Tăng cường liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm

Hội thảo “Tăng cường mối liên kết trong chuỗi cung ứng thực phẩm” được tổ chức nhằm bình ổn giá thị trường trong cuối năm 2011.
Ngày 13/9, Bộ Công Thương phối hợp với các Sở, ngành tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Tăng cường mối liên kết trong chuỗi cung ứng thực phẩm” nhằm đẩy mạnh các biện pháp sản xuất, đảm bảo cung ứng thực phẩm, bình ổn giá thị trường, hạn chế các tác động bất lợi đối với nhóm hàng thực phẩm trong những tháng cuối năm 2011.

Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận định từ những nguyên nhân gây bất ổn thị trường thực phẩm cho thấy nếu có mối liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng thực phẩm từ khâu chăn nuôi, chế biến đến khâu phân phối sản phẩm ra thị trường thì nguồn cung sẽ luôn được bảo đảm. Bên cạnh đó, khi có sự gắn kết chặt chẽ giữa khâu chăn nuôi với khâu chế biến sẽ góp phầm hạn chế hoạt động thu mua “chụp giật” của thương lái.

Ông An cho rằng việc cấp thiết hiện nay là hình thành sự liên kết trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, bền vững tại các thành phố lớn và sau đó phát triển rộng trên phạm vi cả nước.

Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố đang triển khai nhiều đề án, chương trình để hình thành liên kết trong chuỗi cung ứng thực phẩm.

Trên cơ sở thế mạnh của các địa phương trong sản xuất, cung ứng sản phẩm nông sản thực phẩm, thành phố ưu tiên hỗ trợ các dự án đầu tư liên kết, tạo nguồn và sản xuất nguồn thực phẩm sạch của các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường. Các mặt hàng thiết yếu như thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, rau củ, quả, thủy hải sản cung ứng cho thị trường thành phố sẽ được liên kết, tạo nguồn cung với các tỉnh, thành như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau...

Ngoài ra, để ổn định thị trường thực phẩm gia súc, gia cầm từ nay đến cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2012, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiến nghị, các địa phương cần tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch bệnh, chống rét, hỗ trợ các loại vắcxin và lợn giống; giãn nợ, khoanh nợ và lãi suất tín dụng cho người chăn nuôi khôi phục sản xuất. Đồng thời, tăng cường quản lý Nhà nước về thị trường và an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các sản phẩm chăn nuôi, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ thực phẩm./.

Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục