Tăng cường phối hợp giữa Ủy ban Tư pháp hai nước Việt Nam-Lào

Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển đề nghị trong thời gian tới, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam và Lào cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ để trao đổi thông tin chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn...
Tăng cường phối hợp giữa Ủy ban Tư pháp hai nước Việt Nam-Lào ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lào và các đại biểu tại buổi tiếp. (Nguồn: quochoi.vn)

Chiều 26/6, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã tiếp Đoàn Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lào do bà Bouakham Thipphavong, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lào dẫn đầu nhân dịp Đoàn sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Thay mặt Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhiệt liệt chào mừng và đánh giá cao chuyến thăm của Đoàn tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, vào đúng dịp hai nước kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào, 40 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào, và sẽ đóng góp tích cực vào việc vun đắp tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước.

Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã giới thiệu với Đoàn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam. Theo đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam có nhiệm vụ thẩm tra dự án luật trong lĩnh vực tư pháp.

Trong quá trình hoàn thiện dự án luật đặc biệt là những dự án liên quan đến hoạt động tư pháp, Ủy ban Tư pháp có vai trò hết sức quan trọng, giúp Quốc hội thông qua những văn bản có chất lượng tốt. Ngoài công tác lập pháp, Ủy ban Tư pháp còn giám sát hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao... và giám sát hoạt động liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Tư pháp hai nước tương đối giống nhau, vì thế, chuyến thăm này sẽ giúp các cơ quan chuyên môn của Quốc hội Lào và Việt Nam học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.

Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển đề nghị trong thời gian tới, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lào cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ để trao đổi thông tin; tích cực tổ chức các hội thảo, tọa đàm để chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn đồng thời tăng cường tiếp xúc, gặp gỡ tại các diễn đàn song phương, đa phương.


[Cuộc họp Tham khảo Chính trị Việt Nam-Lào lần thứ hai]

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lào Bouakham Thipphavong cảm ơn những tình cảm nồng ấm, sự đón tiếp trọng thị mà Quốc hội Việt Nam, cá nhân Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam đã dành cho Đoàn đồng thời chuyển lời thăm hỏi của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotu tới lãnh đạo và các đại biểu Quốc hội Việt Nam.

Chủ nhiệm Bouakham Thipphavong nêu rõ tư pháp là một lĩnh vực rất quan trọng nhằm góp phần duy trì ổn định, trật tự xã hội, phòng chống tham nhũng và là tiền đề cho sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội của Lào. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lào mới chỉ được thành lập từ năm 2016, do đó, việc học tập, nghiên cứu cơ cấu tổ chức, mô hình hoạt động các cơ quan của Việt Nam, đặc biệt của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam là vô cùng cần thiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Bouakham Thipphavong mong muốn trong thời gian tới Quốc hội cũng như Ủy ban Tư pháp của hai nước Việt Nam-Lào sẽ tiếp tục tăng cường sự phối hợp nhằm phát triển mối quan hệ truyền thống lâu đời, tình đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước.

Sáng cùng ngày, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã hội đàm với Đoàn Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lào.

Tại buổi hội đàm, hai bên đã thông báo khái quát về tình hình hoạt động của hai Ủy ban Tư pháp trong thời gian gần đây; vị trí, chức năng, quyền hạn giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam. Hai bên cũng trao đổi về cơ chế, cấp phối hợp và giám sát kết quả tổ chức thực hiện Hiến pháp và pháp luật trong lĩnh vực tư pháp, Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh của Việt Nam đối với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Cơ quan thi hành án, Thanh tra Chính phủ và các Sở liên quan của tỉnh/thành; phương thức nghiên cứu, xử lý đơn thu khiếu nại của Quốc hội; kinh nghiệm xử lý kết quả giám sát việc tổ chức thực hiện Hiến pháp và luật pháp trong lĩnh vực tư pháp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh của Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục