Tăng cường mở rộng trợ giúp pháp lý cho phụ nữ tại Việt Nam

Quá trình sửa đổi Luật Hỗ Trợ pháp lý đang xem xét mở rộng hỗ trợ pháp lý miễn phí cho nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực giới thay vì chỉ hỗ trợ cho một số nhóm phụ nữ như luật hiện hành.
Tăng cường mở rộng trợ giúp pháp lý cho phụ nữ tại Việt Nam ảnh 1Một nạn nhân bị bán sang Trung Quốc được cứu trở về sống tại Ngôi nhà bình yên. (Nguồn: ngoinhabinhyen.com)

Hiện nay, việc trợ giúp pháp lý miễn phí chỉ dược áp dụng cho phụ nữ là một trong những nhóm sau: người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật, nạn nhân bị buôn bán, người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn. Quá trình sửa đổi Luật Hỗ Trợ pháp lý đang xem xét mở rộng hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực giới.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Hỗ trợ pháp lý và tiếp cận pháp lý cho phụ nữ tại Việt Nam” do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức ngày 7/12 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Shoko Ishikawa, Trưởng Đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam nhấn mạnh: “Với việc sửa đổi Luật Hỗ Trợ pháp lý đang mang lại nhiều cơ hội để giải quyết những lỗ hổng trong khung luật pháp về việc trợ giúp pháp lý, từ đó có thể nâng cao khả năng tiếp cận pháp lý cho phụ nữ ở Việt Nam.

Hiện nay, việc người phụ nữ không có quyền tiếp cận thu nhập trong gia đình một cách bình đẳng đang ảnh hưởng và cản trở quyền tiếp cận hỗ trợ pháp lý để đạt được công lý của phụ nữ”.

Từ năm 2007 đến nay, mỗi năm có khoảng 40.000-50.000 phụ nữ được trợ giúp pháp lý, chiếm khoảng hơn 40% số người được trợ giúp pháp lý.

Chỉ ra một số rào cản trong hoạt động trợ giúp pháp lý cho phụ nữ tại Việt Nam, ông Trần Nguyên Tú, Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) cho rằng, pháp luật chưa quy định phụ nữ nói chung được hưởng trợ giúp pháp lý, chưa quy định mô hình trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, chưa có trình tự, thủ tục riêng đối với phụ nữ là nạn nhân bạo lực giới, đặc biệt là cung cấp giấy tờ chứng minh.

Nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình vẫn chưa biết được về quyền được trợ giúp pháp lý hoặc còn e ngại khi tiếp cận với trợ giúp pháp lý. Người thực hiện trợ giúp tại nhiều trung tâm trợ giúp pháp lý chưa được đào tạo về kỹ năng làm việc với nạn nhân bạo lực giới...

Trước thực trạng này, Tiến sỹ Đào Lệ Thu, Đại học Luật Hà Nội đề xuất cần phải mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý bao gồm những hộ cận nghèo, phụ nữ là nạn nhân của bạo lực giới. Trường hợp phụ nữ là nạn nhân của bạo lực giới không được hưởng hoặc hưởng không đáng kể thu nhập của gia đình thì dựa trên thu nhập của cá nhân họ để xác định diện hưởng trợ giúp pháp lý.

Các hoạt động trợ giúp pháp lý cần phải được xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội trong lĩnh vực này, tập huấn, đào tạo trợ giúp viên pháp lý về nhạy cảm giới và trách nhiệm giới...

Tại hội thảo, các đại biểu nhấn mạnh việc sử dụng những tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao quyền tiếp cận pháp lý của phụ nữ tại Việt Nam. Đa số đại biểu cho rằng, cần đảm bảo tất cả mọi người, bất kể giới tính hay tình hình kinh tế, đều có khả năng tiếp cận tới toà án để được bảo vệ quyền lợi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục