Tăng cường giám sát, chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TW Trần Cẩm Tú, 6 tháng cuối năm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tập trung tăng cường giám sát, nắm tình hình, chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm.

Tại Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc thông qua: Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Quy định thi hành Điều lệ Đảng; Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng...

Nhân dịp này, ông Trần Cẩm Tú, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã trả lời phỏng vấn của TTXVN về những nội dung mới trong Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Quy định thi hành Điều lệ Đảng; Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng.

Sau đây là nội dung phỏng vấn:

- Xin ông cho biết những điểm mới được sửa đổi, bổ sung trong Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII?

Ông Trần Cẩm Tú: Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương lần này có sửa đổi, bổ sung 3 vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng:

Quy chế quy định cụ thể đơn tố cáo mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương không giải quyết theo Quyết định 210-QĐ/TW ngày 08/11/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về ban hành Quy định giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, nhằm ngăn chặn những người lợi dụng việc tố cáo để xuyên tạc sự thật, vu khống, tố cáo bịa đặt, đả kích, chia rẽ bè phái, gây rối nội bộ, tố cáo nhiều lần có dụng ý xấu.

Quy chế xác định rõ hơn nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm tra theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và Kết luận số 72-KL/TW ngày 17/5/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020.

Quy chế tăng trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương: “Kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.” Đây là bước thể chế hóa Chỉ thị 50-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị, trong đó giao cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Ủy ban kiểm tra Đảng các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng.

- Tại Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định thi hành Chương VII, Chương VIII, Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, trong đó quy định cụ thể, sát hợp hơn về một số nội dung mà qua thực tiễn thi hành còn có những vướng mắc, bất cập. Xin ông cho biết rõ hơn về những nội dung này?

Ông Trần Cẩm Tú: Tại Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định thi hành Chương VII, Chương VIII, Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, quy định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy có trách nhiệm chủ trì giải quyết tố cáo theo quy định của Bộ Chính trị hoặc cấp ủy cùng cấp về giải quyết tố cáo về những nội dung liên quan đến lĩnh vực được phân công phụ trách.

Quy định bổ sung việc giám sát tổ chức đảng trong việc ban hành các văn bản có dấu hiệu trái với chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Để nâng cao trách nhiệm của tổ chức đảng cấp dưới trong việc xem xét, thi hành kỷ luật, lần này Trung ương quy định rõ hơn việc biểu quyết quyết định các hình thức kỷ luật cụ thể, nếu không có hình thức kỷ luật nào đủ đa số phiếu theo quy định, thì cộng dồn số phiếu từ hình thức kỷ luật cao nhất xuống đến hình thức kỷ luật liền kề thấp hơn, đến hình thức kỷ luật nào mà kết quả có đủ đa số phiếu theo quy định sẽ quyết định lấy hình thức kỷ luật đó.

Thực tế những năm qua, đảng viên khiếu nại lên cấp Trung ương ngày càng nhiều, tốn kém thời gian và công sức song kết quả giải quyết khiếu nại ở cấp Trung ương cơ bản đều giữ nguyên hình thức kỷ luật. Do đó, lần này, Trung ương quy định: “Ban Bí thư là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng đối với hình thức kỷ luật khai trừ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng đối với các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức do cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương trở xuống quyết định. Đối với các hình thức kỷ luật do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định, Ban Chấp hành Trung ương là cấp giải quyết khiếu nại cuối cùng.”

Một nội dung cũng rất quan trọng là việc xác định thời hiệu xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm và quy định đảng viên bị kỷ luật oan phải được xin lỗi và phục hồi quyền lợi. Đây là quy định mới nhân văn của Đảng. Vấn đề này sẽ được thể chế hóa bằng văn bản của Bộ Chính trị trong thời gian tới.

- Xin ông cho biết những kết quả quan trọng, nổi bật trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đến nay và những nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong 6 tháng cuối năm?

Ông Trần Cẩm Tú: Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chủ động phân công nhiệm vụ thành viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kịp thời ban hành đồng bộ các văn bản để triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Cụ thể như Quy định thi hành Chương VII, Chương VIII về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy định 181-QĐ/TW, ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Quyết định 68-QĐ/TW, ngày 21/3/2012 của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát trong Đảng.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII trong ngành kiểm tra Đảng, Chương trình công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ XII của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tham mưu cho Bộ Chính trị quyết định thành lập 6 đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với 20 tổ chức đảng trực thuộc Trung ương.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương triển khai thực hiện toàn diện nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định và trọng tâm là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; đã quyết định kiểm tra Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương (nhiệm kỳ 2010-2015); Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng (nhiệm kỳ 2011-2016), Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và 7 đảng viên có liên quan; đã kết luận 1 tổ chức và 4 đảng viên đều có vi phạm ở mức độ khác nhau; trong đó 4 đảng viên phải kiểm điểm, xem xét, xử lý kỷ luật theo quy trình. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra 20 tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, trong đó đã kết luận đối với 4 tổ chức.

Trong 6 tháng cuối năm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, gồm: Tích cực tham mưu và tổ chức thực hiện toàn diện chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra; tăng cường giám sát, nắm tình hình, chủ động phát hiện dấu hiệu vi phạm, kịp thời kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên, tập trung ở những nơi có các vụ việc nổi cộm, bức xúc, có biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mất đoàn kết nội bộ, có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm.

Ủy ban tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tổ chức thực hiện Quy định thi hành Chương VII và Chương VIII, Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII; xây dựng và ban hành một số quy chế, quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện có hiệu quả Chương trình Kiểm tra năm 2016; sơ kết thực hiện Kết luận số 72-KL/TW, ngày 17/5/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020; tham mưu xây dựng Chương trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương tập trung thực hiện tốt Kế hoạch số 19-KH/BCĐTW, ngày 10/5/2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng: nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; tăng cường kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu về phòng, chống tham nhũng; hoàn thiện Quy định về xử lý kỷ luật đảng đối với cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng hoặc liên quan đến vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế mà cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan tiến hành tố tụng đang xử lý hoặc đã kết thúc xử lý; quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra các cấp trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục