Tăng cường Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia

"Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" là văn bản định hướng trong "cuộc chiến" bảo vệ môi trường.
Thực hiện Chiến lược được xây dựng dựa trên các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, ngày 12/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lễ công bố “Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.”

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết, Chiến lược là văn bản định hướng tổng thể và toàn diện về bảo vệ môi trường để các ngành, các cấp xây dựng và thực hiện kế hoạch 5 năm và hàng năm về bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Mục tiêu của Chiến lược là đến năm 2020 phải kiểm soát, hạn chế về cơ bản và đến năm 2030 ngăn chặn và đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng môi trường sống và nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chiến lược đã được xây dựng dựa trên các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đồng thời kế thừa, phát huy các kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2001 – 2010, bổ sung thêm những định hướng nhiệm vụ, giải pháp mới để thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo đó, Chiến lược đưa ra 4 định hướng lớn cho công tác bảo vệ môi trường gồm: Phòng ngừa và kiểm soát các nguồn ô nhiễm; cải tạo và phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái, đẩy mạnh cung cấp nước sạch và dịch vụ vệ sinh môi trường; khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; xây dựng năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Các định hướng này đều tập trung vào các mục tiêu cụ thể như giảm các nguồn hiện đang gây ô nhiễm môi trường; cải tạo, phục hồi hồ, ao, kênh, mương, đoạn sông đã bị ô nhiễm, suy thoái; cải thiện chất lượng môi trường không khí trong các khu đô thị, khu dân cư; sử dụng tài nguyên đất hiệu quả và bền vững; nâng tỷ lệ che phủ của rừng và nâng cao chất lượng rừng; kiềm chế tốc độ, suy giảm số loài và số cá thể các loài hoang dã, suy thoái các nguồn gen quý, hiếm.

Tại buổi công bố, đa số các đại biểu cũng nhất trí cho rằng, để thực hiện Chiến lược hiệu quả cần tạo chuyển biến mạnh mẽ ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong bảo vệ môi trường song song với hoàn thiện pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật. Mặt khác, cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ về bảo vệ môi trường; phát triển ngành kinh tế môi trường để hỗ trợ các ngành kinh tế khác giải quyết các vấn đề môi trường, thúc đẩy tăng trưởng, tạo thu nhập và việc làm; tăng cường và đa dạng hóa đầu tư cho bảo vệ môi trường./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục