Tăng cường an ninh tại các bệnh viện, cảnh giác trộm cắp, lừa đảo

Tại Hội nghị “Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện, bảo vệ nhân viên y tế,” nhiều giải pháp thiết thực, góp phần giải quyết triệt để tình trạng mất an toàn, an ninh tại các cơ sở y tế đã được nêu ra.
Tăng cường an ninh tại các bệnh viện, cảnh giác trộm cắp, lừa đảo ảnh 1Nườm nượp bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: TTXVN)

Việc bảo đảm an ninh, an toàn cho người bệnh và người nhà người bệnh, nhân viên y tế luôn được Bộ Y tế, ngành y tế và toàn xã hội đặc biệt quan tâm để góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Tại Hội nghị “Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện, bảo vệ nhân viên y tế” do Bộ Y tế tổ chức ngày 7/4 tại Hà Nội, đại diện Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các sở y tế tỉnh, thành phố và đại diện các bệnh viện đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, góp phần giải quyết triệt để tình trạng mất an toàn, an ninh tại các cơ sở y tế.

Thiết lập đường dây nóng từ bệnh viện đến công an cơ sở

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) Phạm Văn Tám cho rằng, để tăng cường đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện, việc đầu tiên các cơ sở y tế cần hoàn thiện cơ sở vật chất liên quan đến các trang thiết bị đảm bảo an ninh như camera, cổng kiểm soát người ra vào, thẻ thăm khám, hàng rào cách ly, các bảng hướng dẫn chi tiết về giờ thăm gặp…; cần dán các thông báo nhắc nhở tinh thần cảnh giác của bệnh nhân và người nhà trước thủ đoạn của các đối tượng, dán ảnh các đối tượng trộm cắp, móc túi, lừa đảo thường xuyên xuất hiện tại các bệnh viện.

Bệnh viện cần phối hợp với chính quyền địa phương, công an sở tại để đảm bảo an ninh trật tự khu vực xung quanh bệnh viện. Các bệnh viện cần lựa chọn các nhân viên bảo vệ của các công ty có trình độ, chuyên môn chuyên nghiệp, có khả năng ứng phó với các tình huống thường xảy ra tại các bệnh viện; có kế hoạch kiểm tra khả năng ứng phó tình huống và công tác đảm bảo cho sự an toàn của bệnh viện của các nhân viên này.

Bệnh viện cần trang bị đường dây nóng với dành cho các bệnh nhân, người nhà kịp thời phản ảnh những bất cập, bức xúc trong quá trình khám chữa bệnh tại bệnh viện nhằm giảm tải tác động tâm lý tiêu cực. Đồng thời thiết lập đường dây nóng trực tiếp từ bệnh viện đến cơ quan công an cơ sở để kịp thời thông báo các tình huống khẩn cấp liên quan đến an ninh trật tự để có phương án giải quyết nhanh chóng, an toàn.

Đối với các bệnh viện lớn, có lượng người đến đông, trong khi chuyên môn của các nhân viên bảo vệ không đáp ứng được yêu cầu, các bệnh viện nên có trao đổi, phối hợp với cơ quan công an sở tại để cắt cử cán bộ tuần tra, bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện. Bệnh viện phối với với lực lượng công an tập huấn, nâng cao trình độ bảo vệ, phản ứng nhanh với các tình huống gây rối, đánh nhau, hành hung tại các bệnh viện và cơ sở y tế; kịp thời báo cho lực lượng Công an những tình huống khám chữa bệnh nghi vấn do đâm chém, đánh nhau để có biện pháp điều tra, phòng ngừa.

Các cơ sở y tế thử nghiệm, triển khai mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về an ninh trật tự tại các bệnh viện; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, y bác sĩ, cán bộ nhân viên bệnh viện và bệnh nhân nâng cao ý thức bảo vệ an ninh trật tự tại bệnh viện, phòng chống tội phạm, cháy nổ và các hành vi tiêu cực trong bệnh viện.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Bà Đinh Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống AIDS và tệ nạn xã hội (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), để giải quyết tận gốc vấn đề này, trước tiên, Bộ Y tế cần có giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức chung của toàn xã hội về sự cần thiết của việc đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế. Các bệnh viện cần chú trọng tuyên truyền cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân luôn cảnh giác với người lạ, kể cả với người mặc áo nhân viên bệnh viện nhưng có những hành vi bất thường. Cán bộ, nhân viên bệnh viện thường xuyên lưu tâm đến việc này với tinh thần mỗi người là một bảo vệ viên, đóng góp tích cực cho việc đảm bảo an ninh, trật tự trong bệnh viện.

Để các bệnh viện tập trung nhiều hơn nữa cho công tác đảm bảo an ninh bệnh viện, Bộ Y tế cần đưa nội dung về an ninh trật tự bệnh viện là một trong các tiêu chí về đánh giá chất lượng của bệnh viện. Các bệnh viện cần chú trọng đầu tư nhiều hơn nữa cho việc phổ biến, giáo dục nhân viên y tế về nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người bệnh, người nhà người bệnh và kỹ năng phát hiện, xử lý trước các tình huống và nguy cơ bất trắc xảy ra… Từ việc phục vụ tốt và chủ động phát hiện sớm các nguy cơ về mất an toàn, công tác an ninh, trật tự sẽ được đảm bảo tốt hơn.

Các bệnh viện cần phối hợp với cơ quan công an địa phương xây dựng quy chế phối hợp giữa bệnh viện và công an trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện; cùng với lực lượng công an tăng cường tuyên truyền về âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu để bệnh nhân và người nhà, cũng như cán bộ nhân viên y tế nâng cao ý thức cảnh giác. Đồng thời, cần tăng cường rà soát và củng cố toàn bộ khuôn viên, tường rào, kiểm soát các lối ra, vào của bệnh viện.

Bên cạnh đó, cần xem xét lắp đặt hệ thống camera an ninh, hệ thống báo động khẩn cấp, trang bị khóa từ ở các khoa có nguy cơ mất an ninh cao như khu vực khoa khám bệnh, khoa cấp cứu, khoa ngoại, khoa hồi sức tích cực và một số khoa, phòng khác trong bệnh viện. Cần nhân rộng mô hình bệnh viện cảnh báo người bệnh đề phòng trộm cắp, cò mồi bằng cách ghi biển báo, đọc loa phát thanh, dán ảnh những đối tượng trộm cắp từng bị xử lý để người bệnh, người nhà bệnh nhân biết…

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ chỉ đạo Công đoàn Y tế Việt Nam, các cấp công đoàn ngành tăng cường phối hợp với chuyên môn đồng cấp để tham gia nhiều hơn nữa vào việc góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trong bệnh viện; phát động các phong trào thi đua về đảm bảo an ninh trật tự trong bệnh viện. Các cấp Công đoàn Y tế Việt Nam cần tập trung nhiều hơn nữa vào việc tuyên truyền, vận động từng đoàn viên tích cực đóng góp những sáng kiến, ý tưởng mới nhằm tạo ra sự đột phá thực sự cho công tác an ninh, trật tự trong bệnh viện.


Chủ động đảm bảo an ninh bệnh viện

Trưởng phòng Hành chính quản trị, Bệnh viện Việt Đức Nguyễn Đức Tâm chia sẻ, tại Bệnh viện Việt Đức, công tác đảm bảo an ninh trật tự được bệnh viện hết sức chú trọng. Lãnh đạo bệnh viện xác định đây là trách nhiệm của bệnh viện cho nên rất quan tâm và chỉ đạo với chủ trương phòng là chính; phân rõ trách nhiệm cho các khoa, phòng để phòng ngừa không để xảy ra mất an ninh trật tự. Các vụ việc đều được ngăn chặn, xử lý tại chỗ, kịp thời không trông chờ các cơ quan công an.

Bên cạnh đó, Bệnh viện chủ động phối hợp với chính quyền, cơ quan công an trên địa bàn để giải quyết, xử lý kịp thời các vụ việc an toàn trật tự nói chung, các vụ việc người nhà người bệnh hành hung nhân viên y tế nói riêng.

Bệnh viện lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ có năng lực, kinh nghiệm, có tổ chức hợp lý, phân rõ trách nhiệm từng vị trí, từng ca; tăng cường hoạt động nâng cao chất lượng bảo vệ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ bệnh viện. Hàng năm, Bệnh viện đã chủ động cùng đơn vị dịch vụ bảo vệ xây dựng chức năng, nhiệm vụ, xác định chi tiết các vị trí bảo vệ, bố trí các ca trực và các phương án nhằm đảm bảo an ninh trật tự trong bệnh viện.

Bệnh viện tập trung xây dựng các tiêu chuẩn bảo vệ, trong đó, Đội trưởng phải là người có kinh nghiệm công tác ít nhất 10 năm, có trình độ cử nhân luật, đại học cảnh sát hoặc tương đương. Đội phó phải là người có kinh nghiệm công tác ít nhất 10 năm, có trình độ trung học cảnh sát hoặc tương đương. Các ca trưởng, ca phó cũng phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm, phải được huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ về an ninh trật tự. 100% nhân viên bảo vệ được bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ chuyên môn ,được cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ, chứng chỉ về kỹ năng giao tiếp, ứng xứ.

Bệnh viện xây dựng kế hoạch, bố trí nhân lực đáp ứng các yêu cầu công tác đảm bảo an ninh trật tự bệnh viện như tất cả các mục tiêu, khoa, phòng đều được bố trí bảo vệ; bố trí đủ nhân lực, đủ thời gian đáp ứng ở từng vị trí, từng mục tiêu bảo vệ. Ưu tiên tập trung vào các mục tiêu trọng điểm như các khoa khámbệnh, cấp cứu trong giờ hành chính, phòng tiếp đón cấp cứu ngoài giờ hành chính, riêng phòng cấp cứu ban đêm có 7 bảo vệ, được trang bị công cụ hỗ trợ; loa phát thanh tuyên truyền, chuông báo động… được lắp đặt tại quầy bàn đón tiếp bệnh nhân cấp cứu.

Bệnh viện chủ động thực tập xử lý các tình huống phức tạp, quy định khi có tình huống xảy ra cần phải báo động, tập trung toàn bộ lực lượng, công cụ hỗ trợ để chủ động áp đảo đối tượng; phân hóa được đối tượng, đóng chặn các cổng, khống chế đối tượng, bắt giải về vị trí an toàn, đồng thời báo cáo lãnh đạo bệnh viện, công an địa phương để xử lý.

Bên cạnh chủ động phối hợp, liên kết với chính quyền sở tại và lực lượng công an, các bệnh viện xây dựng chế tài xử lý nội bộ nghiêm khắc. Trường hợp vi phạm nặng hơn hoặc vi phạm nhiều lần bệnh viện yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ cho nghỉ việc nhân viên vi phạm…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục