Tăng cường kiểm soát ôtô để giải quyết ùn tắc

Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tăng cường kiểm soát ôtô, cùng với phát triển giao thông công cộng, để giải quyết nạn ùn tắc.
Tiến sĩ Shizuo Iwata, Giám đốc Tập đoàn ALMEC, giáo sư thỉnh giảng Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản, nhấn mạnh cơ hội cải thiện tình trạng giao thông vận tải công cộng tại các thành phố lớn của Việt Nam là phát triển và tổ chức lại khu vực đô thị đông đúc tích hợp với việc phục vụ giao thông công cộng hiệu quả cùng với việc kiểm soát sử dụng ôtô.

Phát biểu tại hội thảo về tương lai vận tải hành khách công cộng tại Việt Nam, diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 5/3, tiến sĩ Shizuo Iwata cho biết hơn 15 năm tại Việt Nam, ông hiểu rõ tình hình giao thông vận tải công cộng cũng như quá quen với tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng diễn biến xấu tại các đô thị lớn của Việt Nam.

Theo ông, ùn tắc giao thông tại Việt Nam hiện đáng lo ngại, gây thiệt hại lớn về kinh tế và suy thoái môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân. Cần phải đẩy nhanh các dự án giao thông vận tải công cộng, bởi nếu không làm gì, mất mát về tiền của do tắc nghẽn giao thông sẽ là rất lớn, chỉ riêng kịch bản đến năm 2020 cho Hà Nội nếu không làm gì mất mát sẽ là 3,8 tỉ USD, ông Iwata nhấn mạnh.

Lấy bài học kinh nghiệm của các đô thị tại Nhật Bản và Singapore, ông Iwata đề xuất chiến lược giao thông vận tải công cộng tích hợp tại Việt Nam theo hướng phát triển tổng thể giao thông vận tải như phát triển đường đô thị, quản lý giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng cùng với phát triển đô thị.

Theo ông, Việt Nam đã có cam kết chính sách mở rộng giao thông công cộng bao gồm đường sắt đô thị  như metro, monorail và xe buýt. Tuy nhiên cần chú ý đường sắt đô thị là một giải pháp nếu nó được phát triển một cách hợp lý như một mạng lưới và tích hợp với sự phục vụ của đường nhánh và phát triển đô thị.

Xe buýt cũng là một giải pháp nếu nó được cung cấp bằng môi trường điều hành hợp lý với không gian, trang thiết bị, giá vé và năng lực quản lý. Kiểm soát ôtô cũng là một giải pháp rất cần thiết, đặc biệt trong khu vực đô thị bị tắc nghẽn.

Chia sẻ với chuyên gia Nhật Bản, nhiều ý kiến khác cũng chỉ ra nguy cơ tắc nghẽn giao thông do ôtô tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trong tương lai là rất cao, nghiêm trọng hơn cả tắc nghẽn hiện nay chủ yếu do xe gắn máy.

Số lượng xe ôtô cá nhân tại 2 thành phố lớn nhất nước ngày càng gia tăng. Hiện số ôtô do Thành phố Hồ Chí Minh quản lý là trên 400.000 chiếcvà Hà Nội là 300.000 chiếc, chưa kể hàng ngày có hàng chục ngàn ôtô từ các tỉnh, thành phố khác lưu thông trên địa bàn hai thành phố này.

Phát triển vận tải hành khách công cộng, giao thông công cộng cùng với việc mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông là những giải pháp hàng đầu để giải bài toàn tắc nghẽn giao thông.

Mục tiêu của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2015, vận tải hành khách công cộng sẽ đáp ứng 14% nhu cầu đi lại (hiện mới chỉ là 7,2%); còn Hà Nội đặt mục tiêu  là 15% và đạt 20% vào năm 2020./.

Hoàng Liên Sơn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục