Tăng cường đa dạng hóa quan hệ quốc tế về y tế

Bộ trưởng Y tế cho biết Bộ đã đưa ra những giải pháp cụ thể, trong đó công tác hợp tác quốc tế là 1 định hướng quan trọng của ngành.
Cuộc họp Nhóm đối tác Y tế quý 3 năm 2011 đã diễn ra sáng 19/10, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và ông Sean Doyle, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết cuộc họp Nhóm đối tác Y tế quý 3 lần này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ bước vào một nhiệm kỳ mới, nhiệm kỳ 2011-2015.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành y tế vẫn đang đối mặt với những khó khăn, thách thức cần phải giải quyết trong thời gian tới, cụ thể là tình trạng quá tải ở các bệnh viện, sự xuất hiện các Bệnh dịch mới nổi như dịch sốt xuất huyết, dịch tay chân miệng đang có nguy cơ bùng phát, những vấn đề liên quan đến thực hiện Luật Khám chữa bệnh và đổi mới cơ chế tài chính y tế, lộ trình thực hiện Bảo hiểm y tế toàn dân...

Vì vậy, Bộ Y tế đã đưa ra những giải pháp cụ thể, trong đó công tác hợp tác quốc tế là một định hướng quan trọng của ngành. Đặc biệt, ngành y tế sẽ tiếp tục tăng cường đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực Việt Nam đang cần ưu tiên xây dựng và kiện toàn như: cải cách hệ thống tài chính y tế, phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh...

Các đối tác quốc tế cũng đã được chia sẻ về 7 vấn đề ngành y tế sẽ tập trung giải quyết trong giai đoạn mới nhằm đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của người dân. Thứ nhất là vấn đề giảm quá tải bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến Trung ương, các bệnh viện chuyên khoa ung bướu, tim mạch, nhi, sản.

Thứ hai là thực hiện lộ trình Bảo hiểm y tế toàn dân. Thứ ba là đổi mới cơ chế tài chính y tế theo hướng thu đủ, bù chi, tính đúng, tính đủ. Thứ tư là kiện toàn và nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở, đây là vấn đề “xương sống” của ngành y tế góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thứ năm là tăng cường nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu của các tuyến, đẩy mạnh phát triển y tế kỹ thuật cao để người dân không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh. Thứ sáu, thực hiện thí điểm khám chữa bệnh theo nhu cầu. Thứ bảy là nâng cao hiệu quả công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe.

Ngoài những vấn đề trọng tâm trên, các lĩnh vực khác như phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao y đức, quản lý giá thuốc, vệ sinh môi trường y tế… cũng sẽ được ngành y tế quan tâm, giải quyết.

Trao đổi về các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực y tế, các đại biểu đều thống nhất cho rằng Bộ Y tế cần tiếp tục tăng cường công tác vận động thu hút viện trợ, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực y tế nhằm tranh thủ tối đa các nguồn đầu tư, viện trợ về vật chất và khoa học kỹ thuật cho ngành y tế Việt Nam; chủ động xây dựng danh mục các chương trình, dự án ưu tiên vận động ODA và các vận động viện trợ khác của Bộ, ngành, địa phương để có sự kết hợp chặt chẽ giữa việc xây dựng kế hoạch và vận động viện trợ.

Bên cạnh đó Bộ cần tăng cường công tác điều phối hiệu quả các nguồn viện trợ cho lĩnh vực y tế, tránh chồng chéo, trùng lắp, phân tán, lãng phí các nguồn lực, nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực trong nước với các nguồn hỗ trợ quốc tế để phát triển ngành y tế Việt Nam lên một tầm cao mới./.

Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục