Tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam-Campuchia

Chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từ 26-28/8 nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Nhận lời mời của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Vương quốc Campuchia từ ngày 26 đến 28/8.

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới Vương quốc Campuchia diễn ra trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách, nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định của kinh tế vĩ mô, ngăn chặn lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được tăng cường, hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế, khu vực và đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2010.

Hiện nay, tình hình kinh tế của Campuchia đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất do tác động của khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu. Kinh tế Campuchia đang trên đà hồi phục mạnh sau khủng hoảng, dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2010 có thể đạt trên 5%.

Những năm qua, mối quan hệ giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển về mọi mặt theo phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài."

Các cuộc gặp gỡ trao đổi cấp cao giữa hai bên đã được thúc đẩy nhằm không ngừng củng cố và tăng cường hơn nữa sự tin cậy gắn bó giữa hai nước. Quan hệ hữu nghị, hợp tác nhân dân giữa hai nước được tăng cường dưới nhiều hình thức.

Các đoàn thăm, trao đổi làm việc ở cấp bộ, ngành, đoàn thể quần chúng và các địa phương hai nước, nhất là các tỉnh có chung biên giới ngày càng tăng, góp phần quan trọng tăng cường mối quan hệ ngày càng cởi mở, chân tình, ngày càng tin cậy và gắn bó Việt Nam-Campuchia.

Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia được lãnh đạo hai nước đặc biệt quan tâm thúc đẩy, thông qua cơ chế Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác Kinh tế, Văn hóa, Khoa học kỹ thuật. Hằng năm, Ủy ban hỗn hợp được nhóm họp, kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, thương mại, quân sự, an ninh, y tế, giáo dục..., đồng thời đưa ra kế hoạch cho những năm tiếp theo.

Tổng kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia không ngừng tăng, năm 2008 đạt 1,64 tỷ USD.

Năm 2009, do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kim ngạch hai chiều chỉ đạt 1,33 tỷ USD.

Tính đến hết tháng 5/2010, kim ngạch thương mại hai nước đã đạt 717 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2009.

Hai nước cũng đã thống nhất nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và phấn đấu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2 tỷ USD vào năm 2010. Campuchia hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 16 của Việt Nam và Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 4 của Campuchia...

Đầu tư của Việt Nam sang Campuchia tăng khá. Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở Campuchia chủ yếu trong các lĩnh vực thăm dò và khai thác khoáng sản, dầu khí; hợp tác trong lĩnh vực điện năng như xây dựng nhà máy thủy điện, đường truyền tải điện, mua bán điện; hợp tác trồng cây cao su, phát triển hạ tầng giao thông...

Hiện nay Việt Nam có 63 dự án đầu tư tại nước bạn với tổng số vốn đầu tư đạt gần 900 triệu USD. Trong 5 năm tới, với việc triển khai các dự án thủy điện (Stưng Treng công suất 980 MW, Hạ Sê San 2 công suất 420 MW) và đặc biệt là liên doanh khai thác bauxite Alumin Việt Nam-Campuchia, giá trị đầu tư sẽ đạt tối thiểu 6 tỷ USD.

Các hợp tác về y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật tiếp tục có kết quả tốt, nhất là trong lĩnh vực đào tạo. Từ năm 1995 đến nay, Việt Nam đã giúp đào tạo cho Campuchia hàng nghìn học sinh, cán bộ bậc đại học, cao đảng, nghiên cứu sinh trong các ngành kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật.

Campuchia cũng cấp học bổng cho cán bộ Việt Nam sang học tiếng Khmer. Nước bạn cũng đánh giá cao những hoạt động của Việt Nam giúp khám chữa bệnh, mổ mắt nhân đạo cho nhân dân Campuchia các tỉnh biên giới thời gian qua.

Lãnh đạo hai nước tiếp tục khẳng định quyết tâm sẽ hoàn thành phân giới cắm mốc trên bộ trong năm 2012, coi việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc là nhiệm vụ lịch sử, là di sản mà thế hệ lãnh đạo hai nước hôm nay để lại cho thế hệ mai sau nhằm xây dựng một đường biên giới chung hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, trên cơ sở phù hợp với truyền thống, phong tục tập quán của nhân dân hai nước.

Bên cạnh quan hệ hợp tác song phương, hai bên đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ ASEAN cũng như trong khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế như hợp tác trong Ủy hội sông Mekong (MRC), Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), Chương trình phát triển các vùng nghèo liên quốc gia dọc Hành lang Đông-Tây (WEC), Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady-ChaoPraya-Mekhong (ACMECS), Campuchia-Lào-Việt Nam (CLMV), Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.

Tại chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận các biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia, cũng như trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm./.

Hoàng Thị Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục