chứng từ, không nắm rõ quy trình nhập khẩu của thị trường sẽ dẫn đến nguy cơ rủi ro rất lớn.

Trong trường hợp hàng vận chuyển đến cảng nhưng không thông quan được thì doanh nghiệp buộc phải đưa hàng về, chi phí vận chuyển sẽ tăng gấp đôi trong khi hàng hóa không bán được, thiệt hại kinh tế là rất lớn.

Bà Phạm Thi Hoàng Oanh, Giám đốc điều hành Indochine Vina cho rằng, để tận dụng được cơ hội xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu tất cả thông tin liên quan đến thị trường nhập khẩu, không chỉ là nhu cầu về số lượng mà bao gồm cả các tiêu chuẩn áp dụng cho mặt hàng liên quan đến lĩnh vực y tế cũng như quy trình nhập khẩu để tuân thủ, từ đó quá trình thông quan sẽ thuận lợi.

“Đối với vấn đề vận chuyển, doanh nghiệp cần tính toán thời điểm giao hàng để lựa chọn phương thức vận chuyển phù hợp. Bên cạnh đó, cần lưu ý công đoạn đóng gói, sắp xếp hàng hóa, đặc biệt là hàng vận chuyển bằng đường hàng không để tiết kiệm không gian và khối lượng, từ đó cắt giảm chi phí vận chuyển, giảm giá thành bán ra, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm,” bà Phạm Thi Hoàng Oanh khuyến nghị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục