Tăng cường điều trị người lệ thuộc ma túy dựa vào cộng đồng

Thực tế cho thấy các dịch vụ điều trị lệ thuộc chất gây nghiện dựa vào cộng đồng giúp các dịch vụ dễ tiếp cận và có hiệu quả trong việc tiết kiệm về chi phí.
Tăng cường điều trị người lệ thuộc ma túy dựa vào cộng đồng ảnh 1Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Ngày 20/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban quốc gia Phòng chống AIDS và Phòng chống Tệ nạn ma túy, mại dâm phối hợp với Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNODC) tổ chức hội thảo Điều trị và chăm sóc lệ thuộc ma túy dựa vào cộng đồng, với sự tham gia của đại diện các đơn vị liên quan của các tỉnh, thành phía Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các mô hình điều trị, chăm sóc lệ thuộc ma túy tự nguyện, dựa trên bằng chứng và toàn diện trên thế giới cũng như ở Việt Nam nhằm đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị liên tục tại cộng đồng; các dịch vụ tiếp cận cộng đồng, các hỗ trợ xã hội, sàng lọc, các can thiệp ngắn, lập kế hoạch điều trị, các dịch vụ điều trị thuốc và tâm lý, các nhóm tự lực, các hỗ trợ mưu sinh bền vững trong quá trình hồi phục.

Thực tế cho thấy các dịch vụ điều trị lệ thuộc chất gây nghiện dựa vào cộng đồng giúp các dịch vụ dễ tiếp cận và có hiệu quả trong việc tiết kiệm về chi phí.

Bà Zhuldyz Akisheva, Giám đốc quốc gia UNODC tại Việt Nam, cho rằng mặc dù hiện nay Việt Nam đã có một khung pháp lý mạnh mẽ hỗ trợ việc chăm sóc và điều trị nghiện ma túy nhưng các cơ chế hỗ trợ và chính sách hiện còn hạn chế hoặc chưa được áp dụng đầy đủ vào thực tế.

Để thực hiện các mô hình cần có sự tham gia của nhiều ban, ngành, đoàn thể với cách tiếp cận đa ngành và có sự vận động toàn dân, nhằm đáp ứng, hỗ trợ hơn nữa cho những người lệ thuộc vào ma túy trong việc dự phòng, chăm sóc và tái hòa nhập cộng đồng.

Theo đại diện của UNODC, những người lệ thuộc ma túy cần một môi trường hỗ trợ từ cộng đồng chứ không phải là sự kỳ thị và phân biệt đối xử để giúp họ tham gia tốt hơn vào công tác điều trị.

Tất cả các can thiệp chăm sóc y tế khác bao gồm cả việc điều trị lệ thuộc ma túy cần được triển khai dựa trên cơ sở tự nguyện và có sự đồng ý tham gia của bệnh nhân sau khi đã được thông tin đầy đủ.

Báo cáo của Ủy ban quốc gia Phòng chống AIDS và Phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm cho biết tính đến tháng 12/2013, Việt Nam có trên 181.000 người sử dụng ma túy hiện đang quản lý, tăng khoảng 5% so với năm 2012. Tuy nhiên ước tính số người lệ thuộc ma túy trên thực tế lớn hơn rất nhiều.

Phân theo loại ma túy, số người sử dụng heroine chiếm số lượng lớn nhất trong số những người sử dụng ma túy bất hợp pháp (75%), sau đó là những người sử dụng ma túy tổng hợp (10%), thuốc phiện (7%) và cannabis (1,7%).

Số người tiêm chích ma túy chiếm tỷ lệ lớn, chủ yếu là tiêm chích heroine và là một trong những nguyên nhân chính làm lây nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam.

Từ năm 2008, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được triển khai thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng.

Đến nay, đã có trên 17.000 bệnh nhân được điều trị cai nghiện bằng phương pháp này tại 88 cơ sở điều trị ở 32 tỉnh, thành.

Theo ghi nhận của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, qua 5 năm triển khai chương trình, chưa có hiện tượng quá liều nghiêm trọng và không có bệnh nhân nào tử vong do quá liều hoặc do tác dụng của thuốc. Đây là một trong những giải pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện hiệu quả và dự kiến sẽ được áp dụng tại các cơ sở điều trị trong cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục