Tăng cường hợp tác phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Việc phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có ý nghĩa rất lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Tăng cường hợp tác phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ ảnh 1Quang cảnh Hội nghị Hợp tác phát triển vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ năm 2016. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ của cả nước. Việc phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có ý nghĩa rất lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Kinh tế Vùng phát triển chưa xứng tiềm năng

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm bảy tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống kết cấu hạ tầng, thúc đẩy, hỗ trợ các vùng khác cùng phát triển. Đây cũng là Vùng đi đầu về hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Tại “Hội nghị hợp tác phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ năm 2016” được tổ chức ngày 27/12, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố đều cho rằng trong giai đoạn 2011-2016, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã đạt được nhiều kết quả hợp tác nổi bật trên các lĩnh vực quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông; công nghiệp, thương mại; du lịch; nông nghiệp; văn hoá, thể thao; y tế, giáo dục, lao động-thương binh và xã hội; tài nguyên môi trường; quản lý an ninh trật tự. Tuy nhiên, kết quả này được đánh giá chưa tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế của Vùng.

Theo ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, liên quan đến kết nối vùng vấn đề khó khăn nhất vẫn là giao thông. Quảng Ninh đang cố gắng hoàn thiện hệ thống giao thông cao tốc sẽ cơ bản xong trong năm 2018 kết nối đến Vân Đồn và tiếp tục đến Móng Cái. Về tuyến đường giao thông ven biển, Quảng Ninh đã có biên bản ký của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định và Thanh Hóa cùng kiến nghị đến Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm đến vấn đề ven biển.

Theo ông Long, hiện nay phần ở Quảng Ninh đã cơ bản xong, chủ yếu là phần liên quan đến các tỉnh kết nối đến Thanh Hóa. Quảng Ninh đã đề nghị với Thủ tướng về tuyến đường sắt nối Yên Viên với Hạ Long đang tạm dừng, đình hoãn trong giai đoạn trước nay cố gắng hoàn thiện đến Cái Lân, không để quá lãng phí với con đường này. Quảng Ninh cũng đồng ý cần cố gắng xong nhanh tuyến đường sắt cao tốc nối từ Hà Nội đến Hải Phòng đến Hạ Long.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, nhận xét: “Chúng ta đang phát triển hạ tầng nhưng kết nối còn hạn chế. Chỉ đường bộ không thì chi phí về vận tải rất cao. Các tuyến đường thủy có nhiều lợi thế nhưng chưa khai thác đúng tiềm năng của nó. Đường sắt thì còn lâu nữa mới kết nối được vào đó. Như vậy việc mất cân đối trong vận tải đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra là dồn lên đường bộ và nó đẩy chí phí vận tải rất lớn và lưu thông hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng.”

Nói về giải pháp triển khai hiệu quả hoạt động điều phối hợp tác phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là phải có tư duy vùng trong mọi cơ chế chính sách cũng như trong từng chương trình dự án đầu tư phát triển của Vùng. Liên kết không phải địa phương khỏe cứ đi trước rồi bù đắp, hỗ trợ cho các địa phương đi sau mà cần phải có cách tiếp cận mới, đó là xây dựng trên nền tảng để trở thành một xu thế phổ biến hiện nay là hợp tác đối tác bổ sung cho nhau, hỗ trợ lẫn nhau và hợp tác với nhau để cùng có lợi, cùng chiến thắng và cùng phát triển.”


Kết nối phát triển Vùng

Với tư cách là Chủ tịch Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nhiệm kỳ 2015-2016, Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng năm 2016. Trong năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội đạt 8,2%; thu ngân sách nhà nước đạt trên 173.000 tỷ đồng; tổng số vốn đầu tư xã hội đạt gần 278.000 tỷ đồng; có trên 22.900 doanh nghiệp thành lập mới.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá : “Cùng với vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã cơ bản thực hiện xong các nhiệm vụ năm thứ nhất của Kế hoạch phát triển 5 năm 2016-2020, đây là giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với những thời cơ mới, vận hội mới.”

Với kết quả trên, Hà Nội kêu gọi các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô; trong đó doanh nghiệp với vai trò nòng cốt, là động lực phát triển của mỗi địa phương tận dụng thời cơ, thuận lợi trong liên kết, phát triển Vùng, tạo ra những chuỗi liên kết giá trị bền vững để thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, xác định việc kết nối cung cầu hàng hoá chính là chiếc cầu nối vững chắc đưa hàng hóa của Hà Nội đến với vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cam kết, Hà Nội sẽ tạo nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh nông sản an toàn nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Trong lĩnh vực du lịch, thành phố Hà Nội đề nghị các tỉnh, thành phố trong Vùng cần tổ chức nhiều sự kiện, hội nghị, hội thảo, triển lãm, hội chợ du lịch liên tỉnh, trong quảng bá du lịch có sự kết hợp chặt chẽ giữa quảng bá giá trị di sản văn hóa các tỉnh, thành phố gắn với phát triển sản phẩm du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương theo hướng phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ.

Với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội," hy vọng rằng thời gian tới Thủ đô Hà Nội và các địa phương trong Vùng sẽ tiếp tục chung tay, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác, phát triển toàn diện, khai thác tối đa mọi tiềm năng, lợi thế, cơ hội của từng địa phương và toàn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; khẳng định vị trí, vai trò là một trong những vùng dẫn đầu về phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước phát triển, nhanh và bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục