Tân Hoa xã chọn 10 sự kiện nổi bật thế giới 2010

Động đất ở Haiti, sự cố tràn dầu ở Vịnh Mexico, khủng hoảng nợ công châu Âu, căng thẳng ở Đông Bắc Á đều nằm trong 10 sự kiện nổi bật.
Ngày 30/12, Tân Hoa xã công bố 10 sự kiện nổi bật thế giới trong năm 2010 do hãng này bình chọn.

1. Thỏa thuận tự do thương mại ASEAN-Trung Quốc (CAFTA) bắt đầu có hiệu lực

Từ ngày 1/1/2010, khu vực tự do thương mại ASEAN-Trung Quốc bắt đầu hoạt động. Với dân số 1,9 tỷ người, doanh số thương mại ước tính đạt 4.500 tỷ USD trong năm 2010 và tổng sản phẩm quốc nội đạt 6.000 tỷ USD, khu vực tự do thương mại ASEAN-Trung Quốc là FTA lớn nhất trong số các FTA của các nước đang phát triển.

Việc thành lập CAFTA được đánh giá là cột mốc quan trọng trong việc phát triển quan hệ ASEAN-Trung Quốc.

2. Động đất mạnh tàn phá Haiti

Trận động đất mạnh 7,3 độ Richter xảy ra tại Haiti ngày 12/1 làm hơn 200.000 người thiệt mạng, phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng của nước này, khiến 1,3 triệu người mất nhà cửa. Đây là thiên tai lớn nhất ở Haiti trong vòng 200 năm qua.

Người dân quốc gia này còn phải đối mặt với dịch tả lan rộng, bùng nổ từ tháng 10, đến nay đã khiến gần 2.600 người tử vong và hơn 120.000 người nhiễm bệnh.

3. Căng thẳng tiếp diễn ở khu vực Đông Bắc Á

Tình hình căng thẳng khu vực Đông Bắc Á tiếp tục là một chủ đề nóng trong năm 2010 với vụ việc đầu tiên xảy ra ngày 26/3 khi tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc bị chìm ở ngoài khơi bờ biển phía Tây Bán đảo Triều Tiên, làm 46 thủy thủ thiệt mạng.

Hàn Quốc và một số quốc gia phương Tây cáo buộc tàu bị tấn công bằng ngư lôi của Triều Tiên, song Bình Nhưỡng đã bác bỏ cáo buộc này.

4. Tro bụi núi lửa làm tê liệt hoạt động hàng không châu Âu

Ngọn núi lửa ở miền Nam Iceland hoạt động vào ngày 14/4 đã phun hàng nghìn m3 tro bụi vào không khí, khiến hoạt động hàng không trên toàn châu Âu bị tê liệt, gây ra cảnh hỗn loạn, ùn tắc tại nhiều sân bay trên khắp thế giới.

Các hãng hàng không của nhiều nước châu Âu đã phải hủy bỏ tổng cộng khoảng 100.000 chuyến bay, thiệt hại kinh tế ước tính lên tới hàng tỷ euro.

5. Nổ giàn khoan dầu ở Vịnh Mexico gây thảm họa sinh thái

Ngày 20/4, một vụ nổ đã nhấn chìm một giàn khoan dầu của hãng BP ở Vịnh Mexico, ngoài khơi bang Lousiana, Mỹ, làm 11 công nhân thiệt mạng và hơn bốn triệu thùng dầu tràn ra biển.

Đây là vụ tràn dầu lớn nhất lịch sử nước Mỹ, gây thiệt hại vô cùng lớn đối với hệ sinh thái Vịnh Mexico. Hãng BP phải mất tới năm tháng mới khắc phục được sự cố này.

6. Các nền kinh tế mới nổi đóng vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế thế giới

Ngân hàng Thế giới (WB) tăng quyền bỏ phiếu tại thể chế này cho các nền kinh tế mới nổi thêm 3,13%, lên 47,19%.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiến hành một số cải tổ mang tính lịch sử, theo đó đến năm 2012 sẽ chuyển 6% quyền bỏ phiếu trong cơ quan này của các nền kinh tế phát triển sang các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

7. Khủng hoảng nợ công lan rộng ở châu Âu

Cuộc khủng hoảng nợ công bùng nổ vào cuối năm 2009 tại Hy Lạp đã lan sang các nước khác trong khu vực đồng euro trong năm 2010, đe dọa sự ổn định của đồng euro và sự phục hồi kinh tế của khu vực.

Nhiều quốc gia châu Âu đã phải tiến hành các biện pháp "thắt lưng buộc bụng," gây ra làn sóng bất bình trong dân chúng.

8. Các nhà khoa học Mỹ lần đầu tiên phát triển được sinh thể đơn bào nhân tạo

Nhà khoa học Mỹ Craig Venter và các đồng nghiệp đã thành công trong việc tạo ra một đơn bào vi khuẩn, hình thức đầu tiên của sự sống, hoàn toàn từ ADN nhân tạo.

Thành tựu này được xem là bước then chốt tiến tới tạo ra các sinh vật sống đơn giản, góp phần thúc đẩy nghiên cứu kỹ thuật tổng hợp nhiên liệu sinh học và mở ra kỷ nguyên mới cho công nghệ gen.

9. Cuộc giải cứu các thợ mỏ Chile sau 69 ngày bị mắc kẹt dưới lòng đất

Ngày 5/8, một mỏ khai thác vàng và đồng ở sa mạc phía Bắc của Chile bị sập, khiến 33 thợ mỏ bị mắc kẹt trong một hầm ngầm sâu gần 700m.

Nhờ nỗ lực cứu hộ của Chính phủ Chile, sự trợ giúp của quốc tế cũng như sự dũng cảm của các thợ mỏ, tất cả 33 người đã được đưa lên mặt đất an toàn vào ngày 13/10. Đây được coi là một kỳ tích.

10. Mỹ thực thi chính sách "Nới lỏng định lượng tiền tệ"

Ngày 3/11, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã nhất trí bơm 600 tỷ USD vào nền kinh tế, nhằm duy trì sự phục hồi mong manh và giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao.

Động thái này được ví như chính sách "Nới lỏng định lượng tiền tệ" nhằm kích thích kinh tế tăng trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục