Tăng cường kiểm tra thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá

Thời gian qua, việc thực hiện môi trường không khói thuốc có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là tại trường học, cơ quan công sở và trên các phương tiện giao thông công cộng.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 15, sáng 4/10, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả hoạt động, quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong hai năm 2018 và 2019.

Theo Báo cáo của Chính phủ, thời gian qua, các chính sách, pháp luật về thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ đã được xây dựng, ban hành và bổ sung, sửa đổi kịp thời, bám sát nội dung Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.

Mạng lưới về phòng chống tác hại thuốc lá được thành lập và duy trì trên toàn quốc. Đến nay, có 20 bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội và 63/63 tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại thuốc lá.

Về kết quả giảm tỷ lệ hút thuốc lá, năm 2018 đã có 12 tỉnh có tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm so với điều tra toàn quốc năm 2015 (là 45,3%) như Quảng Ninh, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Thái Bình, Yên Bái, Lạng Sơn, Ninh Bình, Nghệ An… (với tỷ lệ hút thuốc ở nam giới từ 32,3 đến 45%).

Tỷ lệ người phơi nhiễm thụ động với khói thuốc cũng giảm, tại nơi làm việc giảm 13,3%; trường đại học, cao đẳng giảm 16,4%; trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%...

Một vấn đề đáng lưu ý là việc thực hiện môi trường không khói thuốc có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là tại trường học, cơ quan công sở và trên các phương tiện giao thông công cộng.

Công tác thanh tra, kiểm tra có nhiều chuyển biến tích cực, tăng cả về số lượng các đợt kiểm tra, thanh tra và số tiền xử phạt đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.

Cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, các Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội đánh giá, sau hơn sáu năm thành lập, Quỹ đã giữ vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương thực hiện các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá.

[Hà Nội sẽ cấm hút thuốc lá hoàn toàn ở 30 điểm du lịch nổi tiếng]

Tuy nhiên, một số Ủy viên Ủy ban cho rằng việc xây dựng Kế hoạch hoạt động hai năm chưa khắc phục được tình trạng chậm phê duyệt kế hoạch, ảnh hưởng đến những tháng đầu của giai đoạn kế hoạch.

Bên cạnh đó, có 8/9 nhiệm vụ theo Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã được Quỹ hỗ trợ thực hiện, tập trung chủ yếu vào truyền thông về tác hại của thuốc lá, triển khai các mô hình điểm về cộng đồng, cơ quan, tổ chức không khói thuốc lá, phát triển và nhân rộng các mô hình có hiệu quả.

Nhiệm vụ thứ 9 về thực hiện các giải pháp chuyển đổi ngành, nghề cho người trồng cây thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá, sản xuất thuốc lá thì đến nay mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu mà chưa có giải pháp thực hiện.

Đối với hoạt động thu, chi của Quỹ, các đại biểu đánh giá, nguồn thu của Quỹ lớn nhưng do bị hạn chế về nhiệm vụ chi theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá nên chưa đạt được mục đích ban đầu khi xây dựng Luật là mở rộng hỗ trợ cho truyền thông nâng cao sức khỏe. Tỷ lệ giải ngân thực tế hàng năm so với chi kế hoạch còn ở mức thấp.

Đánh giá cao kết quả giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam, các Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội chỉ rõ, kết quả này có sự đóng góp rất lớn từ việc Quỹ đã thực hiện tốt các nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá trong hơn sáu năm qua. Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sỹ Lợi, quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc, bệnh viện, trường học, các điểm công cộng vẫn chưa thực hiện tốt, tình trạng vi phạm còn xảy ra phổ biến.

Mặc dù 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá nhưng vai trò của Ban Chỉ đạo ở địa phương còn mang tính hình thức.

Tại một số địa phương, hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá chưa được xây dựng và đề xuất từ cơ quan tổ chức thực hiện, dẫn đến chưa phù hợp và bảo đảm yêu cầu thực tiễn.

Từ những bất cập này, các đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế sơ kết năm năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá để có căn cứ đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về mục đích, nhiệm vụ, nguồn hình thành và nguyên tắc sử dụng Quỹ theo quy định của Luật.

Các đại biểu nêu rõ rằng Hội đồng Quản lý Quỹ cần khắc phục việc chậm phê duyệt kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ phòng chống tác hại thuốc lá theo giai đoạn hai năm và nghiên cứu để đưa ra mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn lập kế hoạch.

Các hoạt động truyền thông cần tập trung vào những hoạt động phù hợp với từng nhóm đối tượng theo quy định của Luật; cần đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian qua để có các hình thức, phương pháp thực hiện, từ đó xây dựng kế hoạch chi tiêu tài chính phù hợp và đồng đều cho các nhiệm vụ.

Một số ý kiến đề nghị Bộ Y tế tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan, đơn vị, tỉnh, thành phố...

Tại phiên làm việc sáng 4/10, các đại biểu cũng cho ý kiến về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh năm 2020 và đề xuất Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 thuộc lĩnh vực y tế-dân số./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục