Tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam

Việc khai thác, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã ở Việt Nam đang là mối quan tâm lớn của các cơ quan quản lý, tổ chức bảo tồn đa dạng sinh học.
Tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam ảnh 1Lực lượng chức năng kiểm tra da cá sấu và cá sấu con bị thu giữ không rõ nguồn gốc. (Ảnh:Trung Hiếu/TTXVN)

Chiều 8/9, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo công bố kết quả khảo sát về “Nhận thức, thái độ và hành vi liên quan đến sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã tại Hà Nội;” đồng thời thông báo kết quả hoạt động “Rà soát khung pháp lý và chính sách về quản lý, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.”

Hội thảo cũng thảo luận các giải pháp nhằm kiện toàn khung pháp lý, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo tồn động vật hoang dã.

Hội thảo này năm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học, thông qua cải cách chính sách và thay đổi thực trạng tiêu thụ các loài động vật hoang dã ở Việt Nam” (WLC), do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới (WB).

Hà Nội-thị trường tiêu thụ khá lớn

Theo nhận xét của ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, việc khai thác, buôn bán và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã ở Việt Nam đang là mối quan tâm lớn của các cơ quan quản lý, cũng như các tổ chức bảo tồn đa dạng sinh học. Cho đến nay đã có khá nhiều nghiên cứu về vấn đề khai thác và sử dụng động vật hoang dã tại Việt Nam. Tuy vậy, mới chỉ có rất ít các nghiên cứu làm rõ động cơ, cách thức tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã, cũng như vấn đề niềm tin và thái độ của người tiêu dùng đối với sản phẩm đặc thù này.

Để góp thêm bằng chứng và kiến thức cho sự phát triển của các chính sách và giải pháp hiệu quả hơn, Viện Xã hội học đã tiến hành việc khảo sát kiến thức, thái độ và hành vi liên quan tới sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã trong khu vực đô thị Hà Nội. Dựa trên cả 2 phương pháp định lượng và định tính, dữ liệu từ cuộc khảo sát trên 1.000 người trong độ tuổi từ 20 đến 69. Nghiên cứu đã tập trung vào việc tìm hiểu nhận thức, thái độ và hành vi liên quan đến việc sử dụng các loại thực phẩm, dược phẩm và các đồ trang trí được làm từ động vật hoang dã, xu hướng của họ và liên quan đến một số yếu tố nhân khẩu học, kinh tế, văn hóa, xã hội và pháp lý.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng và tiêu thụ sản phẩm động vật hoang dã là hiện tượng tương đối phổ biến trong nhóm tuổi từ 20-69 trong khu vực đô thị Hà Nội. Tỷ lệ người trả lời đã từng sử dụng các loại thực phẩm, làm thuốc và đồ trang trí từ động vật hoang dã tương ứng 69%, 67% và gần 12%. Nếu tính trong 12 tháng trước thời điểm khảo sát, tỷ lệ người trả lời sử dụng thực phẩm, thuốc và đồ trang trí làm từ động vật hoang dã tương ứng 25%, 26% và 6%; với tần suất sử dụng trung bình khoảng 2,7 lần đối với thực phẩm và 25 lần đối với thuốc chữa bệnh.

Phân tích dưới góc độ nhân khẩu học, nam giới có tỷ lệ sử dụng thực phẩm động vật hoang dã cao hơn nữ giới, nhưng lại ít có khả năng sử dụng đồ trang trí từ động vật hoang dã. Đối với sản phẩm thuốc thì tỷ lệ sử dụng theo giới tính không có sự chênh lệnh lớn. Nữ giới chủ yếu dùng các loại cao và bài thuốc đông y. Còn nam giới thường xuyên uống các loại rượu ngâm và coi đó là thuốc tăng cường sức khỏe.

Nghiên cứu cũng cho thấy việc tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã đã trở nên bình dân hơn, chứ không còn để thể hiện “đẳng cấp,” địa vị xã hội. Người làm việc trong khu vực nhà nước, liên doanh là 2 trong số các nhóm có xác suất sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã nhất. Tuy vậy, những người kinh doanh, buôn bán nhỏ và người cao tuổi, nghỉ hưu lại chiếm tỷ lệ lớn nhất trong nhóm đã sử dụng sản phẩm động vật hoang dã.

Trong số những người đã sử dụng thực phẩm từ động vật hoang dã, có 64% nói rằng họ sử dụng vì được mời, hoặc được cho, biếu. Trên 34% người trả lời nói do “mới lạ” chính là lý do họ sử dụng, chỉ có 8% tin rằng những thực phẩm này là thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ nói họ sử dụng các loại thực phẩm từ động vật hoang dã là để chữa bệnh, hay vì nó là “mốt thời thượng.”

Đối với sản phẩm thuốc, “mục tiêu chữa bệnh,” “bồi bổ sức khỏe,” “do được biếu, được mời” là 3 lý do chính của việc sử dụng loại sản phẩm này. Tương ứng với 71%, 27% và 21%.

Kết quả khảo sát kiến thức, thái độ và hành vi liên quan tới sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã trong khu vực đô thị Hà Nội cho thấy: hành vi tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã phục vụ cho nhu cầu ăn uống, chữa bệnh, trang trí ở địa bàn Hà Nội là khá phổ biến. Vì vậy, chiến lược cơ bản để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này là tập trung đẩy mạnh truyền thông, nhằm thay đổi nhận thức hành vi cùng với việc tăng cường thực thi nghiêm minh các quy định của pháp luật, liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã.

Đề xuất và khuyến nghị các công cụ pháp lý

Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học, thông qua cải cách chính sách và thay đổi thực trạng tiêu thụ các loài động vật hoang dã ở Việt Nam,” Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững-một tổ chức nghiên cứu pháp luật và chính sách độc lập, đã tham gia là đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn cho gói thầu “Rà soát văn bản luật, chuẩn bị báo cáo kỹ thuật trong đó xác định các công cụ pháp lý và đề xuất sửa đổi bổ sung về quản lý và kiểm soát hoạt động buôn bán, gây nuôi, xử lý vi phạm, tang vật, cứu hộ, cứu thả… các loài động vật hoang dã nguy cấp.”

Báo cáo đã nêu ra những hạn chế, bất cập của hệ thống văn bản pháp luật hiện hành về quản lý, kiểm soát hoạt động buôn bán, gây nuôi, xử lý vi phạm, cứu hộ tái thả động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Cũng như kết quả việc rà soát thực tiễn thực thi pháp luật về quản lý và kiểm soát hoạt động này. Qua đó đã đề xuất, khuyến nghị các công cụ pháp lý để kiện toàn hệ thống chính sách, pháp luật.

Cụ thể là tăng cường xây dựng và thực thi chính sách chung về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm; trong đó công tác tuyên truyền không tiêu thụ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm và sản phẩm của chúng phải là giải pháp ưu tiên hàng đầu trong xây dựng chính sách về quản lý bảo tồn động vật hoang dã.

Đối với việc khai thác, tiêu thụ buôn bán động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Trước hết cần xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về tăng cường kiểm soát, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã cho 5 năm tới (2015-2020).

Không khuyến khích việc gây nuôi hoặc khuyến khích thêm cho tình trạng tiêu thụ động vật hoang dã, không tính đến đem lại lợi ích nào cho công tác bảo tồn cũng không tăng cường công tác bảo tồn các loài động vật trong tự nhiên mà nhằm mục đích lợi nhuận. Cần có cơ chế tài chính để các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại đóng góp cho việc bảo tồn động vật hoang dã.

Mặt khác, ban hành quy định mới để xóa bỏ việc căn cứ vào giá trị động vật hoang dã làm cơ sở để xử phạt vi phạm hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; đồng thời tăng cường hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc quản lý, kiểm soát nhu cầu tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã nguy cấp trong y học cổ truyền. Đặc biệt là việc ban hành quy chế quản lý, sử dụng động vật hoang dã nguy cấp trong nghiên cứu, bào chế thuốc.

Tăng cường hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật điều chính trực tiếp về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm; trong đó cần tính đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Thủy sản, Luật Đa dạng sinh học để làm rõ phạm vi điều chỉnh, khắc phục những trùng lắp, chồng chéo liên quan đến quản lý động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm trong danh mục được ưu tiên bảo vệ.

Đặc biệt là các quy định liên quan đến quy hoạch đa dạng sinh học, quản lý các cơ sở bảo tồn (bao gồm cả cơ sở gây nuôi, cơ sở cứu hộ); quản lý các khu bảo tồn đa dạng sinh học với hệ thống rừng đặc dụng, phân định thẩm quyền của các thể chế quản lý Nhà nước; nhất là giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục