Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với tổ chức hội

Đến nay công tác quản lý nhà nước về hội và tình hình tổ chức của hội có những bất cập, Sắc lệnh số 102/SL/L004 được ban hành từ năm 1957 vẫn còn hiệu lực nhưng nhiều quy định đã không còn phù hợp.
Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với tổ chức hội ảnh 1Bộ trưởng Bộ nội vụ Nguyễn Thái Bình. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Quyền lập hội là một trong các quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Theo yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng, Đảng đã kịp thời đề ra đường lối, chủ trương phù hợp và ban hành nhiều văn bản về hội quần chúng; bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với các hội.

Về cơ bản, mô hình tổ chức và hoạt động của các hội là phù hợp với quy mô, tính chất, vai trò của từng hội. Nhiều hội đã phát huy tốt vai trò tập hợp, đoàn kết hội viên, có đóng góp tích cực vào việc bảo vệ, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.

Tuy nhiên, đến nay công tác quản lý nhà nước về hội và tình hình tổ chức, hoạt động của hội còn có những bất cập. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết Sắc lệnh số 102/SL/L004 được ban hành từ năm 1957 vẫn còn hiệu lực, đến nay nhiều quy định của Sắc lệnh đã không còn phù hợp.

Hệ thống pháp luật hiện hành về hội chưa đồng bộ, thiếu các chế tài trong hoạt động của hội; một số quy định về chính sách, chế độ đối với người làm việc tại hội còn bất cập; chưa phân biệt rõ các hội do Đảng và Nhà nước cấp kinh phí hoạt động với các hội khác hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tự lo kinh phí.

Nhiều hội hoạt động còn hình thức, chưa đáp ứng được nguyện vọng, lợi ích hợp pháp của hội viên, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, có xu hướng “hành chính hóa” trong tổ chức và hoạt động hội theo cấp hành chính.

Các quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền lập hội của công dân hiện nay chủ yếu được điều chỉnh bằng văn bản dưới luật (các Nghị định của Chính phủ, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư của các Bộ liên quan).

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và hội nhập quốc tế, dân chủ được phát huy, quyền công dân, quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp và các Công ước quốc tế. Theo đó, nhu cầu lập hội ngày càng nhiều và đa dạng, cần được điều chỉnh bằng luật để bảo đảm quyền lập hội của công dân và có đủ căn cứ xử lý các trường hợp lợi dụng tổ chức hội gây ra sự không đồng thuận trong xã hội.

Chính vì những bất cập này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định việc xây dựng Luật về hội để thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền lập hội của công dân, phát huy vai trò của hội và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hội là cần thiết.

Ban soạn thảo cho biết dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hội quần chúng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân và hội nhập quốc tế; Nhà nước bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền lập hội theo quy định của Hiến pháp; hoàn thiện hệ thống pháp luật về hội, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với hội.

Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện cấp, khoán và hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước tương ứng với nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho hội. Hội tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc tự nguyện, tự quản; tự trang trải về kinh phí; dân chủ, bình đẳng, minh bạch; không vì mục đích lợi nhuận; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội.

Hội không nhất thiết phải tổ chức thành hệ thống từ Trung ương đến cơ sở (cấp xã); nếu các hội ở cấp dưới thống nhất thừa nhận điều lệ của hội ở Trung ương thì không cần xây dựng điều lệ riêng. Hội hoạt động ở cấp nào, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và quản lý nhà nước của chính quyền cấp đó.

Dự thảo Luật về hội có 8 chương, 38 điều. Điều 1 dự thảo quy định: "Luật này quy định về quyền lập hội, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội; Luật này không áp dụng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng tại Việt Nam."

Hội theo quy định của Luật này gồm liên hiệp hội, tổng hội, hiệp hội, hội, liên đoàn và tên gọi khác là tổ chức tự nguyện của công dân và pháp nhân Việt Nam có tôn chỉ, mục đích được pháp luật thừa nhận, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, đoàn kết, giúp đỡ nhau, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; góp phần xây dựng và phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hội có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, biểu tượng riêng theo quy định của pháp luật.

Về trình tự, thủ tục thành lập hội, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết theo hướng thực hiện ba giai đoạn tương ứng với ba quyết định của cơ quan có thẩm quyền, gồm công nhận ban vận động thành lập; đăng ký thành lập; phê duyệt điều lệ hội.

Phân cấp quản lý nhà nước đối với hội, dự thảo Luật quy định Bộ trưởng Bộ Nội vụ thực hiện thẩm quyền đối với hội có phạm vi hoạt động cả nước và hội có phạm vi hoạt động liên tỉnh (trừ trường hợp các hội có đảng đoàn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều lệ); chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện thẩm quyền đối với hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh; chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện thẩm quyền đối với hội có phạm vi hoạt động trong huyện, xã (trong trường hợp được ủy quyền.

Theo chương trình, chiều 12/11, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ trình dự án Luật về hội, chiều 19/11 các đại biểu Quốc hội thảo luận nội dung này tại tổ trước khi thảo luận tại hội trường vào ngày 26/11./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục