Tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu chặt chẽ hơn

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 (FMM9) với chủ đề "Tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu chặt chẽ hơn nhằm ứng phó với khủng hoảng kinh tế-tài chính và các thách thức toàn cầu” sẽ diễn ra trong 2 ngày 25 và 26/5, tại Hà Nội.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 (FMM9) với chủ đề "Tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu chặt chẽ hơn nhằm ứng phó với khủng hoảng kinh tế-tài chính và các thách thức toàn cầu” sẽ diễn ra trong 2 ngày 25 và 26/5, tại Hà Nội.

Hội nghị là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế của Việt Nam và quan hệ hợp tác Á - Âu năm 2009.

Đây cũng là dịp để bạn bè quốc tế hiểu hơn về chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Sự kiện quan trọng này là một thông điệp mạnh mẽ: Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực; nhất quán coi trọng và tích cực đóng góp cho tiến trình ASEM, tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với các thành viên ASEM; đồng thời giới thiệu với bạn bè quốc tế về những thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước.

Tiến trình Hợp tác Á-Âu (ASEM) được chính thức thành lập theo sáng kiến của Singapore, Pháp và sự ủng hộ tích cực của ASEAN nhằm tạo dựng một mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa Á - Âu vì sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn và tạo ra sự hiểu biết sâu sắc hơn giữa nhân dân hai châu lục; đồng thời thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng, duy trì và tăng cường hòa bình ổn định cũng như phát huy các điều kiện cần thiết cho sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững.

Khi thành lập mới có 26 thành viên, đến nay ASEM đã có 45 thành viên, chiếm khoảng 58% dân số thế giới, gần 60% tổng kim ngạch thương mại và khoảng 50% GDP toàn cầu.

Vai trò của ASEM trên thế giới cũng ngày càng tăng. ASEM đưa ra các quyết định trên cơ sở đồng thuận chứ không ký kết hay bỏ phiếu; tăng cường nhận thức và hiểu biết lẫn nhau thông qua một tiến trình đối thoại và tiến tới hợp tác trong việc xác định các ưu tiên cho hoạt động phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau; tăng cường đối thoại chính trị, thúc đẩy hợp tác kinh tế và đẩy tới hợp tác trong các lĩnh vực khác.

Trải qua 13 năm hình thành và phát triển, hợp tác ASEM đã đạt nhiều thành tựu đáng kể. ASEM đã trở thành một khuôn khổ đối thoại và hợp tác liên khu vực quan trọng, tạo động lực mới cho quan hệ hợp tác toàn diện giữa châu Á và châu Âu, cũng như hợp tác song phương giữa các thành viên trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.

Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập ASEM, luôn phát huy vai trò chủ động tham gia hợp tác Á-Âu trên cả 3 lĩnh vực đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác khác.

Việc tham gia ASEM đã tạo thêm điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại đa phương hóa, đang dạng hóa quan hệ, hỗ trợ cho quan hệ song phương, đẩy mạnh ngoại giao đa phương; tranh thủ khả năng hợp tác thương mại, đầu tư, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, trao đổi văn hóa, giáo dục đào tạo phục vụ các yêu cầu phát triển đất nước.

Tham gia với tư cách một thành viên bình đẳng, Việt Nam có cơ hội cùng xây dựng luật chơi chung của cả hai châu lục Á - Âu, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới, từ đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam.

Việt Nam đã đưa ra 10 sáng kiến và đồng tác giả của 15 sáng kiến khác trong ASEM, trong đó 14 sáng kiến đã được triển khai, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực văn hóa, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng, khoa học công nghệ, du lịch và kinh tế.

Trong lĩnh vực chính trị, đóng góp lớn nhất của Việt Nam là những nỗ lực chuẩn bị và tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM 5, đưa ra những quyết định mở hướng mới cho hợp tác ASEM, đẩy mạnh hợp tác về văn hóa và kinh tế, Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò tích cực của nước chủ nhà, chủ động dàn xếp, điều hòa lợi ích giữa các thành viên ASEM, giải quyết tốt vấn đè mở rộng thành viên của Myanmar, góp phần quan trọng duy trì sự phát triển của tiến trình.

Việt Nam đã thúc đẩy Hội nghị Cấp cao ASEM 5 thông qua “Tuyên bố Hà Nội về tăng cường hợp tác kinh tế ASEM chặt chẽ hơn”. Trong lĩnh vực tài chính, các bộ, ngành của Việt Nam đã tranh thủ Quỹ Tín thác ASEM (ATF) trợ giúp triển khai có hiệu quả 21 dự án với giá trị gần 13,4 triệu USD trên các lĩnh vực cải cách hệ thống tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp, xóa đói giảm nghèo và cải cách hệ thống an sinh xã hội, được đánh giá cao.

Trong các lĩnh vực khác, ASEM cũng ghi nhận vai trò tham gia chủ động và tích cực của Việt Nam với việc đi đầu đưa ra sáng kiến về hợp tác văn hóa, y tế, giao thông vận tải, môi trường, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và an ninh năng lượng.

Đặc biệt, Việt Nam cũng là một trong những nước tiên phong trong đăng ký lĩnh vực Nhóm đi đầu gồm phát triển nguồn nhân lực, giáo dục; phòng chống HIV/AIDS - kiểm soát dịch bện bùng phát; văn hóa - du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục